hieuluat

Thông tư 54/1999/TT-BTC thực hiện Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/01/1999

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:54/1999/TT-BTCNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Phạm Văn Trọng
    Ngày ban hành:10/05/1999Hết hiệu lực:31/12/2002
    Áp dụng:15/02/1999Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • Thông tư

    THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 54/1999/TT/BTC NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 04/1999/NĐ-CP
    NGÀY 30/01/1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÍ, LỆ PHÍ
    THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

     

    Căn cứ vào Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước (dưới đây gọi chung là Nghị định về phí, lệ phí), Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

     

    I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

     

    1. Đối tượng áp dụng Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/01/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này là các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, do các cơ quan, tổ chức sử dụng tiền vốn, vật tư, tài sản, tài nguyên hoặc chủ quyền về bầu trời, lãnh thổ, lãnh hải (gọi chung là tài sản) của nhà nước thực hiện thu trong quá trình phục vụ các hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng, lợi ích công cộng hoặc phục vụ công việc quản lý hành chính nhà nước không mang tính kinh doanh (không hạch toán kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật), bao gồm:

    a) Các khoản phí quy định tại mục I, biểu "Danh mục phí, lệ phí được áp dụng" ban hành kèm theo Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ và hướng dẫn chi tiết tại biểu phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

    b) Các khoản lệ phí quy định tại mục II, biểu "Danh mục phí, lệ phí được áp dụng" ban hành kèm theo Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ và hướng dẫn chi tiết tại biểu phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

    2. Trong Thông tư này, phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước được hiểu như sau:

    a) Phí là khoản thu của ngân sách nhà nước, do nhà nước quy định nhằm bù đắp một phần chi phí của ngân sách nhà nước đầu tư để phục vụ các tổ chức, cá nhân hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng hoặc lợi ích công cộng không mang tính kinh doanh.

    b) Lệ phí là khoản thu của ngân sách nhà nước, do nhà nước quy định thu đối với các tổ chức, cá nhân được nhà nước phục vụ công việc quản lý hành chính nhà nước theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

    3. Thông tư này không áp dụng đối với các khoản thu sau đây:

    a) Phí, lệ phí thuộc phúc lợi xã hội, như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động và các loại bảo hiểm khác trực tiếp phục vụ nhu cầu phúc lợi xã hội của người nộp và cộng đồng, được quản lý theo quy định của các văn bản pháp luật khác.

    b) Phí (nguyệt liễm, niên liễm) thu theo điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, như:

    - Đảng phí Đảng Cộng sản Việt Nam; Công đoàn phí do Liên đoàn lao động Việt Nam thu, đoàn phí do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thu.

    - Hội phí do các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia tổ chức hội, hiệp hội đóng góp theo điều lệ hoạt động của từng tổ chức đó quy định phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    c) Phí cung ứng hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải, thương mại, ăn uống, dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác (bao gồm giá bán hàng hoá dịch vụ và phụ thu qua giá bán hàng hoá dịch vụ) được quản lý theo chính sách giá của nhà nước quy định, bao gồm:

    - Các hàng hoá, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư vốn để kinh doanh theo quy định của pháp luật.

    - Các hàng hoá, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân nhận vốn của nhà nước dưới hình thức tiền, tài sản hoặc hình thức khác để kinh doanh, tổ chức hạch toán kết quả kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, thu khác (kể cả thu sử dụng vốn) với ngân sách nhà nước theo luật định.

    d) Các khoản huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp vì mục đích xây dựng công trình hạ tầng, công trình công cộng và công ích khác theo quy định của pháp luật, như khoản thu huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường sá, nhà văn hoá, bệnh viện, trường học,.v.v. tại địa phương vì mục đích công cộng theo quy định của Chính phủ.

    đ) Các khoản đóng góp tự nguyện vì mục đích từ thiện hoặc tài trợ cho các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao mang tính phong trào quần chúng và không mang tính kinh doanh, như khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân lập quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em nghèo vượt khó, thưởng cho các cầu thủ, vận động viên.v.v.

    Trường hợp, các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả những đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) thực hiện thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước thì phải quản lý theo quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí và hướng dẫn tại Thông tư này; Việc huy động đóng góp trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

    4. Đối tượng nộp phí, lệ phí:

    Các tổ chức, cá nhân được cơ quan, tổ chức nhà nước phục vụ hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng, lợi ích công cộng hoặc công việc quản lý hành chính nhà nước mà pháp luật quy định thu phí, lệ phí thì phải nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu phí, lệ phí.

    Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về phí, lệ phí khác với quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP và chế độ thu, nộp và sử dụng từng loại phí, lệ phí thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

    Việc quy định cụ thể đối tượng nộp, đối tượng không phải nộp phí, lệ phí theo Nghị định số 04/1999/NĐ-CP hoặc theo thông lệ quốc tế do cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ thu, nộp phí, lệ phí xác định.

    5. Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí:

    Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí thì chỉ những cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định nhiệm vụ thu phí, lệ phí thì mới được thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, bao gồm:

    a) Cơ quan Thuế nhà nước.

    b) Cơ quan, tổ chức sử dụng tiền vốn, tài sản của nhà nước trực tiếp phục vụ hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng, lợi ích công cộng, phục vụ công việc quản lý hành chính nhà nước được pháp luật quy định thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

     

    II- QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÍ, LỆ PHÍ:

     

    Nội dung quản lý nhà nước về phí, lệ phí bao gồm:

    a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí.

    b) Tổ chức thi hành và hướng dẫn việc thi hành pháp luật về phí, lệ phí.

    c) Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về phí, lệ phí.

    d) Xét, giải quyết các vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo về phí, lệ phí;

    đ) Bãi bỏ, đình chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí không còn phù hợp hoặc ban hành trái pháp luật.

    2. Phân cấp quản lý nhà nước về phí, lệ phí:

    a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phí, lệ phí.

    b) Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về phí, lệ phí theo thẩm quyền được Chính phủ giao theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP về phí, lệ phí được xác định tại điểm 1, mục này.

    c) Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về phí, lệ phí trong phạm vi địa phương mình, có trách nhiệm tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ra nghị quyết về chủ trương thu phí, lệ phí tại địa phương và thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương.

    d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phí, lệ phí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

    3. Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí:

    a) Danh mục phí, lệ phí thực hiện thống nhất trong cả nước do Chính phủ ban hành (ngoài các loại phí, lệ phí đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định tại các Luật, pháp lệnh có liên quan). Trong quá trình thực hiện, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới dây gọi chung là Bộ), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) đề xuất với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét quyết định.

    Trên cơ sở danh mục phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm này ban hành, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết loại phí, lệ phí được áp dụng trong mỗi danh mục (như biểu phụ lục số 1, phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này). Trường hợp, danh mục chi tiết do Bộ Tài chính hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa chính xác hoặc chưa phù hợp thì các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức phản ảnh kịp thời với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời; Nếu không phản ảnh hoặc phản ảnh nhưng Bộ Tài chính có văn bản không chấp nhận mà vẫn tiến hành thu phí, lệ phí thì sẽ bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật phí, lệ phí.

