hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 05/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bốc bát họ là gì? Bốc bát họ có vi phạm pháp luật không?

Bốc bát họ là gì? Bốc bát họ có vi phạm pháp luật không? Mặc dù bốc bát họ là hình thức cho vay khá phổ biến hiện nay nhưng không phải ai cũng thật sự hiểu rõ về hình thức cho vay này. 

Mục lục bài viết
  • Bốc bát họ là gì?
  • Bốc bát họ là gì?
  • Tại sao gọi là bốc bát họ?
  • Luật chơi bốc bát họ quy định thế nào?
  • Điều kiện bốc bát họ ra sao?

Bốc bát họ là gì?

Bốc bát họ là gì?

Pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định rõ bốc bát họ là gì. Hiện nay, pháp luật chỉ quản lý về chơi hụi, họ, biêu, phường, là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam, nay được quản lý theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, hình thức bốc bát họ trên thực tế đa phần lại không tuân theo các quy định của văn bản này mà bị biến tướng.

Theo đó, bốc bát họ đã trở thành một hình thức cho vay tín dụng đen, việc cho vay được thực hiện trên mối quan hệ cá nhân giữa người cho vay và người vay với thủ tục, giấy tờ đơn giản mà không cần thế chấp tài sản.

Điểm đặc biệt của hình thức này đó là thủ tục vay tiền nhanh chóng (vay “nóng”), tuy nhiên lãi suất vay lại cao hơn rất nhiều so với các hình thức cho vay chính thống dưới sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, người vay sẽ trả lãi theo ngày, theo tháng.

Tại sao gọi là bốc bát họ?

Thuật ngữ "bốc bát họ" được dùng dựa trên một trò chơi dân gian của Việt Nam. Theo đó bộ đồ chơi này họ bao gồm 32 quả bát, và mỗi quả bát được ghi một chữ cái được cho vào một túi hoặc một cái hộp, để người chơi có thể bốc lên một cách ngẫu nhiên.

Số người chơi là từ 2 người trở lên.

Dựa trên trò chơi này, bốc bát họ là hình thức vay tiền dựa trên lượt bốc thăm theo số thứ tự trên tổng số người chơi. Về số lượng người chơi là không giới hạn.

Tuy nhiên, thực tế thì bốc bát họ hiện nay đã biến tướng thành hình thức cho vay nặng lãi.

bốc bát họ là gì là không tin không phải ai cũng biết

Không phải ai cũng hiểu rõ bốc bát họ là gì? (Ảnh minh họa)

Luật chơi bốc bát họ quy định thế nào?

Trên thực tế thì luật chơi bốc bát họ khá đơn giản, tuy nhiên vấn đề về lãi theo ngày mới là gánh nặng đối với người chơi.

Theo ngôn ngữ của người chơi bốc bát họ, thì luật bốc bát họ đơn giản là vay 10 nhưng chỉ ăn 8. Có nghĩa, mức vay tối thiểu trong bát họ là 10 triệu đồng nhưng thực tế người vay (người bốc) chỉ được nhận về 8 triệu đồng, đồng thời trả mỗi ngày 200 nghìn trong vòng 50 ngày.

Hiểu rõ hơn là vay 10 triệu, nhưng chỉ được lấy 8 triệu và sẽ trả dần trong 50 ngày và mỗi ngày trả 200.000 đồng. Có nghĩa là mức tiền lãi sẽ là 2 triệu đồng cho 50 ngày. Và nếu trong 50 ngày đó không trả đủ thì bên tổ chức bốc bát họ sẽ xử lý theo hợp đồng.

Nếu bốc bát họ 15 triệu thì người vay chỉ được cầm về 12 triệu, đồng thời đóng mỗi ngày 300.000 đồng trong vòng 50 ngày. Có nghĩa, lãi suất vay 15 triệu trong 50 ngày là 3 triệu đồng.

Nếu bốc bát họ 20 triệu, người vay chỉ cầm về 16 triệu và phải đóng tới 400k/ngày, trong 50 ngày. Mức lãi suất khi vay 20 triệu trong 50 ngày là 4 triệu đồng.

Mức lãi cố định trong bốc bát họ là 20% trong 50 ngày.

Dù mức lãi suất được cho là “cắt cổ” nhưng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng nên nhiều người vẫn chọn hình thức vay này.

thành viên dây họ phải đáp ứng điều kiện quy định

Điều kiện bốc bát họ ra sao?

