hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/11/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nam nữ sống thử với nhau có vi phạm pháp luật không?

Sống thử đang là xu hướng được lựa chọn nhiều trong giới trẻ hiện nay. Câu hỏi đặt ra là sống thử có vi phạm pháp luật không? Có phải mọi trường hợp sống thử đều bị phạt?

1. Sống thử có vi phạm pháp luật không?

Có thể hiểu một cách đơn giản, sống thử là việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn cũng không tổ chức đám cưới. Trong Luật HN&GĐ có đề cập đến việc chung sống như vợ chồng là nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng.

Trong Luật Hôn nhân và gia đình có đề cập đến việc chung sống như vợ chồng là nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng.

Đồng thời, theo Điều 14 Luật này, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng.

Đặc biệt, Điều 5 Luật Hôn nhân và đình quy định, cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Như vậy, pháp luật không cấm nếu hai người độc thân sống thử với nhau nhưng nếu một trong hai hoặc cả hai bên đang có vợ, có chồng thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ, hành vi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Song thu co vi pham phap luat khong

 Nam nữ sống thử với nhau có vi phạm pháp luật không? (Ảnh minh họa)

2. Các trường hợp sống thử sẽ bị phạt

Như phân tích ở trên, pháp luật không cấm người độc thân sống thử, tuy nhiên người đang có vợ hoặc có chồng mà sống chung với người khác thì tùy vào mức độ, hành vi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

* Xử phạt hành chính:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, áp dụng mức phạt tiền trong trường hợp sống thử khi đang có vợ hoặc đang có chồng là:

Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng

- Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

- Chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định đối với một số trường hợp sống thử của nam nữ không thực hiện đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.

* Chịu trách nhiệm hình sự

Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ/chồng nhưng chung sống như chồng vợ với người mình biết rõ đang có chồng/vợ thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015:

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà lại tiếp tục vi phạm.

Phạt tù từ 06 tháng - 03 năm

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

- Đã có quyết định của Tòa án buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Mặt khác, việc sống thử, không đăng ký kết hôn, không được pháp luật công nhận nên dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Một trong số đó là việc khi chấm dứt sống thử do không còn tình cảm, nếu trường hợp có con chung thì con sinh ra trong thời kỳ sống thử sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ.

Hay việc yêu cầu cấp dưỡng cho con khi sống thử cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi không có căn cứ để yêu cầu người còn lại phải cấp dưỡng cho con do trên giấy khai sinh chỉ có tên của một người cha hoặc mẹ…

Ngoài ra, nếu có tài sản chung hình thành trong quá trình sống thử, cũng rất khó để phân chia khi xảy ra tranh chấp, vì không đăng ký kết hôn, nên không thể nhờ pháp luật can thiệp việc phân chia tài sản này.

Kết luận: Pháp luật hiện nay không cấm việc nam nữ sống chung với nhau, tuy nhiên cũng không khuyến khích việc này. Bởi vì, việc sống thử với nhau rất có thể sẽ mang lại nhiều hệ lụy về sau, chưa kể việc sống thử này nếu vi phạm các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì có thể bị phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xem thêm:

Trường hợp nào được công nhận là vợ chồng khi không đăng ký kết hôn?

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn chi tiết nhất năm 2021

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X