     

    b) Thẩm quyền ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/01/1999 của Chính phủ, cụ thể như sau:

    - Chính phủ ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng đối với một số loại phí, lệ phí có nguồn thu lớn, tập trung và thực hiện trong cả nước, như: phí giao thông, lệ phí trước bạ, án phí và lệ phí toà án.v.v...

    - Bộ Tài chính ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí sau đây:

    + Loại phí, lệ phí áp dụng thống nhất trong cả nước chưa được Chính phủ ban hành, không phân biệt cơ quan thu thuộc trung ương quản lý hay thuộc địa phương quản lý.

    + Loại phí, lệ phí có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên tổ chức thu.

    + Loại phí, lệ phí do cơ quan trực thuộc trung ương tổ chức thu, không phân biệt loại phí, lệ phí đó chỉ áp dụng trong một địa phương hay nhiều địa phương khác nhau.

    - Uỷ ban nhân dân tỉnh, sau khi có nghị quyết về chủ trương thu phí, lệ phí của Hội đồng nhân dân tỉnh, ban hành văn bản hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng đối với loại phí, lệ phí thuộc phạm vi địa phương và do cơ quan thuộc tỉnh (kể cả huyện, xã) tổ chức thu theo sự phân cấp cụ thể quy định tại biểu phụ lục số 1, phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này (trừ loại phí, lệ phí do Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành).

    c) Việc ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí theo thẩm quyền của Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc:

    - Chỉ ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí có tên trong danh mục phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm 3a mục này ban hành và quy định chi tiết loại phí, lệ phí được áp dụng; Nếu quy định thu hoặc tổ chức thu loại phí, lệ phí không do các cơ quan nêu trên ban hành thì sẽ bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật phí, lệ phí.

    - Sau khi ban hành văn bản quy định chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí, cơ quan ban hành phải gửi văn bản đã ban hành lên Chính phủ để báo cáo; Đối với văn bản do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành thì đồng thời phải gửi cho Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).

    - Không uỷ quyền cho cơ quan khác hoặc cho cấp dưới ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí.

     

    III- CHẾ ĐỘ THU VÀ NỘP PHÍ, LỆ PHÍ:

    1. Mức thu phí, lệ phí:

    a) Mức thu phí, lệ phí quy định bằng số tiền (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ) nhất định hoặc bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên trị giá vốn, trị giá tài sản, hàng hoá của từng loại hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng, từng công việc quản lý hành chính nhà nước thuộc đối tượng chịu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

    b) Căn cứ xác định mức thu phí, lệ phí:

     

    Căn cứ xác định mức thu phí, lệ phí là các chi phí cần thiết, tính chất, đặc điểm của từng loại hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng, từng công việc quản lý hành chính nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, có tính đến đặc điểm các vùng và thông lệ quốc tế, bao gồm:

    - Chi phí xây dựng, mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và định kỳ máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc,.v.v... hoặc thuê ngoài tài sản trực tiếp phục vụ công việc quy định thu phí, lệ phí. Chi phí này được phân bổ theo mức độ hao mòn của những tài sản đã trực tiếp phục vụ công việc thu phí, lệ phí.

    - Chi phí vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong quá trình thực hiện công việc quy định thu phí, lệ phí.

    - Chi phí tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp liên quan tới tiền lương, tiền công theo chế độ quy định (kể cả chi trả tiền thuê chuyên gia, tư vấn, nếu có).

    - Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản bảo hiểm khác liên quan tới người lao động thực hiện công việc quy định thu phí, lệ phí theo chế độ quy định.

    - Các chi phí khác trực tiếp phục vụ công việc quy định thu phí, lệ phí.

    Căn cứ vào chính sách của nhà nước, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội cả nước và đặc điểm của các vùng trong từng thời kỳ, tính chất - đặc điểm của từng loại hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng, từng công việc quản lý hành chính nhà nước, có tham khảo mức thu loại phí, lệ phí tương ứng ở các nước trong khu vực và thế giới (nếu có) mà cơ quan ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí quy định thu đủ hay chỉ thu một phần các chi phí cần thiết thực hiện công việc quy định thu phí, lệ phí nêu trên.

    2. Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam. Trường hợp pháp luật quy định mức thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ thì được thu bằng ngoại tệ hoặc thu bằng đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí, lệ phí; tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu phí, lệ phí đang ở nước ngoài bằng tiền của nước sở tại hoặc bằng đôla Mỹ, theo mức thu quy định của các chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

    3. Chứng từ thu phí, lệ phí:

    a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) thu phí, lệ phí đều phải cấp chứng từ thu phí, lệ phí cho người nộp tiền phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

    Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí phải yêu cầu người thu phí, lệ phí cấp cho mình chứng từ thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

    Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân thu, nộp phí, lệ phí không sử dụng chứng từ hoặc sử dụng chứng từ không đúng quy định của Bộ Tài chính.

    b) Bộ Tài chính uỷ nhiệm cho Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức in, thống nhất phát hành các loại chứng từ thu các loại phí, lệ phí phát sinh ở địa phương (trừ lệ phí trước bạ và một số loại do Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế thống nhất phát hành) và chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn sử dụng theo đúng chế độ của Bộ Tài chính về quản lý cấp phát biên lai, ấn chỉ thuế.

    c) Chứng từ thu phí, lệ phí chỉ được cấp cho các cơ quan, tổ chức được phép thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; nhất thiết không cấp cho các cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

    d) Các cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí có nhu cầu sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí khác với mẫu chứng từ quy định chung thì phải có văn bản đề nghị Cục Thuế tỉnh nơi phát sinh việc thu phí, lệ phí kèm theo mẫu chứng từ để Cục Thuế thực hiện in và phát hành, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp, cần phải sử dụng loại chứng từ thống nhất trong toàn ngành thì phải có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế, kèm theo mẫu chứng từ để Tổng cục Thuế in và phát hành hoặc uỷ quyền cho Cục Thuế tỉnh in, phát hành theo mẫu thống nhất.

    4. Miễn, giảm phí, lệ phí:

    Đối tượng nộp phí, lệ phí có thể được xét miễn, giảm số tiền phí, lệ phí phải nộp trong một số trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, đối tượng áp dụng của từng loại phí, lệ phí cụ thể mà cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí sẽ quy định trường hợp được miễn, giảm nộp phí, lệ phí và thủ tục, thẩm quyền xét miễn, giảm nộp phí, lệ phí.

    5. Quản lý sử dụng tiền thu phí, lệ phí:

    a) Tiền thu phí, lệ phí phải được quản lý qua kho bạc nhà nước theo quy định sau đây:

    - Loại phí, lệ phí do cơ quan Thuế trực tiếp tổ chức thu thì đối tượng nộp phí, lệ phí trực tiếp nộp tiền vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước ở địa phương nơi thu theo hướng dẫn của cơ quan Thuế. Trường hợp, Kho bạc nhà nước chưa tổ chức thu tiền phí, lệ phí trực tiếp từ các đối tượng nộp thì cơ quan Thuế có thể thu tiền phí, lệ phí thay và cuối ngày phải làm thủ tục nộp hết số tiền phí, lệ phí đã thu trong ngày vào ngân sách nhà nước.

