hieuluat

Quyết định 36/2014/QĐ-UBND thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân tỉnh Lai ChâuSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:36/2014/QĐ-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Khắc Chử
    Ngày ban hành:27/11/2014Hết hiệu lực:15/11/2019
    Áp dụng:07/12/2014Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • ỦY BAN NHÂN DÂN
    TỈNH LAI CHÂU
    --------

    Số: 36/2014/QĐ-UBND

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Lai Châu, ngày 27 tháng 11 năm 2014

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG CỦA CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SỬ DỤNG NƯỚC TỪ LƯU VỰC CỦA TỈNH LAI CHÂU

    -----------------------------

    UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

     

    Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

    Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;

    Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng;

    Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

    Căn cứ Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012, của liên Bộ: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính về Hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng;

    Căn cứ Thông tư số 85/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng;

    Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính tại Tờ trình liên ngành số 653/TTrLN: SNN-STC ngày 25 tháng 11 năm 2014,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

    Điều 2. Những nội dung không quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

     

    TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
    CHỦ TỊCH




    Nguyễn Khắc Chử

     

     

    QUY CHẾ

    QUẢN LÝ, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG CỦA CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SỬ DỤNG NƯỚC TỪ LƯU VỰC CỦA TỈNH LAI CHÂU
    (Ban hành kèm theo Quyết định số: 36/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Lai Châu)

     

    Chương I

    QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Mục tiêu

    Cụ thể hóa Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh Lai Châu.

    Điều 2. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

    1. Đối tượng áp dụng

    - Người cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

    - Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

    - Quỹ BV& PTR tỉnh.

    - Các cơ quan quản lý: UBND các cấp, Ban Chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ & phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh, huyện, xã; cơ quan thường trực của các Ban Chỉ đạo (Sở Nông nghiệp & PTNT; Phòng Nông nghiệp & PTNT cấp huyện).

    2. Phạm vi điều chỉnh

    Các hoạt động quản lý, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.

    Điều 3. Giải thích từ ngữ

    1. Các từ viết tắt

    - BV&PTR: Bảo vệ và Phát triển rừng.

    - BQLRPH: Ban Quản lý rừng phòng hộ.

    - DVMTR: Dịch vụ môi trường rừng.

    2. Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Là bên sử dụng DVMTR trả tiền cho bên cung cấp DVMTR.

    3. Người cung cấp DVMTR: Là các chủ rừng; các Ban Quản lý rừng phòng hộ.

    4. Người sử dụng DVMTR: Các nhà máy thủy điện sử dụng nước từ lưu vực của các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

    5. Lưu vực sông, suối là vùng đất được giới hạn bởi các đường phân thủy mà trên đó tất cả lượng mưa rơi đều tập trung vào một dòng chảy chính của sông, suối đó.

    6. Chủ rừng: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển lâm nghiệp.

    7. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố (gọi chung là BQLRPH): Không phải là chủ rừng, nhưng là tổ chức đại diện cho Nhà nước quản lý diện tích rừng và đất rừng chưa giao cho các chủ rừng.

    8. Người nhận khoán: Là các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư được BQLRPH hợp đồng giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi, trồng và chăm sóc rừng trồng trên lâm phận của BQLRPH quản lý.

    9. Hợp đồng ủy thác: Là hợp đồng nhận tiền giữa người sử dụng DVMTR với Quỹ BV&PTR để chi trả cho người cung cấp DVMTR.

    10. Hợp tác xã DVMTR là tổ chức được thành lập từ sự đồng thuận của cộng đồng thôn bản; đại diện cho cộng đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần do cộng đồng quản lý. Tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012.

    11. Tổ hợp tác DVMTR là tổ chức được thành lập từ sự đồng thuận của cộng đồng thôn bản; mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên tham gia, đại diện cho cộng đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần do cộng đồng quản lý. Tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác.

    Điều 4. Nguyên tắc quản lý và thực hiện chi trả

    1. Hệ số K

    Mỗi nhà máy thuỷ điện chỉ áp dụng một mức chi trả cho các loại rừng ( hệ số K = 1 cho các loại rừng).

    2. Phân chia lưu vực để chi trả DVMTR

    Tiền uỷ thác của các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu được chi trả theo quy định sau:

    a) Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La: Diện tích lưu vực để chi trả tiền DVMTR là toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

    b) Nhà máy thuỷ điện Lai Châu: Diện tích lưu vực để chi trả tiền DVMTR là toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Mường Tè, Nậm Nhùn.

    c) Nhà máy thuỷ điện Huổi Quảng, Bản Chát: Diện tích lưu vực để chi trả tiền DVMTR là toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn thành phố Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên.

    d) Nhà máy thủy điện Nậm Na 2, 3: Diện tích lưu vực để chi trả tiền DVMTR là toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Phong Thổ.

