hieuluat
Chia sẻ email

Đèn pha là gì? Lỗi bật đèn pha bị phạt bao nhiêu?

Mục lục bài viết
  • Thế nào là đèn pha? Ký hiệu đèn pha là gì?
  • Lỗi bật đèn pha không đúng quy định bị xử phạt bao nhiêu?
  • Mức phạt đối với lỗi bật đèn pha xe gắn máy
  • Mức phạt đối với lỗi bật đèn pha xe ô tô
  • Cách sử dụng đèn pha đúng quy định pháp luật
Câu hỏi: Tôi chuẩn bị thi bằng lái và muốn tìm hiểu thế nào là đèn pha, đèn cốt để sử dụng cho đúng khi tham gia giao thông. Nếu sử dụng đèn pha không đúng quy định thì sẽ bị phạt bao nhiêu?

Thế nào là đèn pha? Ký hiệu đèn pha là gì?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thế nào là đèn pha. Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm, công dụng, đèn pha có thể hiểu là đèn chiếu sáng được sử dụng trên các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe ô tô, xe gắn máy.

Đèn pha là đèn chiếu xa, có cường độ sáng mạnh, tập trung, có thể chiếu sáng ở tầm cao hơn giúp người điều khiển phương tiện giao thông dễ thấy được các chướng ngại, biển báo hơn so với đèn chiếu gần (đèn cốt).

Đèn cốt là đèn chiếu gần, cường độ sáng yếu hơn nhưng vẫn đảm bảo tầm nhìn của người điều khiển xe trong bóng tối, chiếu sáng gần hơn, hướng ánh sáng chếch xuống mặt đường giúp các phương tiện quan sát với tầm gần. Đèn cốt thường sử dụng trong khu vực nhiều xe lưu thông, không gây ảnh hưởng với tầm nhìn ngược chiều.

Tuy nhiên, mặc dù đèn pha có cường độ sáng tốt hơn, nhưng không nên lạm dụng sử dụng đèn pha, bởi với cường độ sáng và góc chiếu cao hơn dễ gây khó chịu, lóa mắt cho người đi ngược chiều, hoặc người đi cùng chiều phía trước, dễ dẫn đến tai nạn giao thông do người điều khiển xe không nhìn thấy chướng ngại phía trước để kịp thời phản xạ.

Phân biệt ký hiệu đèn pha và đèn cốt trên phương tiện giao thông:

- Đèn pha: kí hiệu bóng đèn và các luồng sáng thẳng, nằm ngang;

- Đèn cốt: kí hiệu bóng đèn, các luồng sáng xu hướng hơi chếch xuống dưới.

Ký hiệu đèn pha

 

Công tắc điều chỉnh đèn pha, đèn cốt thường nằm ở vị trí phía ngoài sát tay lái phương tiện giao thông để dễ điều chỉnh.
 

Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều kiện để xe ô tô, gắn máy có thể tham gia giao thông là bắt buộc phải có đủ cả đèn chiếu gần và đèn chiếu xa (tức đèn pha và đèn cốt).

Ngoài ra còn phải đảm bảo có đủ:

- Hệ thống hãm (phanh) có hiệu lực; 

- Hệ thống chuyển hướng sử dụng được; 

- Đèn soi biển số, đèn tín hiệu, đèn báo hãm; 

- Bánh lốp phù hợp với loại xe; 

- Gương chiếu hậu, phương tiện đảm bảo tầm nhìn;

- Còi báo hiệu với âm lượng đúng quy chuẩn;

- Bộ phận giảm thanh, giảm khói, bảo vệ môi trường;

- Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

Lỗi bật đèn pha không đúng quy định bị xử phạt bao nhiêu?

Mức xử phạt lỗi bật đèn pha không đúng quy định hiện nay căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi nghị định 123/2021/NĐ-CP), cụ thể như sau:

Mức phạt đối với lỗi bật đèn pha xe gắn máy

Đối với xe mô tô, gắn máy và các loại xe tương tự, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe trong trường hợp:

- Sử dụng chiếu xa (đèn pha) khi tránh xe đi ngược chiều;

- Sử dụng đèn pha trong khu dân cư, khu đô thị (trừ các trường hợp xe đang làm nhiệm vụ theo quy định).

Lỗi bật đèn pha bị xử phạt thế nào?

Lỗi bật đèn pha bị xử phạt thế nào?

Mức phạt đối với lỗi bật đèn pha xe ô tô

Đối với các hành vi tương tự vừa nêu về lỗi bật đèn pha của xe mô tô, gắn máy, người điều khiển xe ô tô vi phạm có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Cách sử dụng đèn pha đúng quy định pháp luật

Căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính nêu trên về lỗi sử dụng đèn pha và Luật Giao thông đường bộ 2008, để sử dụng đèn pha đúng luật, cần đảm bảo 02 nguyên tắc cơ bản sau:

Nguyên tắc 01: Không sự dụng đèn pha trong khu đô thị, khu đông dân cư.

Theo khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, nghiêm cấm hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư hoặc khu đô thị, trừ trường hợp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

Cách sử dụng đèn pha đúng luật

Trong đó, đường đô thị và đường qua khu đông dân cư theo QCVN 41:2019/BGTVT quy định như sau:

- Đường đô thị là đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị xã và thị trấn.

- Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).

Nguyên tắc 02: Không sử dụng đèn pha khi tránh xa đi ngược chiều.

Cụ thể, Điều 17 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về điều kiện khi tránh xe đi ngược chiều là khi các phương giao thông cơ giới đi ngược chiều gặp nhau tuyệt đối không được sử dụng đèn pha.

Điều này tránh làm chói mắt người đi ngược chiều, giảm xảy ra tai nạn giao thông và các rủi ro đáng tiếc.

Trên đây là một số thông tin về việc sử dụng đèn pha đúng luật và mức phạt lỗi sử dụng đèn pha mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc.

Nếu có thắc mắc liên quan đến quy định về đèn, các quy định giao thông khác, vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X