    - Loại phí, lệ phí do các cơ quan, tổ chức khác (ngoài cơ quan Thuế) tổ chức thu thì cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí được mở tài khoản "tạm giữ tiền phí, lệ phí" tại kho bạc nhà nước nơi thu (trừ một số trường hợp cá biệt được quy định khác) để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí. Căn cứ vào số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít mà định kỳ hàng ngày, 5 ngày hoặc dài nhất là 10 ngày một lần, các cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp (đối với đơn vị hành chính sự nghiệp thu phí, lệ phí) hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích (đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thu phí, lệ phí).

    b) Theo quy định của khoản 2 Điều 12 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP thì tiền thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước phải phản ảnh đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để phù hợp các chế độ quản lý tài chính hiện hành và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí chủ động thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao thì cơ quan ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí thực hiện quy định việc quản lý sử dụng số tiền thu phí, lệ phí (trừ số phí, lệ phí do cơ quan Thuế tổ chức thu phải nộp ngân sách theo quy định tại điểm 5a nêu trên) theo nguyên tắc sau đây:

    * Số tiền phí, lệ phí thu được của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích tổ chức thu được coi là khoản thu của doanh nghiệp, sau khi trừ các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác theo quy định hiện hành và bảo đảm lợi ích vật chất cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và Thông tư số 06TC/TCDN ngày 24/2/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

    Cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích quy định chế độ quản lý sử dụng phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước phù hợp đặc thù của doanh nghiệp và hướng dẫn tại Thông tư này.

    * Số tiền phí, lệ phí thu được của các cơ quan, tổ chức đã được ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí cho việc thực hiện công việc pháp luật quy định thu phí, lệ phí và việc thu phí, lệ phí thì phải nộp hết vào ngân sách nhà nước.

    Trường hợp, các cơ quan, tổ chức được uỷ nhiệm việc thu phí, lệ phí ngoài chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của mình thì cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí được hưởng một khoản thù lao tối đa 10% (mười phần trăm) số tiền phí, lệ phí thực thu được trước khi nộp tiền vào ngân sách nhà nước, để chi phí cho việc tổ chức thu phí, lệ phí theo nội dung chi sau đây:

    - Chi phí tiền công và các khoản phụ cấp theo tiền công trả cho lao động thuê ngoài (kể cả thuê chuyên gia, tư vấn) thực hiện việc thu phí, lệ phí theo chế độ quy định (nếu có).

    - Chi trả thù lao cho cán bộ công nhân viên đảm nhiệm thêm công việc thu phí, lệ phí ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao (kể cả trả thù lao làm việc ngoài giờ hành chính nhà nước) theo chế độ quy định.

    - Trích quỹ khen thưởng cán bộ công nhân viên thực hiện việc thu, nộp phí, lệ phí. Mức trích quỹ khen thưởng bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện .

    * Số tiền phí, lệ phí thu được của các cơ quan, tổ chức không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí thường xuyên cho công việc tổ chức thu phí, lệ phí thì sau khi trừ số tiền được trích để lại cho cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí bảo đảm chi phí thường xuyên vào việc tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

    Số tiền phí, lệ phí trích để lại cho cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí thuộc đối tượng nêu tại điểm này chỉ được quy định tối đa đến 40% (bốn mươi phần trăm) số tiền phí, lệ phí thực thu được để sử dụng vào các nội dung chi thường xuyên sau đây:

    - Các khoản chi trả thù lao cho cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí ngoài nhiệm vụ thường xuyên nêu trên (nếu có).

    - Chi phí mua sắm, sửa chữa công cụ, phương tiện thực hiện việc thu phí, lệ phí.

    - Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp mang tính chất tiền lương, tiền công theo chế độ quy định đối với cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp thu phí, lệ phí.

    - Chi bảo hộ lao động, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm của cơ quan sử dụng lao động thực hiện thu phí, lệ phí.

    - Chi mua (hoặc in) tờ khai, hồ sơ, mẫu biểu, sổ sách kế toán, biên lai thu phí, lệ phí.

    - Các khoản chi thường xuyên khác trực tiếp phục vụ việc thu phí, lệ phí theo chế độ quy định.

     

    * Số tiền phí, lệ phí thu được của các cơ quan, tổ chức không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí thường xuyên cho công việc pháp luật quy định thu phí, lệ phí và việc tổ chức thu phí, lệ phí thì sau khi trừ số tiền được trích để lại cho cơ quan, tổ chức trực tiếp tổ chức thu phí, lệ phí bảo đảm chi phí thường xuyên vào hoạt động của công việc pháp luật quy định thu phí, lệ phí và việc tổ chức thu phí, lệ phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

    Số tiền phí, lệ phí trích để lại cho cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí thuộc đối tượng nêu tại điểm này chỉ được quy định tối đa đến 90% (chín mươi phần trăm) số tiền phí, lệ phí thực thu được và chỉ được sử dụng vào các nội dung chi thường xuyên bảo đảm hoạt động của công việc pháp luật quy định thu phí, lệ phí và việc tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định của chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí cụ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành; Trường hợp cần thiết được chế độ cho phép sử dụng tiền thu phí, lệ phí vào các nội dung chi không thường xuyên ngoài quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP thì phải thực hiện ghi thu, ghi chi qua ngân sách nhà nước.

    c) Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng loại phí, lệ phí và chế độ quản lý tài chính quy định đối với từng cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí mà cơ quan ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí thực hiện quy định tỷ lệ (%) tiền thu phí, lệ phí trích để lại cho cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí và nội dung chi, định mức chi cụ thể áp dụng đối với từng loại phí, lệ phí.

    - Việc quy định tỷ lệ (%) trích trước khi nộp tiền thu phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước nêu tại điểm này được xác định như sau:

     

     

     

    Số tiền bảo đảm nhu cầu chi cần thiết để thực hiện việc thu phí, lệ phí (dự kiến của 1 năm)

    Tỷ lệ trích (%)

    =

     

     

     

    Tổng số tiền phí, lệ phí thu được (dự kiến của 1 năm)

    - Số tiền phí, lệ phí trích để lại cho cơ quan, tổ chức thu theo tỷ lệ (%) nêu tại điểm này phải được cân đối vào dự toán ngân sách hàng năm và phải sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính, cuối năm nếu chưa sử dụng hết thì phải nộp số còn lại vào ngân sách nhà nước; Nếu sử dụng sai nội dung quy định hoặc sử dụng không có chứng từ hợp pháp thì phải xuất toán, nộp vào ngân sách nhà nước.

    d) Theo quy định tại khoản 3, Điều 12 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí thì khoản thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải chịu thuế. Các cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải kê khai, nộp thuế đối với các khoản phí, lệ phí thu, nộp theo chế độ phí, lệ phí.

    Khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước đã nộp ngân sách nhà nước được xác định là chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh), được tính vào quyết toán chi của đơn vị (đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp và tổ chức khác), trừ số tiền lệ phí trước bạ được hạch toán tăng giá trị tài sản cố định.

    6. Đăng ký, kê khai, nộp, quyết toán phí, lệ phí:

    a) Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí phải đăng ký việc thu phí, lệ phí với cơ quan Thuế địa phương về loại phí, lệ phí, địa điểm thu, chứng từ thu và việc tổ chức thu phí, lệ phí, cụ thể như sau:

    - Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí là cơ quan trực thuộc trung ương, tỉnh hoặc tương đương quản lý, đăng ký với Cục Thuế tỉnh, thành phố.

