hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 02/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

10 lời thề danh dự của quân nhân - Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa

10 lời thề danh dự của quân nhân được ví như một bản hùng ca thấm đậm nét đẹp của người Bộ đội Cụ Hồ. Trong bài viết này, Hieuluat xin giới thiệu tới bạn nguồn gốc, ý nghĩa của 10 lời thề danh dự quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).

Mục lục bài viết
  • 10 lời thề danh dự của quân nhân có gì?
  • Nguồn gốc lịch sử của 10 lời thề quân nhân
  • Ý nghĩa của 10 lời thề quân nhân
  • Quân nhân đọc 10 lời thề quân nhân khi nào?

10 lời thề danh dự của quân nhân có gì?

Nội dung của 10 lời thề danh dự của quân nhân chính là lời tuyên thệ của một quân nhân trong QĐNDVN. 10 lời thế này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo và được độc tuyên thệ vào ngày ra đời của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐNDVN).

Nội dung của 10 lời thề danh dự của quân nhân giống như lời tuyên thệ

Nội dung của 10 lời thề danh dự của quân nhân giống như lời tuyên thệ

Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đội trưởng, là người anh cả của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. 10 lời thề của quân nhân có nội dung như sau:

“Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin Thề.”

“Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác. Xin thề.”

“Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề.”

“Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Xin thề.”

“Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Xin thề.”

“Luôn luôn cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai. Xin thề.”

“Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí. Xin thề.”

“Ra sức giữ gìn vũ khí trang bị, quyết không để hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù. Luôn nêu cao tinh thần bảo vệ của công, không tham ô, lãng phí. Xin thề.”

“Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân - Giúp đỡ dân - Bảo vệ dân; và ba điều răn: Không lấy của dân - Không dọa nạt dân - Không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí. Xin thề.”

“Giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân, luôn tự phê bình và phê bình, không làm điều gì hại tới danh dự của quân đội và quốc thể nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Xin thề.”


Nguồn gốc lịch sử của 10 lời thề quân nhân

Để hiểu rõ về nguồn gốc lịch sử 10 lời thề quân nhân, chúng ta sẽ cùng đi tìm thời gian xuất hiện của những lời thề này. Nơi đầu tiên mà 10 lời thề quân nhân được vang lên là tại chiến khu Việt Bắc vào ngày 22/12/1944.

Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập và đứng đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ông cũng chính là tác giả của 10 lời thề danh danh dự của quân nhân.

Khi đó, tại khu rừng nằm giữa hai tổng là Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc Nguyên Bình, Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng đã ra đời với 34 chiến sĩ. Đội được chia thành 3 tiểu đội có: đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, đồng chí đội trưởng Hoàng Sâm, đồng chí chính trị viên Xích Thắng cùng với các chiến sĩ, cán bộ khác.

10 lời thề danh dự của quân nhân ra đời vào 22/12/1944

10 lời thề danh dự của quân nhân ra đời vào 22/12/1944

Trong thời khắc lịch sử của ngày 22/12/1944, 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng đã long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự dưới cờ đỏ sao vàng. Từ đó đến nay, 10 lời thề danh danh dự ngày đó đã trở thành một phần không thể thiếu của bất kỳ một quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ cần là quân nhân, họ đều thuộc lòng từng câu từng chữ của 10 lời thề đó.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng chia sẻ lại cảm xúc của ông về khoảnh khắc lịch sử trọng đại khi ông cùng đồng đội đọc 10 lời tuyên thệ. Ông đã kể rằng: “Giữa ngày đông, khí trời lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn, lần đầu tiên, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tập hợp nghiêm trang, chỉnh tề dưới lá cờ sao. Đến tham dự còn có Đại diện Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng và nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, họ đứng thành 2 hàng 2 bên. Tôi đã thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập và vạch rõ nhiệm vụ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Tổ quốc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người soạn thảo 10 lời thề danh dự của quân nhân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người soạn thảo 10 lời thề danh dự của quân nhân

Trong một lần trả lời phỏng vấn với một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần đầu tiên chia sẻ: “Tôi đã soạn 10 lời thề danh dự có tham khảo từ lời thề danh dự của quân đội của nước khác. Trong đó có lời thề của Forces francaises de l’Intérieur (nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ II) và lời thề của quân giải phóng Nam Tư”.

