hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 23/05/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bất ngờ bị cho nghỉ việc, người lao động phải làm gì?

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, có không ít công ty cho người lao động của mình nghỉ việc. Trong đó, nhiều người nghỉ việc mà không rõ lý do, điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Vậy, người lao động phải làm gì khi bất ngờ bị cho nghỉ việc?

Mục lục bài viết
  • Một số từ viết tắt:
  • Khi nào NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ?
  • NLĐ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
  • Quyền lợi của NLĐ khi bị NSDLĐ cho nghỉ việc trái luật thế nào?
Câu hỏi: Năm 2020 em có ký hợp đồng lao động 03 năm với công ty tư nhân, tuy nhiên tuần trước ban giám đốc công ty có gửi mail cho em thông báo về việc cho thôi việc. Tuy nhiên lại không có văn bản hay quyết định chính thức nào. Khi em hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời do dịch bệnh nên cần cắt giảm nhân sự. Vậy cho em hỏi công ty làm như vậy có đúng không ạ? Em phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Em cảm ơn ! – Hải Nguyễn (Bắc Ninh).

Một số từ viết tắt:

HĐLĐ : Hợp đồng lao động

NSDLĐ: Người sử dụng lao động

NLĐ: Người lao động.
 

Khi nào NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị:

+ 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc;

+ 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn hoặc;

+ Quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

- NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định;

- NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu;

- NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

- NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ.

Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, xét trong trường hợp của bạn và giả định rằng bạn đang làm việc bình thường, không bị xử lý kỷ luật, không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì việc công ty cho bạn nghỉ việc khi chưa hết hạn hợp đồng là không đúng.

Ngoài ra, với lý do dịch bệnh cần cắt giảm nhân sự, công ty phải đáp ứng về thời gian báo trước cho người lao động để họ có thể chủ động tìm kiếm công việc mới.

Do đó, hành vi công ty bất ngờ thông báo cho bạn nghỉ việc qua email là vi phạm pháp luật.

Bất ngờ bị cho nghỉ việc không lý do, NLĐ phải làm gì? (Ảnh minh họa)

NLĐ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể tiếp tục tới công ty để làm việc do chưa có văn bản, quyết định chính thức. Trường hợp công ty vẫn không đồng ý cho bạn tiếp tục làm việc thì bạn có thể lự chọn các hướng giải quyết sau:

- Nếu như bạn khiếu nại mà công ty vẫn không giải quyết một cách xác đáng, bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đến hòa giải viên lao động yêu cầu giải quyết tranh chấp

Về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên lao động. Đầu tiên, bạn gửi đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động  đến  phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Uỷ ban nhân dân huyện nơi trụ sở công ty. Trong vòng 05 ngày kể từ khi tiếp nhận đơn, Hòa giải viên lao động sẽ tiến hành các thủ tục hòa giải.

- Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thảm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án. Bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện tại địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

 

Quyền lợi của NLĐ khi bị NSDLĐ cho nghỉ việc trái luật thế nào?

Theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, khi NSDLĐ có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

- Phải nhận NLĐ trở lại làm việc và trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

Trường hợp vi phạm về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.

- Nếu NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì phải trả thêm khoản trợ cấp thôi việc;

- Trường hợp cả hai bên không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài các khoản tiền nêu trên, thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Nói tóm lại, bạn có thể tham khảo các căn cứ nêu trên đây để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình khi bất ngờ bị cho thôi việc.

Trên đây là giải đáp về Bất ngờ bị cho nghỉ việc, người lao động phải làm gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Xem thêm: Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X