hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 21/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

[Giải đáp] Vật chất là gì? Phương thức tồn tại của vật chất

Vật chất là gì? Trong lịch sử phát triển của loài người đã có  những quan điểm về vật chất nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời cho tất cả những vấn đề trên.

Mục lục bài viết
  • Vật chất là gì?
  • 3 thuộc tính cơ bản của vật chất
  • Vật chất là một phạm trù triết học
  • Vật chất là thực tại khách quan
  • Vật chất tồn tại bên ngoài và không lệ thuộc vào cảm giác

Vật chất là gì?

Vật chất với tư cách là phạm trù triết học đã xuất hiện từ thời Hy Lạp thời cổ đại và nó là nguyên nhân gây nên nhiều sự tranh cãi giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Đồng thời, cũng như các phạm trù triết học khác, quá trình phát sinh và phát triển của phạm trù vật chất được gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người và với sự hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên.

Thời kỳ cổ đại, theo quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, cơ sở của mọi tồn tại là một bảng nguyên tinh thần nào đó, có thể là “ý chí” của thượng đế hoặc một “ý niệm tuyệt đối”. Còn theo quan điểm của các nhà duy vật cổ đại thì vật chất được đồng nhất với các dạng cụ thể của nó, tức là những vật thể hữu hình cảm tính đang tồn tại ở thế giới bên ngoài (lửa, nước, không khí,...). Nổi bật trong thời kỳ này là học thuyết nguyên tử của Democrit.

Đến thời kỳ cận đại, nhờ sự phát triển khoa học thực nghiệm tại Châu Âu mà chủ nghĩa duy vật nói chung và phạm trù vật chất nói riêng đã có bước phát triển mới mang yếu tố biện chứng. Tuy nhiên, việc phát hiện ra electron đã gây ra một sự khủng hoảng thế giới quan ở thời kỳ này. Bởi, trong nhận thức của các nhà khoa học lúc đó, nguyên tử và các trường điện từ thuộc về phạm trù phi vật chất. Chính sự khủng hoảng này đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa duy vật thời cận đại.

Có thể thấy rằng, sai lầm chính của các nhà duy vật trước Mác chính là đồng nhất vật chất với vật thể, chưa đạt tới cách hiểu hệ thống và khái quát cao về vật chất. Điều này dẫn đến kết quả là họ luôn bị rơi vào trạng thái hụt hẫng mỗi khi khoa học tự nhiên khám phá ra những vấn đề mới.

Theo Lênin, vật chất là một phạm trù rất rộng vượt ra khỏi khả năng của nhận thức luận. Khi định nghĩa phạm trù vật chất thì không thể quy nó về một vật thể hay thuộc tính cụ thể nào mà phải dựa vào mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Bằng phương pháp đó, Lênin đã đưa ra định nghĩa về vật chất cụ thể như sau:

Vật chất là phạm trù triết học được dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.

Vật chất là gì?

Vật chất là gì (nguồn: internet)

3 thuộc tính cơ bản của vật chất

Trong định nghĩa vật chất của Lênin đã cho biết 3 thuộc tính của vật chất, đó là:

Vật chất là một phạm trù triết học

Trong định nghĩa vật chất của mình, Lênin đã phân biệt vật chất là một phạm trù triết học khác với quan niệm của khoa học tự nhiên về cấu tạo và thuộc tính cụ thể của các dạng vật chất. Vật chất với tư cách là phạm trù triết học là vô hạn, vô tận, không sinh ra và cũng không mất đi. Do đó không thể đồng nhất vật chất nói chung với những dạng cụ thể của vật chất như cách làm của các nhà duy vật cổ đại, cận đại.

Vật chất là thực tại khách quan

Khi đối lập vật chất với ý thức, điều quan trọng để nhận biết vật chất chính là những thuộc tính khách quan mà theo Lênin nó chính là “cái đang tồn tại độc lập với loài người và với cảm giác của con người”. Con người nhận thức được vật chất thông qua sự “chép lại, chụp lại, phản ánh” một cách năng động, sáng tạo của các giác quan. Vật chất vẫn tồn tại bất kể con người đã nhận thức được hay chưa nhận thức được nó.

Vật chất tồn tại bên ngoài và không lệ thuộc vào cảm giác

Trong nhận thức luận, Lênin đã thừa nhận rằng: Vật chất là tính thứ nhất, là nguồn gốc khách quan của ý thức và con người nhận thức được thế giới vật chất bằng những phương thức khác nhau. Điều này đã khắc phục được những khiếm khuyết trong các quan điểm siêu hình máy móc về vật chất.

Vật chất là phạm trù triết học

Vật chất là phạm trù triết học (nguồn: internet)

Phương thức tồn tại của vật chất - Vận động

Theo Ph.Ăngghen:

Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất, – tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất – thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy.