    - Cơ quan thu phí, lệ phí là cơ quan trực thuộc quận, huyện, thị xã, thị trấn, xã, phường hoặc cấp tương đương quản lý, đăng ký với Chi cục Thuế quận, huyện..

    Thời hạn đăng ký thu, nộp phí, lệ phí chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu thu phí, lệ phí. Trong trường hợp thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí thì phải khai báo với cơ quan Thuế chậm nhất là 5 ngày trước khi thay đổi.

    b) Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí phải kê khai phí, lệ phí từng tháng và phải nộp tờ khai cho cơ quan Thuế trong 5 ngày đầu của tháng tiếp theo. Trường hợp, trong tháng không phát sinh số thu phí, lệ phí thì cơ quan thu phí, lệ phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan Thuế nơi đăng ký thu phí, lệ phí.

    Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai theo quy định tại Thông tư này (mẫu số 1) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

    c) Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí có trách nhiệm nộp số tiền phí, lệ phí và các khoản tiền phạt (nếu có) đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp, pháp luật quy định cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách theo thông báo của cơ quan Thuế thì trình tự, thủ tục nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

    - Nhận được tờ khai phí, lệ phí của cơ quan thu gửi tới, cơ quan Thuế thực hiện kiểm tra tờ khai và thông báo cho cơ quan thu phí, lệ phí về số tiền phí, lệ phí phải nộp, thời hạn nộp và chương, loại, khoản, mục, tiểu mục của mục lục ngân sách nhà nước quy định.

    - Căn cứ vào thông báo nộp tiền phí, lệ phí của Cơ quan Thuế, cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước. Thời hạn nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước của tháng chậm nhất không quá ngày 15 của tháng tiếp theo. Trong trường hợp đã đến thời hạn nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước mà cơ quan, tổ chức thu chưa nhận được thông báo của cơ quan Thuế thì cơ quan, tổ chức thu căn cứ vào số tiền phí, lệ phí phải nộp theo kê khai của cơ quan, tổ chức thu để chủ động nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước; nếu cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí có số phí, lệ phí nộp thừa kỳ trước thì được trừ vào số phí, lệ phí phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu kỳ trước nộp thiếu thì phải nộp đủ số kỳ trước còn thiếu.

    - Cơ quan, tổ chức nộp số tiền phí, lệ phí đã thu được vào ngân sách nhà nước bằng Đồng Việt Nam; trường hợp thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật thì phải nộp ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ. Đối với cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí ở nước ngoài thì nộp tiền phí, lệ phí đã thu được vào ngân sách nhà nư ớc theo quy định của chế độ thu, nộp và sử dụng loại phí, lệ phí tương ứng.

    d) Tất cả các cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí đều phải thực hiện quyết toán chứng từ thu, số tiền phí, lệ phí đã thu và nộp ngân sách nhà nước hàng năm (tính theo năm dương lịch) với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý và nộp báo cáo kết quả thu, nộp phí, lệ phí năm trước cho cơ quan Thuế trước ngày kết thúc tháng 2 năm tiếp sau và phải nộp đủ số tiền phí, lệ phí còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo, nếu nộp thừa thì được trừ vào số phí, lệ phí phải nộp kỳ tiếp theo. Thực hiện quyết toán việc sử dụng số tiền phí, lệ phí được trích cùng với quyết toán tài chính với cơ quan Tài chính cùng cấp theo chế độ kế toán thống kê của nhà nước quy định.

    Trường hợp cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí cũng phải quyết toán phí, lệ phí theo quy định trên đây trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí.

    Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu quyết toán phí, lệ phí; Nếu phát hiện có sự trốn, lậu phí, lệ phí sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    7. Số thu ngân sách nhà nước về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước hiện hành.

     

    IV- NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ VÀ CƠ QUAN THUẾ:

     

    1. Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

    a) Tổ chức thu phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật và thông báo công khai các quy định của pháp luật về phí, lệ phí tại nơi thu phí, lệ phí.

    b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc kê khai, nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của chế độ thu, nộp và sử dụng từng loại phí, lệ phí. Thông báo cho đối tượng nộp phí, lệ phí về số tiền phí, lệ phí phải nộp, thời hạn nộp theo đúng quy định. Khi thu tiền phí, lệ phí phải cấp đầy đủ chứng từ thu tiền, ghi đúng số tiền đã thu cho người nộp phí, lệ phí. Nếu đối tượng không nộp tiền phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật thì cơ quan, tổ chức thu có quyền không phục vụ công việc hoặc không đáp ứng lợi ích tương ứng mà đối tượng đó yêu cầu và nếu quá thời hạn nộp phí, lệ phí ghi trên thông báo mà đối tượng đó chưa nộp, thì cơ quan, tổ chức thu tiếp tục ra thông báo; nếu đã đến ngày phải nộp theo quy định mà chưa nộp thì thông báo bao gồm cả tiền phí, lệ phí và tiền phạt chậm nộp theo quy định cụ thể của từng chế độ phí, lệ phí; nếu đối tượng vẫn không chấp hành nộp tiền phí, lệ phí, tiền phạt theo thông báo thì cơ quan, tổ chức thu có quyền áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về phí, lệ phí quy định tại khoản 2, Điều 18 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ và quy định cụ thể của từng chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí.

    c) Đăng ký, kê khai phí, lệ phí với cơ quan Thuế nơi thu phí, lệ phí theo hướng dẫn của cơ quan Thuế.

    d) Nộp đầy đủ, đúng hạn tiền phí, lệ phí và các khoản tiền phạt vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của cơ quan Thuế.

    đ) Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; cung cấp các tài liệu, sổ sách kế toán, báo cáo kế toán, hoá đơn, chứng từ có liên quan đến việc thu, nộp và quản lý phí, lệ phí theo yêu cầu của cơ quan Thuế và cơ quan có thẩm quyền.

    2. Cơ quan Thuế, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm nêu tại điểm 1 trên đây (đối với những loại phí, lệ phí giao cho cơ quan Thuế trực tiếp tổ chức thu) còn có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

    a) Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thu phí, lệ phí thực hiện việc đăng ký, kê khai, thu, nộp, sổ sách, chứng từ, kế toán phí, lệ phí theo đúng quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí và hướng dẫn tại Thông tư này.

    b) Những cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai, thu, nộp, sổ sách, chứng từ, kế toán phí, lệ phí thì cơ quan Thuế có quyền xử lý phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và chế độ thu, nộp và sử dụng từng loại phí, lệ phí.