    đ) Các Nhà máy thuỷ điện khác: Diện tích lưu vực để chi trả tiền DVMTR là toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

    3. Thời gian nhận tiền ủy thác và thời gian chi trả cho người cung cấp DVMTR

    a) Người sử dụng DVMTR trả ủy thác qua Quỹ BV&PTR một năm 2 lần vào tháng 7 và tháng 01 năm sau.

    b) Quỹ BV&PTR chi trả cho người cung cấp DVMTR một năm 2 lần: Tạm ứng vào tháng 8 năm kế hoạch và thanh toán vào tháng 02 năm sau.

     

    Chương II

    QUY ĐỊNH CỤ THỂ

     

    Điều 5. Xác lập hợp đồng ủy thác và ký kết hợp đồng ủy thác

    1. Đối với các nhà máy thuỷ điện có diện tích lưu vực liên tỉnh: Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Quỹ BV&PTR của tỉnh, thống nhất với Quỹ BV&PTR Việt Nam về diện tích rừng trong lưu vực của tỉnh và mức tiền của tỉnh được hưởng.

    2. Đối với các nhà máy thủy điện có diện tích lưu vực nằm trong địa bàn tỉnh: Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Quỹ BV&PTR của tỉnh và các cơ quan có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, …) thương thảo với các nhà máy thủy điện để dự thảo hợp đồng nhận ủy thác và thống nhất kế hoạch tổ chức lễ ký hợp đồng.

    3. Tổ chức ký kết hợp đồng nhận uỷ thác

    Thành phần tham dự lễ ký kết gồm:

    - Đại diện cho bên nhận uỷ thác: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các cơ quan có liên quan.

    - Đại diện bên uỷ thác: Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Giám đốc, Kế toán trưởng.

    Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và đại diện theo quy định pháp luật của nhà máy thủy điện tiến hành ký hợp đồng uỷ thác.

    Việc tổ chức ký kết được tiến hành vào tháng 12 hàng năm.

    Nếu nhà máy thủy điện không ký hoặc vi phạm hợp đồng đã ký mà không được Quỹ BV&PTR chấp thuận, Quỹ có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh để UBND tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngừng ký hợp đồng tiêu thụ điện với nhà máy thủy điện không ký hợp đồng hoặc vi phạm hợp đồng đã ký.

    4. Tiếp nhận, quản lý tiền uỷ thác

    Quỹ BV&PTR tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý số tiền từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các nhà máy thủy điện đã ký hợp đồng ủy thác chuyển về theo quy định của Điều lệ quản lý Quỹ.

    Điều 6. Xác lập hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Quỹ BV&PTR tỉnh với người cung cấp DVMTR

    1. Xác định các bên tham gia cung cấp DVMTR (chủ rừng, BQLRPH) và diện tích rừng đủ điều kiện tham gia cung cấp DVMTR.

    Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, cùng với Phòng Nông nghiệp & PTNT cấp huyện và Quỹ BV&PTR tỉnh xác định các bên tham gia cung cấp DVMTR (chủ rừng, BQLRPH) và diện tích rừng đủ điều kiện tham gia cung cấp DVMTR.

    Diện tích rừng đủ điều kiện tham gia cung cấp DVMTR bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng và các cây trồng tập trung khác được công nhận là cây đa mục đích của người cung cấp DVMTR.

    Việc xác định diện tích rừng đủ điều kiện tham gia cung cấp DVMTR thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT.

    2. Ký hợp đồng cung cấp DVMTR

    Căn cứ vào kết quả xác định các bên cung cấp DVMTR, diện tích rừng đủ điều kiện tham gia cung cấp DVMTR, Quỹ BV&PTR tỉnh và người đại diện theo quy định pháp luật của bên cung cấp DVMTR lập và ký hợp đồng cung cấp DVMTR (Theo mẫu ban hành kèm theo quy định này), có xác nhận của Sở Nông nghiệp & PTNT và phòng Nông nghiệp & PTNT cấp huyện. Đối với người cung cấp DVMTR được trả từ hai nguồn của hai nhà máy thủy điện trở lên được thực hiện bằng một hợp đồng nhưng phải ghi rõ khoản chi trả của từng nguồn.

    Việc tổ chức ký kết được tiến hành vào tháng 01 hàng năm.

