hieuluat

Thông báo 1620/TB-BNN-VP Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:1620/TB-BNN-VPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Lê Văn Thành
    Ngày ban hành:06/03/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:06/03/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    -------

    Số: 1620/TB-BNN-VP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2019

    THÔNG BÁO

    Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ "TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG CÁ TRA NĂM 2019"

    Ngày 18 tháng 02 năm 2019, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ: Công an, Công thương; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các Trường Đại học: An Giang, Cần Thơ; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Hiệp hội cá tra Việt Nam (VPA); lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra và các cơ quan thông tấn báo chí.

    Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các ý kiến tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận như sau:

    Năm 2018 ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt, đồng bộ trên mọi phương diện: sản lượng tăng 13,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,5%; không xuất hiện dịch bệnh lớn; diện tích ương nuôi có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; các bên tham gia chuỗi sản xuất cá tra đều đạt hiệu quả; công tác quản lý đi vào quỹ đạo ổn định, đồng bộ. Kết quả đạt được trong năm 2018 đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của ngành hàng cá tra với hơn 80% sản lượng và giá trị đã tham gia chuỗi liên kết; đã đa dạng hóa hơn 80 sản phẩm giá trị gia tăng; đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính. Các doanh nghiệp đã nhận diện rõ thời cơ, thách thức và khởi động một số dự án lớn mang tính chiến lược lâu dài. Những thành tựu trên là sự kế thừa có chọn lọc của chặng đường 20 năm phát triển; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của 3 khu vực: nhà nước, doanh nghiệp và người dân; sự kiên trì, quyết tâm và năng lực tốt trong đấu tranh thương mại; sự chuẩn bị rất tốt cho cuộc đánh giá tương đương theo Đạo luật nông trại Hoa Kỳ; sự tích cực vào cuộc thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao vùng ĐBSCL; sự chia sẻ, đồng hành và quyết tâm cao của toàn hệ thống để duy trì đà tăng trưởng.

    Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 có thể giảm so với năm 2018, sẽ tác động đến các ngành kinh tế bao gồm ngành hàng cá tra. Trong khi đó, ngành hàng cá tra đã tăng trưởng liên tục trong 3 năm gần đây, nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao, trong khi chất lượng con giống vẫn chưa được cải thiện rõ nét, vẫn còn một số cơ sở nhỏ lẻ chưa tham gia vào chuỗi liên kết. Trước bối cảnh đó, ngành Thủy sản đặt mục tiêu cho năm 2019 là củng cố và duy trì thành quả của năm 2018, đồng thời nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất khi có cơ hội về thị trường. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nội dung các báo cáo đã trình bày tại Hội nghị để tham khảo và tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

    1. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết tất cả công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng trong cung cầu.

    Các địa phương vùng ĐBSCL cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi ở địa phương, từ đó có giải pháp vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi; kiểm soát tốt quy hoạch, không để xảy ra tình trạng tự phát tăng diện tích ương nuôi vượt kiểm soát.

    2. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong toàn chuỗi sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cho sản phẩm.

    3. Con giống có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất. Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm. Cần triển khai tốt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào chọn tạo giống gốc, ứng dụng mô hình ương cá giống 2 giai đoạn, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ương cá giống để giảm diện tích ương nhưng vẫn đáp ứng đủ số lượng con giống chất lượng cao.

    4. Đề nghị Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản, Hiệp hội cá tra Việt Nam lưu ý hướng dẫn hội viên tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường đoàn kết, hợp tác; thực hiện văn hóa chia sẻ trong kinh doanh; xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, bền vững; đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên; tiếp tục là cầu nối chuyển tải những đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, người dân đến cơ quan quản lý nhà nước.

    5. Giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt Chương trình “2194”, Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn, tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào; tổng hợp các kiến nghị của các đại biểu đã nêu tại Hội nghị về những việc cần làm ngay, những vấn đề cần sự phối hợp với các Bộ ngành khác có liên quan như các vấn đề về thuế, chính sách lao động, thể chế, chương trình, đề án v.v... tham mưu trình Bộ trưởng chỉ đạo, xử lý.

    Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận các ý kiến góp ý tại Hội nghị. Hiện nay, Bộ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.

    Nơi nhận:
    - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
    - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (để b/c);
    - Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường Quốc hội;
    - Bộ Công Thương, Bộ Công an;
    - Tỉnh ủy các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp;
    - UBND các tỉnh/TP vùng ĐBSCL;
    - Sở NN&PTNT các tỉnh/TP ĐBSCL;
    - Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tham dự Hội nghị;
    - Các Trường Đại học: Cần Thơ, An Giang;
    - VPA, VASEP;
    - Lưu: VT, TCTS (NTBT, 50b);.

    TL. BỘ TRƯỞNG
    CHÁNH VĂN PHÒNG




    Lê Văn Thành

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X