hieuluat

Quyết định 743/QĐ-TLĐ Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tạp chí Lao động và Công đoàn

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng liên đoàn Lao động Việt NamSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:743/QĐ-TLĐNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Bùi Văn Cường
    Ngày ban hành:03/05/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:03/05/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương, Thông tin-Truyền thông
  • TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
    -------

    Số: 743/QĐ-TLĐ

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2019

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TẠP CHÍ LAO ĐỘNG VÀ CÔNG ĐOÀN

    --------------------------------

    ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

     

    Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

    Căn cứ Luật Báo chí năm 2016;

    Căn cứ Quy định về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp của công đoàn, ban hành kèm theo Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Quyết định số 1925/QĐ-TLĐ ngày 22/11/2017 về việc sáp nhập Tạp chí Bảo hộ lao động vào Tạp chí Lao động và Công đoàn;

    Theo đề nghị của Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,

     

    QUYẾT ĐỊNH

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tạp chí Lao động và Công đoàn.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

    Điều 3. Các Ban, đơn vị có liên quan của Tổng Liên đoàn; các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và Tạp chí Lao động và Công đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 3;
    - Các đ/c Ủy viên ĐCT TLĐ;

    Đồng kính gửi:
    - Ban Tuyên giáo TW;
    - Bộ Thông tin và Truyền thông;
    - Lưu VT, Ban Tổ chức TLĐ.

    TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
    CHỦ TỊCH




    Bùi Văn Cường

     

     

    QUY CHẾ

    VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TẠP CHÍ LAO ĐỘNG VÀ CÔNG ĐOÀN
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 743/QĐ-TLĐ ngày 3/5/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

     

    Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi

    Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tạp chí Lao động và Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn (sau đây gọi tắt là Tạp chí).

    Điều 2. Địa vị pháp lý của Tạp chí

    1. Tên gọi: Tạp chí Lao động và Công đoàn.

    Tên tiếng Anh: Labor and Trade Unions Magazine.

    2. Trụ sở.

    - Trụ sở chính được Tổng Liên đoàn bố trí tại thành phố Hà Nội.

    - Văn phòng đại diện miền Nam: Số 85 đường Cách mạng Tháng Tám, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

    - Văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên: Số 2 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

    3. Vị trí pháp lý.

    - Tạp chí Lao động và Công đoàn là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

    - Tạp chí có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

    4. Ấn phẩm.

    Tạp chí xuất bản 02 ấn phẩm tạp chí in theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông:

    - Ấn phẩm Lao động và Công đoàn.

    - n phẩm An toàn, Vệ sinh lao động.

     

    Chương II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

     

    Điều 3. Chức năng của Tạp chí

    1. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn;

    2. Thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam về các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, công nhân, công đoàn và về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

    Điều 4. Nhiệm vụ của Tạp chí

    1. Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai các đề án, chiến lược phát triển Tạp chí sau khi được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt.

    2. Tổ chức biên tập, xuất bản, phát hành các ấn phẩm đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của giấy phép hoạt động báo chí được cấp.

    3. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn về các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, công nhân, công đoàn.

    4. Tổ chức diễn đàn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ, các giải thưởng, triển lãm, hội chợ, các hoạt động xã hội về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm hoạt động an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động.

    5. Tuyên truyền, phản ánh mọi mặt phong trào công nhân, hoạt động công đoàn; nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, định hướng dư luận trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; phát hiện, nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam.

    6. Nghiên cứu và triển khai các hình thức, phương pháp truyền thông mới phù hợp với nhu cầu của bạn đọc là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.

    7. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao.

    Điều 5. Quyền hạn của Tạp chí

    1. Chủ trì và tham gia nghiên cứu khoa học; tổ chức và tham gia tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, các giải thưởng, bảng xếp hạng, triển lãm, hội chợ, các hoạt động xã hội trên cơ sở khai thác, xử lý thông tin, tư liệu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

    2. Hợp tác với các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; tổ chức mạng lưới cộng tác viên, thông tin viên nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao.

    3. Liên doanh, liên kết, ký kết và thực hiện các hợp đồng quảng cáo, hỗ trợ tuyên truyền, tổ chức sự kiện, dịch vụ truyền thông... với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    4. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Đảng, Nhà nước và phân cấp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    5. Nhận và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ tự nguyện, huy động tài chính hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

     

    Chương III. CƠ CẤU TỔ CHỨC, TRÁCH NHIỆM, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

     

    Điều 6. Cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm của Tạp chí

    1. Lãnh đạo Tạp chí bao gồm: Tổng Biên tập và không quá 02 Phó Tổng Biên tập.

    - Tổng Biên tập Tạp chí do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, luân chuyển, điều động và quản lý theo thẩm quyền quy định.

    - Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ủy quyền cho tập thể Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, luân chuyển, điều động các Phó Tổng Biên tập, Kế toán trưởng Tạp chí theo tiêu chuẩn quy định.

    - Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tạp chí.

    - Các Phó Tổng Biên tập giúp việc cho Tổng Biên tập theo phân công của Tổng Biên tập và chịu trách nhiệm trước Tổng Biên tập; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công.

    2. Khối các phòng chuyên môn và văn phòng đại diện.

    Thực hiện theo nguyên tắc tổ chức: Không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng chuyên môn và văn phòng đại diện; đảm bảo bộ máy tinh gọn, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; có ít nhất 05 người được thành lập phòng, phòng có dưới 10 người có trưởng phòng và 01 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên không quá 02 phó trưởng phòng.

    Căn cứ quy định và theo thực tế từng năm hoặc từng giai đoạn sẽ có quyết định phê duyệt cơ cấu tổ chức riêng, đảm bảo lộ trình thực hiện tự chủ.

    Trưởng phòng, phó trưởng phòng và văn phòng đại diện do Tổng biên tập Tạp chí bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, luân chuyển, điều động và quản lý theo phân cấp của Tổng Liên đoàn.

    a/ Cơ cấu tổ chức:

    Tạp chí gồm 04 phòng chuyên môn và 02 văn phòng đại diện:

    - Phòng Thư ký tòa soạn;

    - Phòng Phóng viên - Biên tập;

    - Phòng Hành chính - Trị sự;

    - Phòng Dịch vụ truyền thông;

    - Văn phòng Đại diện miền Trung - Tây nguyên;

    - Văn phòng Đại diện miền Nam.

    b/ Chức năng, nhiệm vụ phòng chuyên môn và văn phòng đại diện

    Tổng Biên tập Tạp chí quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng chuyên môn, văn phòng đại diện thuộc Tạp chí trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí được cấp có thẩm quyền giao.

    3. Hội đồng biên tập Tạp chí.

    Hội đồng biên tập là tổ chức gồm một số nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn, có nhiệm vụ tư vấn giúp lãnh đạo Tạp chí định hướng nội dung khoa học, nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí.

    Hội đồng biên tập do Tổng Biên tập đề xuất, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định thành lập.

    Hội đồng biên tập hoạt động kiêm nhiệm.

    4. Nhân lực của Tạp chí.

    Nhân lực của Tạp chí bao gồm: Viên chức, người lao động.

    - Tạp chí được Tổng Liên đoàn bố trí và trực tiếp quản lý 04 biên chế khung bao gồm: Tổng Biên tập, 02 Phó Tổng Biên tập và Kế toán trưởng.

    - Viên chức Tạp chí được tuyển dụng và quản lý theo Luật Viên chức; người lao động được tuyển dụng và quản lý theo Bộ luật Lao động.

    - Tổng Biên tập Tạp chí được thực hiện ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và đề án vị trí việc làm được Tổng Liên đoàn phê duyệt; đồng thời thực hiện chế độ cộng tác viên báo chí để thực hiện các công việc theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

    Điều 6. Quyền và trách nhiệm các thành viên của Tạp chí

    1. Quyền, trách nhiệm của Tổng biên tập Tạp chí.

    a) Tổng Biên tập là thủ trưởng cơ quan, có trách nhiệm quản lý, điều hành chung mọi hoạt động của Tạp chí.

    b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ do Tổng Liên đoàn quy định và Giấy phép xuất bản báo chí.

    c) Quyết định mọi chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch công tác của tòa soạn. Chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn về nội dung, xu hướng chính trị từng ấn phẩm của Tạp chí, về thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chế độ chính sách về báo chí của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

    d) Quản lý CBVCLĐ theo quy định của Đảng, Nhà nước và phân cấp của Tổng Liên đoàn; thực hiện các chế độ chính sách đối với CBVCLĐ theo quy định của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

    e) Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường làm việc của cơ quan; chỉ đạo thực hiện công tác đối nội, đối ngoại của cơ quan.

    g) Làm chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trong việc quản lý, thu - chi tài chính, tài sản của cơ quan.

    2. Quyền, trách nhiệm của các Phó Tổng biên tập Tạp chí.

    a) Giúp Tổng Biên tập trong công tác quản lý điều hành Tạp chí theo sự phân công của Tổng Biên tập.

    b) Giúp Tổng biên tập chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện kế hoạch đã đề ra; chịu trách nhiệm trước Tổng Biên tập và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về các nhiệm vụ được phân công phụ trách.

    c) Trực tiếp điều hành những hoạt động của cơ quan theo ủy quyền của Tổng Biên tập.