    Điều 7. Xác lập hợp đồng khoán giữa BQLRPH với người nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng do BQLRPH quản lý

    1. Xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án khoán

    - BQLRPH chủ trì cùng với Phòng Nông nghiệp & PTNT cấp huyện, UBND cấp xã và các Trưởng thôn (bản) nằm trong lâm phận của BQLRPH, xây dựng phương án khoán bảo vệ và khoanh nuôi rừng tái sinh cho các thôn, bản (theo diện tích, ranh giới cả trên bản đồ và trên thực địa).

    Không khoán chung cho xã , cho hộ và nhóm hộ. Phương án khoán phải theo địa bàn hoạt động, phong tục, tập quán của từng vùng, không chia đều cho các bản và không nhất thiết phải theo địa giới hành chính xã, nếu phương án khoán trước đây bất hợp lý phải điều chỉnh lại cho hợp lý.

    Phương án khoán phải được công khai và được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

    - Phương án khoán sau khi được xây dựng, BQLRPH trình UBND cấp huyện phê duyệt.

    - Hàng năm nếu có điều chỉnh, BQLRPH lập phương án điều chỉnh (theo trình tự như xây dựng phương án khoán) trình UBND cấp huyện phê duyệt điều chỉnh.

    2. Ký hợp đồng giao khoán

    - Căn cứ vào phương án khoán đã được UBND cấp huyện phê duyệt, BQLRPH tiến hành tổ chức ký hợp đồng giao khoán với người đại diện bên nhận khoán (Theo mẫu hợp đồng ban hành kèm theo quy định này) có sự chứng kiến và xác nhận của UBND cấp xã sở tại. Nếu người nhận khoán được trả từ hai nguồn của hai nhà máy thủy điện trở lên được thực hiện bằng một hợp đồng nhưng phải ghi rõ khoản chi trả của từng nguồn.

    Việc tổ chức ký giao khoán được tiến hành vào tháng 02 hàng năm.

    - Bên nhận khoán có thể là thôn, bản hoặc thôn, bản thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác DVMTR. Nếu bên nhận khoán là thôn, bản thì thôn, bản phải thành lập tổ chuyên trách BV&PTR và có “Quy chế tổ chức hoạt động tổ chuyên trách và phân phối thu nhập từ nguồn DVMTR” (Theo quy chế mẫu ban hành kèm theo quy định này), Quy chế có thể điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu bên nhận khoán là HTX, Tổ hợp tác DVMTR thì tổ chức, hoạt động, phân phối thu nhập theo điều lệ của HTX, THT.

    Điều 8. Phương án thu, nhiệm vụ chi và công tác tạm ứng, thanh toán, quyết toán

    1. Nguồn thu hàng năm

    - Thu từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.

    - Thu từ các nhà máy thủy điện trong tỉnh.

    - Thu từ các khoản kết dư, chuyển nguồn từ năm trước chuyền sang.

    - Thu lãi từ tiền gửi Ngân hàng.

    - Các khoản thu khác nếu có.

    2. Phân bổ nguồn thu hàng năm

    - Chi phí quản lý (10% tổng nguồn thu): Chi phí quản lý Quỹ BV&PTR tỉnh, chi phí quản lý cho Ban Chỉ đạo các cấp, chi hỗ trợ các dự án đầu tư phục vụ BV&PTR.

    - Chi phí dự phòng (5% tổng nguồn thu): Chi hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn.

    - Chi trả người cung cấp DVMTR (85% tổng nguồn thu) được tính ra đơn giá/1ha rừng của từng nhà máy thủy điện. Người cung cấp DVMTR có trách nhiệm tổ chức tuần tra, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phận do mình quản lý. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BV&PTR.

    3. Nhiệm vụ chi

    3.1. Chi phí quản lý

    - Chi phí quản lý Quỹ BV&PTR tỉnh, được lập theo cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành. Hàng năm cơ quan Quỹ lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định và thông qua Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

    - Chi phí Ban Chỉ đạo các cấp (20% chi phí quản lý): Được phân bổ cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh 20%, cấp huyện 20%, cấp xã 60% để phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo các cấp. Hàng năm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo căn cứ vào kế hoạch được giao, lập dự toán trình UBND cùng cấp phê duyệt.

    Giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn nội dung chi và phương pháp lập dự toán chi phí Ban Chỉ đạo các cấp.

    - Chi hỗ trợ các dự án đầu tư phục vụ BV & PTR: Phần còn lại (sau khi trừ đi chi phí quản lý Quỹ BV&PTR và chi phí Ban Chỉ đạo các cấp) để chi cho hỗ trợ các chương trình, dự án đầu tư phục vụ BV&PTR: Xây dựng trụ sở, vườn ươm của các BQLRPH, các trạm gác rừng, hỗ trợ trồng rừng và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp để hạn chế nương rẫy.

    Chủ đầu tư lập dự án, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định.