Ý nghĩa của 10 lời thề quân nhân

Đã gần 80 năm từ ngày ra đời, 10 lời thề danh dự của quân nhân vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị như thuở ban đầu. Đối với người quân nhân, chúng là lời nhắc nhở về ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Không chỉ đơn thuần là lời thề danh dự với Đảng với nhân dân, 10 lời thề quân nhân còn mang nhiều ý nghĩa và giá trị sâu sắc khác:

Thứ nhất, 10 lời thề danh dự thể hiện văn hóa đạo đức và tư tưởng chính trị của người quân nhân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Thông quan 10 lời thề thiêng liêng, chúng ta đã thấy được phẩm giá tốt đẹp của người chiến sĩ cụ Hồ.

Thứ hai, 10 lời thề mang ý nghĩa rất sâu sắc về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Từ ông cha ta xa xưa đến thế hệ chiến sĩ trẻ đều sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.

Thứ ba, tại thời điểm Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới được thành lập; lời thề danh dự đó như là sự khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng tạo động lực để quân nhân trọn niềm lý tưởng và trách nhiệm bảo vệ độc lập, tự do và hạnh phúc của đất nước.

Thứ tư, ý nghĩa của những lời thề thể hiện những tâm huyết, lòng trung thành của những người lính cụ Hồ với nhân dân, với Tổ quốc. Họ nguyện chiến đấu, nguyện hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Thứ năm, mười lời thề danh dự của những người quân nhân cũng chính là lời thề phục tùng mệnh lệnh tuyệt đối của cấp trên. Chúng thể hiện ý chí cách mạng không ngại gian nan, khổ cực với lý tưởng của QĐNDVN, của Đảng.


Quân nhân đọc 10 lời thề quân nhân khi nào?

Trong QĐNDVN, 10 lời thề danh dự là lời tuyên thệ hào hùng, nghiêm trang mà bất kì quân nhân nào cũng phải đọc, phải thuộc. 10 lời thề danh dự của quân nhân thường sẽ được đọc sau buổi chào cờ ở dịp lễ đặc biệt trong quân đội:

  • Lễ tuyên thệ của tân binh khi trở thành người chiến sĩ của QĐNDVN.

  • Lễ ra quân của các chiến sĩ mới nhập ngũ.

  • Lễ tuyên thệ kết thúc khóa học, huấn luyện của học viên trong quân đội.

  • Lễ chào cờ đầu tuần (vào thứ 2), đầu tháng, đầu quý, đầu năm.

  • Lễ chào cờ trong lễ kỷ niệm quan trọng: giải phóng miền Nam (30/4), Quốc khánh (2/9), giải phóng thủ đô (10/10), thành lập QĐNDVN (22/12),…

Sai nghi thức chào cờ, một chiến sĩ có giọng đọc to, hào hùng sẽ thay mặt toàn bộ chiến sĩ của đơn vị. Người chiến sĩ này sẽ đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng đọc từng lời thề danh dự. Sau mỗi lời thề, toàn bộ chiến sĩ QĐNDVN sẽ hô vang hai chữ thiêng liêng “Xin thề”. Sau khi đã đọc hết 10 lời thề, toàn bộ chiến sĩ thực hiện động tác chào cờ để kết thúc. Qua nhiều giai đoạn, đọc 10 lời thề danh dự của một chiến sĩ QĐNDVN đã trở thành một nghi lễ thiêng liêng.

Trên đây là thông tin về 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Là người chiến sĩ của bộ đội cụ Hồ, việc trung thành và các trách nhiệm với những lời thề danh dự này là điều tối quan trọng. Hi vọng những kiến thức về nguồn gốc và ý nghĩa của những lời thề danh dự của người quân nhân trong bài viết trên hữu ích với bạn đọc. Hãy theo dõi các bài viết khác của Hieuluat để có thêm nhiều thông tin pháp lý có ích khác nhé!

Có thể bạn quan tâm

X