hieuluat
Chia sẻ email

Bị cảnh sát giao thông giữ bằng lái có nên bỏ bằng để thi lại?

Nhiều trường hợp vi phạm giao thông bị cảnh sát giao thông (CSGT) giữ bằng lái để đảm bảo nghĩa vụ nộp phạt nhưng người vi phạm thì “một đi không trở lại” bởi họ nghĩ rằng số tiền nộp phạt còn nhiều hơn số tiền thi lấy bằng lái mới.

Theo số liệu thống kê từ CSGT trên toàn quốc, hiện nay, số lượng giấy phép lái xe bị thu giữ mà người vi phạm không đến nộp phạt để lấy lại là rất lớn. Một phần lý do đến từ sự thiếu ý thức, cố tình bỏ bằng khi tiền nộp phạt cao hơn tiền thi lại bằng lái xe (chi phí thi lấy bằng khoảng 300.000 đồng); phần khác do quy trình nộp phạt phức tạp, bất tiện, mất thời gian, phải đi lại nhiều lần khiến người vi phạm xuất hiện tâm lý “ngại”.

Tuy nhiên, kể từ khi cơ quan Nhà nước cấp giấy phép lái xe bằng vật liệu PET, mỗi người có 01 số quản lý chung trên cả nước và quy trình xác minh giấy phép lái xe trước khi nâng hạng, đổi, cấp lại rất nghiêm ngặt thì có lẽ, người vi phạm nên thay đổi suy nghĩ bỏ bằng, thi lại mà cần chấp hành các quyết định nộp phạt.

Bị cảnh sát giao thông giữ bằng lái có nên bỏ bằng để thi lại?

Bị cảnh sát giao thông giữ bằng lái có nên bỏ bằng để thi lại?

Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, khi tiếp nhận danh sách đề nghị xác minh giấy phép lái xe đã cấp của cơ sở đào tạo và trước khi duyệt danh sách giấy phép lái xe được nâng hạng, đổi, cấp lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải phải tra cứu và in thông tin về giấy phép lái xe của người xin nâng hạng, đổi, cấp lại giấy phép lái xe từ hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.

Khi chưa có kết quả xác minh giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải không đổi, không cấp lại hoặc không đưa vào danh sách thí sinh được phép dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe 
Như vậy, các thông tin về việc giấy phép lái xe bị thu giữ, cơ quan Nhà nước sẽ hoàn toàn nắm được và người vi phạm không thể tiến hành đổi, cấp mới hay nâng hạng được.

Mặt khác, theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi của các cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đồng thời bị tịch thu các giấy tờ, tài liệu giả mạo.

Vì vậy, để tránh gặp rắc rối với cơ quan Nhà nước, cá nhân vi phạm nên chủ động nộp phạt để lấy lại giấy tờ theo đúng quy định, không nên để bị phát hiện bởi mức phạt sẽ cao hơn nhiều lần. Còn đối với cơ quan Nhà nước, có lẽ đã đến lúc cần có một cơ chế mở hơn, thuận tiện hơn cho người vi phạm đóng phạt.

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X