    3.2. Phân bổ chi và nhiệm vụ chi của người cung cấp DVMTR là BQLRPH

    - Chi phí quản lý của BQLRPH được lập theo cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành. Hàng năm BQLRPH lập dự toán gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt nhưng không quá 10% nguồn thu của người cung cấp DVMTR. Nếu thiếu sẽ được xem xét cấp bổ sung từ nguồn chi phí quản lý của Qũy BV&PTR tỉnh.

    BQLRPH có nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện hợp đồng khoán đối với người nhận khoán, phối hợp với cơ quan Kiểm lâm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BV&PTR, tạm ứng, thanh toán cho người nhận khoán, quyết toán với UBND cấp huyện sở tại.

    - Chi trả cho người nhận khoán: Mức chi trả cho người nhận khoán ít nhất bằng 90% nguồn thu của người cung cấp DVMTR. Việc phân phối thu nhập của người nhận khoán thực hiện theo “Quy chế tổ chức hoạt động tổ chuyên trách và phân phối thu nhập từ nguồn DVMTR” hoặc theo Điều lệ của HTX, THT DVMTR.

    4. Tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng: Tháng 8 hàng năm, căn cứ vào hợp đồng đã ký với Quỹ BVPTR tỉnh, người cung cấp DVMTR lập hồ sơ đề nghị tạm ứng gửi về Quỹ BV&PTR, Quỹ BV&PTR duyệt mức tạm ứng và chuyển số tiền tạm ứng cho người cung cấp DVMTR.

    5. Thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng: Vào tháng 02 năm sau, căn cứ vào hợp đồng đã ký với Quỹ BV& PTR tỉnh và kết quả nghiệm thu diện tích rừng theo hợp đồng đã ký, người cung cấp DVMTR lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi về Quỹ BV&PTR tỉnh, Quỹ BVPTR tỉnh duyệt mức thanh toán và chuyển số tiền thanh toán còn lại (sau khi đã trừ tạm ứng) cho người cung cấp DVMTR.

    Đối với BQLRPH: Sau khi nhận được tiền tạm ứng, thanh toán thì tiến hành tạm ứng, thanh toán cho người nhận khoán theo hợp đồng đã ký.

    6. Quyết toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

    6.1. Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán

    - BQLRPH lập báo cáo quyết toán gửi phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thẩm định, UBND cấp huyện phê duyệt và báo cáo Quỹ BV&PTR tỉnh.

    - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các cấp lập báo cáo quyết toán chi phí quản lý của Ban Chỉ đạo gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, phê duyệt và báo cáo Quỹ BV&PTR tỉnh.

    - Các chủ đầu tư dự án thực hiện việc tạm ứng, thanh toán và quyết toán theo quy chế quản lý đầu tư XDCB và báo cáo Quỹ BV&PTR tỉnh.

    - Quỹ BV&PTR tỉnh lập báo cáo quyết toán chi phí quản lý của Quỹ và các chủ rừng gửi Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.

    6.2. Tổng hợp báo cáo quyết toán

    Quỹ BV&PTR tỉnh tổng hợp các báo cáo quyết toán thành báo cáo quyết toán chung, báo cáo Ban kiểm soát Quỹ thẩm định, trình Hội đồng quản lý Quỹ để Quyết nghị và báo cáo Sở Tài chính, UBND tỉnh và Quỹ BV&PTR Việt Nam.

    6.3. Thời hạn quyết toán: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, quyết nghị quyết toán phải hoàn thành vào tháng 6 năm sau năm kế hoạch.

    Điều 9. Lập và giao kế hoạch hàng năm

    Tháng 12 hàng năm, Quỹ BV&PTR lập báo cáo ước tình hình thực hiện năm trước, xây dựng kế hoạch cho năm sau báo cáo Ban Kiểm soát Quỹ thẩm định trình Hội đồng quản lý Quỹ ra quyết nghị trong tháng 12 cùng năm báo cáo Sở Tài chính, UBND tỉnh và gửi Quỹ BV&PTR Việt Nam.

    Điều 10. Điều khoản thi hành

    1. Quy chế này áp dụng từ kế hoạch năm 2015 và thay thế Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh Lai Châu; bãi bỏ Công văn số 341/LN- SNN-STC ngày 12/8/2013 của liên Sở Nông nghiệp & PTNT và Tài chính; những nội dung không quy định trong quy định này thì áp dụng theo các quy định hiện hành của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

    2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung./.

                                                                        

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 36/2014/QĐ-UBND thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
    Số hiệu:36/2014/QĐ-UBND
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:27/11/2014
    Hiệu lực:07/12/2014
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Nguyễn Khắc Chử
    Ngày hết hiệu lực:15/11/2019
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X