    3. Quyền, trách nhiệm của viên chức, người lao động Tạp chí.

    a) Toàn thể viên chức, người lao động của Tạp chí có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nội quy, quy chế của cơ quan.

    b) CBVCLĐ được bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ công việc và phải có trách nhiệm sử dụng, bảo quản theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

    c) CBVCLĐ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công, định mức công việc được giao; phản ánh, báo cáo kết quả thực hiện công việc và mọi vấn đề liên quan đến công tác cho lãnh đạo phòng và Ban biên tập một cách trung thực, khách quan, nghiêm túc đảm bảo nguyên tắc và giữ gìn đoàn kết trong cơ quan. Khi có ý kiến khác nhau thì có quyền báo cáo, phản ánh lên lãnh đạo cấp trên và Ban Biên tập để giải quyết.

    d) CBVCLĐ chấp hành thời gian làm việc, kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật, Tổng Liên đoàn và nội quy của cơ quan.

    Điều 7. Chế độ làm việc của Tạp chí

    1. Nguyên tắc làm việc.

    Nguyên tắc làm việc đảm bảo quy định của pháp luật về quy chế dân chủ. Các cá nhân được quyền bày tỏ chính kiến, bảo lưu ý kiến cá nhân nhưng phải chấp hành quyết định của tập thể, của cấp trên.

    2. Chế độ hội họp, báo cáo.

    Chế độ hội họp, báo cáo định kỳ, đột xuất thực hiện theo nội quy, quy chế của Tạp chí.

    3. Chế độ kiểm tra, giám sát.

    Chế độ kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nội quy, quy chế của Tạp chí.

    Điều 8. Mối quan hệ công tác của Tạp chí

    1. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    - Tổng Liên đoàn là đơn vị chủ quản báo chí, là chủ sở hữu; lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng, pháp luật và của Tổng Liên đoàn.

    - Tổng Liên đoàn có trách nhiệm tạo điều kiện cho Tạp chí tổ chức và hoạt động có hiệu quả; tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án tự chủ, đề án vị trí việc làm của Tạp chí theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.

    - Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm sự thống nhất về quản lý nhà nước đối với Tạp chí.

    - Tạp chí phối hợp chặt chẽ với các ban, đơn vị trực thuộc có liên quan của Tổng Liên đoàn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của Tổng Liên đoàn, để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    2. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

    Phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ để Tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được Tổng Liên đoàn giao.

    3. Đối với cơ quan quản lý báo chí, cơ quan quản lý nhà nước.

    Tạp chí chịu sự chỉ đạo, quản lý về nghiệp vụ báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

     

    Chương IV. TÀI CHÍNH, TÀI SẢN

     

    Tạp chí là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn. Tổng Biên tập Tạp chí thực hiện quản lý, thu chi tài chính theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn; xây dựng, thực hiện kế hoạch tăng dần tự chủ, giảm dần nguồn hỗ trợ từ tài chính Công đoàn theo lộ trình được Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt, đảm bảo quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản của Tạp chí

    Điều 9. Nguồn thu và sử dụng tài chính

    1. Các nguồn thu của Tạp chí gồm:

    - Nguồn thu từ hoạt động của đơn vị sự nghiệp;

    - Ngân sách nhà nước cấp (nếu có);

    - Tài chính Công đoàn cấp hỗ trợ một phần chi thường xuyên hàng năm và cấp hỗ trợ chi không thường xuyên (nếu có);

    - Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

    2. Các nội dung chi của Tạp chí bao gồm:

    - Chi thường xuyên: Quỹ tiền lương, tiền thưởng và chi các hoạt động của Tạp chí.

    - Chi không thường xuyên:

    - Chi khác theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

    3. Phân phối, sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm:

    - Trích lập các quỹ:

    - Trả thu nhập tăng thêm

    - Các khoản cộng tác viên

    - Sử dụng các quỹ của Tạp chí

    Điều 10. Quản lý tài chính, tài sản

    1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Tạp chí xây dựng dự toán tài chính hàng năm, trong đó có phần cấp hỗ trợ chi thường xuyên từ nguồn tài chính Công đoàn, báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét quyết định.

    2. Tổng Biên tập Tạp chí thực hiện quản lý, tài chính tài sản theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn; xây dựng, thực hiện kế hoạch tăng dần tự chủ, giảm dần nguồn hỗ trợ từ tài chính Công đoàn theo lộ trình được Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn phê duyệt.

     

    Chương V. HIỆU LỰC, ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 11. Hiệu lực và điều khoản thi hành

    1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

    2. Tổng Biên tập Tạp chí phối hợp với các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn thực hiện Quy chế này.

    3. Trong quá trình thực hiện, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp, Tổng Biên tập Tạp chí phối hợp với Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, quyết định.

     

                                                                        

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Công đoàn của Quốc hội, số 12/2012/QH13
    Ban hành: 20/06/2012 Hiệu lực: 01/01/2013 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Báo chí của Quốc hội, số 103/2016/QH13
    Ban hành: 05/04/2016 Hiệu lực: 01/01/2017 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X