    c) Đối với loại phí, lệ phí mà pháp luật quy định cơ quan Thuế phải thông báo nộp phí, lệ phí thì phải thực hiện thông báo cho cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí về số tiền phí, lệ phí phải nộp, địa điểm nộp và thời hạn nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Thông báo phải gửi tới cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí trước ngày phải nộp tiền vào ngân sách ghi trên thông báo chậm nhất là ba ngày; Nếu quá thời hạn nộp tiền phí, lệ phí ghi trên thông báo mà cơ quan, tổ chức thu chưa nộp thì tiếp tục ra thông báo; nếu đã đến ngày phải nộp theo quy định mà cơ quan, tổ chức thu chưa nộp thì thông báo bao gồm cả số tiền phí, lệ phí và số tiền phạt chậm nộp theo quy định tại khoản 3, Điều 19 của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Thời hạn tính phạt chậm nộp phí, lệ phí hàng tháng kể từ ngày 16 của tháng tiếp theo; Nếu cơ quan, tổ chức thu vẫn không chấp hành nộp tiền phí, lệ phí, tiền phạt theo thông báo thì cơ quan Thuế có quyền áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về phí, lệ phí quy định tại khoản 4, Điều 19 của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thu đủ số tiền phí, lệ phí, số tiền phạt phải nộp ngân sách nhà nước. Nếu thực hiện các biện pháp xử lý hành chính về phí, lệ phí mà cơ quan, tổ chức thu vẫn không nộp đủ số tiền phí, lệ phí, số tiền phạt thì cơ quan Thuế chuyển hồ sơ sang các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật.

    d) Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, thu, nộp, sử dụng và quyết toán phí, lệ phí của cơ quan thu phí, lệ phí bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

    đ) Xử lý vi phạm hành chính về phí, lệ phí và giải quyết khiếu nại về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện việc ban hành hoặc tổ chức thu phí, lệ phí trái quy định của pháp luật thì có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ thu hoặc sửa đổi cho phù hợp.

    g) Yêu cầu đối tượng nộp phí, lệ phí và cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí cung cấp sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ và các hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính và nộp phí, lệ phí; Yêu cầu tổ chức tín dụng, ngân hàng, kho bạc và tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp các tài liệu có liên quan tới việc tính và nộp phí, lệ phí.

    e) Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà đối tượng nộp phí, lệ phí và cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí hoặc đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

     

    V- GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, XỬ LÝ VI PHẠM
    VÀ KHEN THƯỞNG:

     

    1. Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp phí, lệ phí trong việc khiếu nại và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật phí, lệ phí:

    - Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại và tố cáo về việc cán bộ thu phí, lệ phí và cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí thi hành không đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí đối với tổ chức, cá nhân mình. Đơn khiếu nại phải gửi đến cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí hoặc cơ quan ra quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp phí, lệ phí hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, tổ chức, cá nhân khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền phí, lệ phí, tiền phạt đã thông báo.

    Nếu tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí thì có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí đã giải quyết khiếu nại; Nếu vẫn không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên cơ quan ban hành chế độ thu, nộp loại phí, lệ phí đó hoặc khởi kiện đến toà án theo quy định của pháp luật.

    - Thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện và việc xem xét, giải quyết phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

    2. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí trong việc giải quyết khiếu nại như sau:

    a) Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí khi nhận được đơn khiếu nại về phí, lệ phí phải xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian thì cần thông báo cho đương sự biết, nhưng thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho đương sự biết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại.

    Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí nhận đơn khiếu nại có quyền thông báo bằng văn bản yêu cầu người khiếu nại cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; nếu người khiếu nại từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc quá thời hạn quy định phải cung cấp hồ sơ, tài liệu ghi trên thông báo mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thu phí, lệ phí được quyền thông báo cho đương sự biết lý do từ chối hoặc lý do chẫm trễ xem xét giải quyết khiếu nại trong thơì hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn phải cung cấp hồ sơ, tài liệu.

    Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí kiểm tra phát hiện và kết luận có sự man khai, trốn nộp hoặc nhầm lẫn về phí, lệ phí, về xử phạt thì có trách nhiệm truy thu hoặc truy hoàn tiền phí, lệ phí, tiền phạt tính không đúng trong thời hạn 5 năm trở về trước kể từ ngày kiểm tra, phát hiện có sự khai man, trốn nộp hoặc nhầm lẫn về phí, lệ phí; thời hạn thực hiện truy thu hoặc truy hoàn tiền phí, lệ phí, tiền phạt tính không đúng chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày có kết luận hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Trường hợp cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí không kê khai, nộp tiền phí, lệ phí đã thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì thời hạn truy thu tiền phí, lệ phí, tiền phạt áp dụng kể từ khi cơ quan, tổ chức đó bắt đầu thu phí, lệ phí.

    d) Cơ quan thu phí, lệ phí có trách nhiệm thoái trả tiền phí, lệ phí, tiền phạt thu không đúng cho đối tượng nộp phí, lệ phí trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    đ) Thủ trưởng cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại về phí, lệ phí đối với cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí cấp dưới. Quyết định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ thu, nộp phí, lệ phí là quyết định cuối cùng về giải quyết khiếu nại.

    3. Đối tượng nộp phí, lệ phí vi phạm chế độ phí, lệ phí thì bị xử lý như sau:

    a) Không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phí, lệ phí theo quy định của pháp luật thì không được phục vụ công việc hoặc đáp ứng lợi ích như quy định của pháp luật. Trường hợp, pháp luật quy định bắt buộc phải kê khai, nộp phí, lệ phí (lệ phí trước bạ) mà đối tượng không thực hiện đúng quy định về thủ tục kê khai, nộp phí, lệ phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

    b) Trốn nộp phí, lệ phí (thực hiện các công việc quy định thu phí, lệ phí nhưng không nộp phí, lệ phí hoặc trốn thực hiện công việc quản lý nhà nước có tính bắt buộc quy định thu phí, lệ phí, .v.v.) thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một đến ba lần số tiền phí, lệ phí trốn nộp; trốn nộp phí, lệ phí với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về phí, lệ phí mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Cơ quan ban hành chế độ thu, nộp và sử dụng từng loại phí, lệ phí quy định mức phạt đối với từng hành vi vi phạm quy định tại điểm này.

    4. Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí vi phạm chế độ phí, lệ phí thì bị xử lý như sau:

    a) Ban hành văn bản quy định thu phí, lệ phí trái thẩm quyền hoặc trái pháp luật, tổ chức thu loại phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật thì phải bị đình chỉ ngay khi bị phát hiện; Toàn bộ số tiền phí, lệ phí đã thu sai phải hoàn trả cho đối tượng nộp, nếu không xác định được đối tượng nộp (đối tượng nộp không xuất trình chứng từ nộp phí, lệ phí hợp pháp) thì phải nộp hết vào ngân sách nhà nước, được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương; tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hành sự theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp số tiền phí, lệ phí thu sai đã được nộp vào ngân sách nhà nước, ngân sách cấp nào được hưởng thì cơ quan Tài chính cấp đó có trách nhiệm ra quyết định hoàn trả cho đối tượng nộp theo quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính.

    b) Không thực hiện đúng những quy định về thủ tục đăng ký, kê khai, nộp, quyết toán phí, lệ phí, lập sổ kế toán, sử dụng và lưu giữ chứng từ hoá đơn liên quan đến việc tính, nộp và sử dụng phí, lệ phí theo quy định tại Điều 13, Điều 14 của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

    c) Nộp chậm tiền phí, lệ phí đã thu được, tiền phạt vào ngân sách nhà nước so với ngày quy định phải nộp ghi trong thông báo hoặc quyết định xử phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền phí, lệ phí, tiền phạt theo quy định của pháp luật, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp; Tiền gửi của cơ quan thu phí, lệ phí tại kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng bị trích ra để nộp phí, lệ phí, nộp phạt.