Theo quan điểm này, vận động là phương thức tồn tại của vật chất và là thuộc tính cố hữu của vật chất. Vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình trong vận động và thông qua quá trình vận động. Khi con người nhận thức được quá trình vận động của vật chất thì tức là nhận thức được bản thân vật chất.

Vật chất tự thân vận động do sự tác động lẫn nhau của các thành tố nội tại trong cấu trúc của nó. Điều này đối lập với quan điểm duy tâm và siêu hình về vận động. Những thành tựu của khoa học tự nhiên hiện nay đã chứng minh và khẳng định quan điểm tự thân vận động của vật chất là đúng.

Ở thời đại của mình, Ph.Ăngghen đã phân chia vận động thành 5 hình thức. Cho đến nay, nhờ sự phát triển của khoa học mà có nhiều hình thức tổ chức vật chất mới đã được tìm ra. Tuy nhiên cách phân loại phổ biến nhất vẫn là 5 hình thức cơ bản sau:

  • Vận động cơ học: sự chuyển dịch vị trí trong không gian của các vật thể.

  • Vận động vật lý: Là vận động của phân tử và các hạt cơ bản, vận động nhiệt tử, các quá trình nhiệt điện,..

  • Vận động hóa học: Là vận động của các nguyên tử, quá trình tổng hợp và phân giải các chất,..

  • Vận động sinh học: Quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể con người hoặc trao đổi chất giữa con người và môi trường.

  • Vận động xã hội: Sự thay đổi, thay thế của các hình thái kinh tế xã hội.

Các hình thức vận động trên khác nhau về chất và trình độ của sự vận động, đồng thời tương ứng với trình độ của các kết cấu vật chất.

Các hình thức vận động thấp là cơ sở cho các hình thức vận động cao và nó được bao hàm trong chính các hình thức vận động cao đó. Tuy nhiên, các hình thức vận động thấp thì không bao hàm các hình thức vận động cao.

Mỗi sự vật có thể gắn với nhiều hình thức vận động khác nhau trong sự tồn tại của mình. Tuy nhiên bản thân tồn tại của sự vật luôn luôn được đặc trưng bởi những hình thức vận động cơ bản. Ví dụ, vận động xã hội là đặc trưng cho hoạt động của con người.

Vận động là phương thức tồn tại của vật chất

Vận động là phương thức tồn tại của vật chất (nguồn: internet)

Chính nhờ việc phân loại các hình thức vận động của vật chất mà Ph.Ăngghen đã đặt nền móng cho sự phân loại khoa học tương ứng với nghiên cứu của chúng, đồng thời chỉ ra khuynh hướng phân ngành và hợp ngành của các khoa học.

Tuy nhiên, quan điểm thế giới vật chất tồn tại trong sự vận động vĩnh cửu của nó không có nghĩa là phủ nhận hiện tượng đứng im của thế giới vật chất. Ngược lại, triết học Mác - Lênin đã thừa nhận quá trình vận động không ngừng của thế giới vật chất bao hàm cả hiện tượng đứng im tương đối. Sẽ không có sự vật nào tồn tại được nếu không có hiện tượng đứng im tương đối.

Ý nghĩa của việc định nghĩa vật chất là gì?

Thông qua định nghĩa vật chất, Lênin đã giải đáp toàn bộ vấn đề cơ bản của triết học, đó là:

  • Phát triển và kế thừa những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về vật chất, giải đáp 2 vấn đề cơ bản của triết học trên quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng: Coi vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, vật chất là nguồn gốc khách quan của cảm giác và khẳng định khả năng nhận thức thế giới khách quan của con người.

  • Cung cấp những căn cứ khoa học để tạo lập cơ sở lý luận cho việc xây dựng quan điểm duy vật về lịch sử. Bác bỏ quan điểm đồng nhất vật chất với những dạng cụ thể của vật chất

  • Là cơ sở khoa học và vũ khí lý luận để chống lại chủ nghĩa duy tâm và thuyết không thể biết.

  • Khắc phục tính siêu hình, máy móc trong quan niệm về vật chất của chủ nghĩa duy vật trước Mác.

  • Liên kết chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử thành một thể thống nhất.

  • Đưa khoa học ra khỏi cuộc khủng hoảng về thế giới quan lúc bấy giờ. Cổ vũ khoa học đi sâu nghiên cứu, khám phá những kết cấu phức tạp hơn của thế giới vật chất.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Vật chất là gì? Phương thức tồn tại của vật chất”. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết, bạn đọc vui lòng liên hệ Hieuluat.vn để được giải đáp.

Có thể bạn quan tâm

X