    Kho bạc, Ngân hàng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan thu phí, lệ phí để nộp tiền phí, lệ phí, tiền phạt vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan Thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ.

    d) Khai man, trốn nộp tiền thu phí, lệ phí thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền phí, lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số tiền phí, lệ phí gian lận; trốn nộp phí, lệ phí với số lượng lớn hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    5. Cán bộ thu phí, lệ phí và cá nhân khác vi phạm chế độ phí, lệ phí thì bị xử lý như sau:

    a) Cán bộ thu phí, lệ phí thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp phí, lệ phí thì phải bồi thường thiệt hại cho người nộp theo quy định của pháp luật và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    b) Cán bộ thu phí, lệ phí và cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép tiền phí, lệ phí, tiền phạt hoặc cố ý không xử lý gây thiệt hại cho nhà nước thì phải bồi thường cho nhà nước toàn bộ số tiền phí, lệ phí, tiền phạt đã sử dụng trái phép, chiếm đoạt hoặc làm thiệt hại theo quy định của pháp luật và tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    c) Cán bộ thu phí, lệ phí và cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi phạm pháp luật về phí, lệ phí hoặc có hành vi khác vi phạm quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    6. Thẩm quyền xử lý vi phạm về phí, lệ phí được xác định như sau:

    a) Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về phí, lệ phí nêu tại Điều 18 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí và hướng dẫn tại điểm 3, mục này, thực hiện theo quy định cụ thể của từng chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

    b) Cục trưởng, Chi cục trưởng cơ quan Thuế trực tiếp quản lý cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí được quyền xử lý đối với các vi phạm của cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí quy định tại Điều 19 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP và hướng dẫn tại điểm 4, mục này theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm 4a, 4d và điểm 5b, 5c của mục này.

    Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí và cơ quan Thuế các cấp khi phát hiện vi phạm pháp luật về phí, lệ phí phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ vi phạm, nguyên nhân vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định. Căn cứ vào các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, trong phạm vi thẩm quyền của từng cơ quan, từng cấp mà ra quyết định xử phạt hoặc kiến nghị lên cơ quan cấp trên hoặc cơ quan pháp luật xử lý theo thẩm quyền.

    7. Khen thưởng:

    Cơ quan, tổ chức trực tiếp thu phí, lệ phí và cá nhân có công phát hiện những hành vi vi phạm quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước thì được khen thưởng theo theo quy định của pháp luật về chế độ khen thưởng và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế của Chính phủ.

     


    VI- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

     

    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ có hiệu lực thi hành là ngày 15/2/1999. Các văn bản quy định về phí, lệ phí theo Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí và các quy định khác về phí, lệ phí trái với Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày30/1/1999 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.

    2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện các việc sau đây:

    a) Kiểm kê, soát xét toàn bộ các loại phí, lệ phí thuộc ngành, địa phương mình đang thu theo mẫu quy định tại Thông tư này (mẫu số 2) và thực hiện phân loại xử lý như sau:

    - Đối với các loại phí, lệ phí đã ban hành trái thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ thì cơ quan, tổ chức ban hành phải tự ra quyết định bãi bỏ ngay các văn bản đã ban hành. Cơ quan, tổ chức đang thu các loại phí, lệ phí ban hành trái thẩm quyền phải đình chỉ thu ngay các loại phí, lệ phí đó và thực hiện quyết toán số tiền đã thu được với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý, kê khai, nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước trước 30/6/1999.

    - Đối với các loại phí, lệ phí đã được ban hành theo đúng nội dung và thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP thì tiếp tục áp dụng theo quy định của các văn bản đó. Trường hợp, cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tế thì cơ quan, tổ chức thu có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của tỉnh ban hành) nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.

    - Đối với loại phí, lệ phí đã được ban hành theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP, nhưng xét về nội dung không còn phù hợp với hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này thì cơ quan, tổ chức thu phải có văn bản gửi Bộ Tài chính hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm từ ngày 1/1/2000 trở đi mọi loại phí, lệ phí phải được quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Để phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước năm 1999, các cơ quan, tổ chức đang thu các loại phí, lệ phí thuộc loại này, được quản lý sử dụng số tiền phí, lệ phí đã thu được theo quy định của văn bản đó cho đến hết năm 1999, kết thúc năm 1999 phải quyết toán và báo cáo quyết toán tiền phí, lệ phí với cơ quan Thuế và cơ quan Tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính đối với loại phí, lệ phí do cơ quan, tổ chức thuộc trung ương quản lý tổ chức thu; Sở Tài chính - Vật giá đối với loại phí, lệ phí do cơ quan, tổ chức thuộc địa phương quản lý tổ chức thu) để tổng hợp đầy đủ vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 1999 và làm căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2000.

    - Tất cả các chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí ban hành sau ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 04/1999/NĐ-CP đều phải thực hiện đúng nội dung, thẩm quyền quy định được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này.

    b) Phối hợp, đề xuất với Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiên cứu, soạn thảo các chế độ thu, nộp và sử dụng đối với loại phí, lệ phí thuộc ngành, địa phương mình tổ chức thu quy định tại Biểu danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ mà Bộ Tài chính đã có hướng dẫn chi tiết tại biểu phụ lục số 1 và phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

    3. Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện:

    a) Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện kê khai và báo cáo tình hình thu và nộp phí, lệ phí trước ngày ban hành Thông tư này.

    b) Tổng hợp tình hình thu, nộp phí, lệ phí tại địa phương, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính trước ngày 30/6/1999. Báo cáo cần phân loại, đề xuất biện pháp xử lý theo hướng dẫn tại điểm 2, mục này.

    c) Kiểm tra, quyết toán các khoản phí, lệ phí đã thu, nộp và sử dụng của từng đơn vị từ năm 1998 trở về trước và đôn đốc các đơn vị nộp các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 30/6/1999.

    d) Phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện nghiên cứu, soạn thảo các chế độ thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP về phí, lệ phí và hướng dẫn tại Thông tư này; Báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính phương án quản lý thu các loại phí, lệ phí không thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

    Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.


    PHỤ LỤC SỐ 1:

    DANH MỤC LOẠI PHÍ ĐƯỢC ÁP DỤNG
    (Ban hành kèm theo Thông tư số: 54 /1999/TT/BTC
    ngày 10 tháng 5 năm 1999 của Bộ Tài chính)

     

    TT

    Danh mục

    Cơ quan quy định chế độ thu, nộp

    1

    2

    3

    1

    Phí giao thông

    Chính phủ

    2

    Phí qua cầu thuộc nhà nước quản lý (trừ cầu do tổ chức cá nhân tự đầu tư xây dựng để kinh doanh)

    - Bộ Tài chính quy định đối với cầu do trung ương quản lý

    - UBND tỉnh quy định đối với cầu địa phương quản lý

    3

    Phí qua phà thuộc nhà nước quản lý (trừ phà hoạt động kinh doanh)

    - Bộ Tài chính quy định đối với cầu do trung ương quản lý

    - UBND tỉnh quy định đối với cầu địa phương quản lý

    4

    Phí sử dụng đường bộ thuộc nhà nước quản lý (trừ đường tự đầu tư xây dựng để kinh doanh)

    - Bộ Tài chính quy định đối với cầu do trung ương quản lý

    - UBND tỉnh quy định đối với cầu địa phương quản lý

    5

    Phí sử dụng đường sông, sử dụng cầu, bến cảng sông do nhà nước quản lý

    - Bộ Tài chính quy định đối với cầu do trung ương quản lý

    - UBND tỉnh quy định đối với cầu địa phương quản lý

    6

    Phí sử dụng cơ sở hạ tầng đường sắt

    - Bộ Tài chính

    7

    Phí đảm bảo hàng hải, bao gồm:

    - Bộ Tài chính

     

    - Phí trọng tải

    - Bộ Tài chính

     

    - Phí neo đậu

    - Bộ Tài chính

    8

    Phí bay qua bầu trời và vùng thông báo bay

    - Bộ Tài chính

    9

    Phí sử dụng đất công, bến bãi, mặt nước thuộc nhà nước quản lý

    - UBND tỉnh

     

    - Phí chợ

     

     

    - Phí bến bãi

     

     

    - Phí sử dụng mặt nước

     

    10

    Phí trọng tải tàu, thuyền cập cảng biển, cảng biển sông, cảng sông

    - Bộ Tài chính

    11

    Phí sử dụng và bảo vệ tần số vô tuyến điện

    - Bộ Tài chính

    12

    Phí giám định y khoa, pháp y, giám định cổ vật, tài liệu và các giám định khác theo yêu cầu

    - Bộ Tài chính

    13

    Phí y tế dự phòng

    - Bộ Tài chính

    14

    Phí phòng dịch bệnh cho người, động vật, thực vật

    - Bộ Tài chính

    15

    Phí bảo vệ môi trường

    Chính phủ

    16

    Phí đánh giá tác động môi trường

    - Bộ Tài chính

    17

    Phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hoặc công trình văn hoá thuộc nhà nước quản lý.

    - Bộ Tài chính quy định đối với tài sản thuộc trung ương quản lý

    - UBND tỉnh quy định đối với tài sản thuộc địa phương quản lý

    18

    Phí khai thác, sử dụng tài liệu thuộc nhà nước quản lý

    - Bộ Tài chính

     

    - Phí sử dụng hệ thống thiết bị chứng khoán nhà nước

     

     

    - Phí đọc tài liệu dầu khí

     

    19

    Học phí trường công thuộc nhà nước quản lý

    Chính phủ

    20

    Viện phí bệnh viện công thuộc nhà nước quản lý

    Chính phủ

     


    PHỤ LỤC SỐ 2:

    DANH MỤC LOẠI LỆ PHÍ ĐƯỢC ÁP DỤNG
    (Ban hành kèm theo Thông tư số: 54/1999/TT/BTC
    ngày 10 tháng 5 năm 1999 của Bộ Tài chính)

     

    STT

    Danh mục

    Cơ quan quy định chế độ thu, nộp

     

    1

    2

    3

     

    1

    Lệ phí trước bạ

    Chính phủ

     

    2

    Lệ phí cấp giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật, bao gồm:

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thương mại theo quy định tại Nghị định 02/CP ngày 5/1/1995

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hành nghề quảng cáo và hoạt động quảng cáo

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hành nghề xây dựng và kiến trúc sư

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấp phép hành nghề chứng khoán và hoạt động chứng khoán

     

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hành nghề kinh doanh vận tải

    Bộ Tài chính

     

    3

    Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    4

    Lệ phí bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

    Bộ Tài chính

     

    5

    Lệ phí địa chính

    Bộ Tài chính

     

    6

    Lệ phí đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; chuyển đổi đăng ký hợp đồng thuê nhà thuộc nhà nước quản lý

    Bộ Tài chính

     

    7

    Lệ phí bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, y tế theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    8

    Lệ phí cảng vụ theo quy định của pháp luật (bao gồm cảng biển, cảng sông, cảng hàng không)

    Bộ Tài chính

     

    9

    Lệ phí đăng ký và cấp biển số xe máy, ô tô, tàu (tàu thuỷ, tàu hoả, tàu bay), thuyền và các phương tiện phải đăng ký khác theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    10

    Lệ phí cấp giấy phép lắp ráp, cải tạo, hoán cải ô tô, tàu thuỷ, tàu bay, tàu hoả theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    11

    Lệ phí cấp bằng, chứng chỉ lái xe, lái tàu và các loại bằng, chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    12

    Lệ phí đăng ký và cấp giấy chứng nhận được hoạt động trên tàu thuỷ, tàu bay và các loại phương tiện khác theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    13

    Lệ phí kiểm định và cấp giấy phép kiểm định kỹ thuật ô tô, tàu thuỷ, tàu bay và các phương tiện, máy móc, thiết bị, vật tư khác theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    14

    Lệ phí kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thiết bị, vật tư, nguyên liệu theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu

    Bộ Tài chính

     

    15

    Lệ phí cấp giấy phép được hoạt động trong một số ngành, nghề nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật, bao gồm:

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hoạt động bưu chính viễn thông

     

     

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản

     

     

     

    - Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm

     

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép đặt chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam

     

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoa học và công nghệ

     

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép hoạt động kinh doanh vàng bạc đá quý

     

     

    16

    Lệ phí cấp hạn ngạch xuất khẩu, nhập khâủ theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    17

    Lệ phí cấp bản quyền tác giả

    Bộ Tài chính

     

    18

    Lệ phí độc quyền hoạt động trong một số ngành, nghề theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    19

    Lệ phí quản lý hành chính nhà nước tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài

    Bộ Tài chính

     

    20

     

    Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy chứng nhận cho công dân Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú

    Bộ Tài chính

     

    21

    Lệ phí qua lại biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng

    Bộ Tài chính

     

    22

    Lệ phí cấp giấy phép cho người Việt Nam ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam

    Bộ Tài chính

     

    23

    Lệ phí về giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam

    Chính phủ

     

    24

    Lệ phí toà án, án phí

    Chính phủ

     

    25

    Lệ phí chứng thư

    Bộ Tài chính

     

    26

    Lệ phí công chứng nhà nước

    Bộ Tài chính

     

    27

    Lệ phí cấp giấy phép đặt và hoạt động văn phòng đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam

    Bộ Tài chính

     

    28

    Lệ phí thẩm định theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    29

    Lệ phí hải quan

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí làm thủ tục hải quan về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

     

     

     

    - Lệ phí ký gửi và lưu kho hải quan về hàng hoá

     

     

     

    - Lệ phí áp tải, niêm phong hải quan về hàng hoá

     

     

     

    - Lệ phí hàng hoá, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam

     

     

     

    - Lệ phí cấp lại các chứng từ hải quan; cấp giấy phép hoạt động dịch vụ thuộc thẩm quyền của hải quan

     

     

    30

    Lệ phí cấp giấy phép lắp đặt các công trình ngầm theo yêu cầu

    Bộ Tài chính

     

     

    31

    Lệ phí tham gia đấu thầu, đấu giá theo yêu cầu

    - Bộ Tài chính quy định đối với lệ phí do cơ quan trung ương tổ chức thu;

    - BND tỉnh quy định đối với loại lệ phí do cơ quan địa phương tổ chức thu

     

    3

    32

    Lệ phí cấp giấy phép sử dụng các chất nổ, các phương tiện nổ, vũ khí, khí tài theo quy định của pháp luật

    Bộ Tài chính

     

    33

    Lệ phí quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí đăng ký và quản lý hộ khẩu

    Bộ Tài chính

     

     

    - Lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam

    Bộ Tài chính

     

    34

    Lệ phí hoa hồng chữ ký (dầu khí ...)

    Bộ Tài chính

     

    35

    Lệ phí thi

    Bộ Tài chính

     

     


    CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Mẫu số 1.

     

    TỜ KHAI THU, NỘP PHÍ, LỆ PHÍ................
    Tháng...........Năm...........

     

     

    Cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí..................................................................

    Địa chỉ:.......................................................................................................

    ...................................................................................................................

    Đơn vị tính:

    TT

    Chỉ tiêu

    Thực hiện tháng.........

    1

    Số tiền phí, lệ phí kỳ trước nộp thiếu

     

    2

    Số tiền phí, lệ phí thực thu được của tháng này

     

    3

    Số tiền được trích sử dụng theo chế độ tháng này

     

    4

    Số tiền phải nộp ngân sách tháng này (2 - 3 + 1)

     

     

     

     

     

    Số tiền phí, lệ phí phải nộp NSNN (ghi bằng chữ).......................................

    ......................................................................................................................

    Xin cam đoan số liệu khai trên đây là đúng, nếu sai tôi xin chịu xử lý theo pháp luật.

    Gửi kèm tờ khai này tờ khai chi tiết thu phí, lệ phí.

     

     

    Nơi gửi tờ khai: Ngày ....tháng .... năm....

    - Cơ quan Thuế: T/M cơ quan

    - Địa chỉ: (Ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

     

     

    - Cơ quan Thuế nhận tờ khai ngày.................

    - Người nhận Ký tên (ghi rõ họ, tên)

     

     

     

     

    Tên đơn vị thu phí, lệ phí

     

    TỜ KHAI CHI TIẾT THU PHÍ, LỆ PHÍ
    tháng....... năm................
    (Kèm theo tờ khai phí, lệ phí)

     

    TT

    Danh mục loại thu

    Đơn vị tính

    Số lần hoặc số biên lai thu

    Mức thu (1 lần hoặc ghi trên 1 biên lai)

    Tổng số tiền thu

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Ngày........... tháng...... năm ........

    (Ký tên đóng dấu)

     

     

    Ghi chú: Danh mục loại thu được kê theo tên từng loại phí, lệ phí hoặc tên từng công việc thu phí, lệ phí hoặc từng loại biên lai thu phí, lệ phí.

     

     

     

     

     

     

     

     

    UBND (HOẶC BỘ)

    Ngành (Sở)........

    ..........................

    CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ....., Ngày... tháng.... năm....

     

    Mẫu số 2.

     

    BÁO CÁO LOẠI THẺ, LỆ PHÍ HIỆN ĐANG ÁP DỤNG

     

    TT

    Tên loại phí, lệ phí

     

    Cơ quan ban hành

     

    Số văn bản

    Ngày ban hành văn bản

    Kết quả thu 1998 (triệu đồng)

     

    Kiến nghị (sửa đổi hay tiếp tục áp dụng)

     

     

     

     

     

    Tổng số

    Nộp ngân sách

    Để lại cho đơn vị sử dụng

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Ghi chú: Việc tập hợp các loại phí, lệ phí theo biểu nêu trên cần theo thứ tự phân loại như sau:

    - Loại phí, lệ phí thuộc danh mục của Chính phủ quy định tại Nghị định số 04/1999/NĐ-CP, trong đó loại phí, lệ phí đã được ban hành chế độ thu, nọp và sử dụng theo đúng thẩm quyền; loại chưa có chế độ hoặc chế độ ban hành không đúng thẩm quyền.

    - Loại phí, lệ phí không có tên trong danh mục của Chính phủ ban hành.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Thông tư 63/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí
    Ban hành: 24/07/2002 Hiệu lực: 01/01/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    02
    Thông tư 73/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thu lệ phí cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện thường trú của tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam
    Ban hành: 14/06/1999 Hiệu lực: 01/07/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Thông tư 84/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2000
    Ban hành: 01/07/1999 Hiệu lực: 01/07/1999 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Thông tư 118/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích
    Ban hành: 30/09/1999 Hiệu lực: 01/01/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Quyết định 127/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động thị trường chứng khoán
    Ban hành: 22/10/1999 Hiệu lực: 06/11/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Quyết định 136/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành biểu mức thu lệ phí nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam
    Ban hành: 10/11/1999 Hiệu lực: 25/11/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Quyết định 138/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành biểu mức thu phí qua phà Mây, Quốc lộ 37, tỉnh Thái Nguyên
    Ban hành: 10/11/1999 Hiệu lực: 25/11/1999 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Quyết định 141/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu lệ phí thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đầu tư xây dựng
    Ban hành: 16/11/1999 Hiệu lực: 01/12/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Quyết định 143/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu phí sử dụng quốc lộ 5 tại trạm Quán Toan thành phố Hải phòng đoạn Km 62 đến Km 103
    Ban hành: 23/11/1999 Hiệu lực: 08/12/1999 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Quyết định 149/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu phí tham quan vườn Quốc gia Bạch Mã
    Ban hành: 30/11/1999 Hiệu lực: 15/12/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Thông tư 150/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu
    Ban hành: 21/12/1999 Hiệu lực: 12/10/1999 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Quyết định 163/1999/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành biểu mức thu lệ phí về đăng ký và quản lý hộ khẩu
    Ban hành: 27/12/1999 Hiệu lực: 11/01/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    13
    Quyết định 57/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch
    Ban hành: 20/04/2000 Hiệu lực: 06/05/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    14
    Quyết định 74/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu phí cầu Mỹ Thuận - Quốc lộ 1A
    Ban hành: 19/05/2000 Hiệu lực: 01/06/2000 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    15
    Quyết định 90/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành biểu mức thu lệ phí về quản lý chất lượng, an toàn và vệ sinh thuỷ sản
    Ban hành: 01/06/2000 Hiệu lực: 16/06/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    16
    Quyết định 146/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp
    Ban hành: 18/09/2000 Hiệu lực: 03/10/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    17
    Quyết định 150/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu mức thu lệ phí quản lý chất lượng bưu điện
    Ban hành: 19/09/2000 Hiệu lực: 04/10/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    18
    Thông tư 109/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư
    Ban hành: 13/11/2000 Hiệu lực: 28/11/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    19
    Quyết định 179/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu lệ phí hải quan và an ninh cửa khẩu đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam
    Ban hành: 13/11/2000 Hiệu lực: 28/11/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    20
    Quyết định 183/2000/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất khẩu và chứng nhận xuất xứ mẫu A sản phẩm giày dép
    Ban hành: 14/11/2000 Hiệu lực: 29/11/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản sửa đổi, bổ sung (01)
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 54/1999/TT-BTC thực hiện Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/01/1999

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:54/1999/TT-BTC
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:10/05/1999
    Hiệu lực:15/02/1999
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Phạm Văn Trọng
    Ngày hết hiệu lực:31/12/2002
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu (28)
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X