Theo Nghị định 19/2019, muốn tham gia một dây họ, phải là người từ đủ 18  tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Ngoài ra, thành viên dây họ phải đáp ứng các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.

Pháp luật cũng yêu cầu, thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu. Thỏa thuận này phải có các nội dung sau:

- Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ họ (nơi chủ họ thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống);

- Số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên;

- Phần họ;

- Thời gian diễn ra dây họ, kỳ mở họ;

- Thể thức góp họ, lĩnh họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bốc bát họ có thủ tục tương đối đơn giản, do là hình thức vay tín dụng đen biến tướng, người vay có thể nhận được tiền nhanh chóng và chỉ cần cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc xác nhận nhân thân, gồm:

- Các loại giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe.

- Sổ hộ khẩu (có thể chỉ cần bản photo)

- Giấy tờ ký kết liên quan đến việc bốc bát họ.

Theo đó, đối với các loại giấy tờ khác nhau thì mức vay cũng khác nhau :

- Đối với chứng minh nhân dân/căn cước công dân và hộ khẩu (photo): Hạn mức vay có thể căn cứ trên công việc và ngôi nhà mà người vay đang sơ hữu.

Người vay chỉ cần mang sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân đến nơi cho vay sau đó sẽ có người thẩm định hồ sơ để quyết định hạn mức cho vay. Hồ sơ sau khi được xác nhận người vay sẽ nhận được tiền ngay lập tức

- Trường hợp có hộ khẩu gốc kèm chứng minh nhân dân/căn cước công dân photo: Hạn mức vay có thể lên tới 30 triệu đồng. Sau khoảng thời gian 50 ngày, người vay phải thanh toán số tiền đó theo đúng quy định.

Quy định về lãi suất bốc bát họ

Điều 21 Nghị định 19 quy định rõ về lãi suất khi chơi họ như sau:

Điều 21. Lãi suất trong họ có lãi

1. Lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.

2. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, pháp luật "khoán" mức lãi suất là 20%/năm đối với việc chơi họ.

Tuy nhiên, hầu hết các dây họ không tuân theo quy định này. Thông thường, với hình thức vay bốc bát họ, người vay sẽ đặt ra lãi suất vay, thường là rất cao. Khi bốc bát họ, tiền lãi của người vay sẽ bị trừ luôn khi vay như là một dạng trả lãi trước và người vay sẽ không thể vay toàn bộ số tiền muốn vay.

Ví dụ, trong bốc bát hộ, số tiền vay tối thiều là 10 triệu, khi đó người vay thường chỉ có thể cầm về 08 triệu, số tiền bị giữ lại là 20%. Do bốc bát họ là vay tiền trong thời gian ngắn nên thường trong vòng 30-50 là người vay sẽ phải trả tiền vay. Đối với trường hợp người có nhu cầu vay nhiều hơn thì thủ tục cũng sẽ chặt chẽ hơn và cần xác minh địa chỉ nhà ở, tài sản,…

Về lãi suất trong bốc bát họ cũng sẽ dựa vào số tiền vay, với số tiền ít thì lãi suất sẽ thấp, số tiền nhiều thì lãi suất sẽ cao. Mức lãi suất này các địa điểm bốc bát họ cũng có thể khác nhau.

Ví dụ:

- Bạn vay 30 triệu thì số tiền được cầm về là 25 triệu. Trong 50 ngày kế tiếp, bạn phải trả lãi suất 500.000/ngày.

- Bạn vay số tiền là 40 triệu thì bạn được cầm về 35 triệu. Cũng thời gian 50 ngày tiếp bạn phải trả đủ tiền vay gốc, trả lãi 600.000/ngày.

tiền lãi của người vay sẽ bị trừ luôn khi vay như là một dạng trả lãi trước  Khi bốc bát họ, tiền lãi của người vay sẽ bị trừ luôn khi vay như là một dạng trả lãi trước.

Những rủi ro khi bốc bát họ

Nếu tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, bốc bát họ về cơ bản không có nhiều rủi ro. Bởi các điều kiện về lãi suất, hình thức, điều kiện... đều được quy định cụ thể.

Tuy nhiên, với những hình thức bốc bát họ biến tướng, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro:

- Lãi suất quá cao;

- Nếu không trả được có thể bị đòi nợ gắt gao theo kiểu xã hội đen.

Khi bốc bát họ là người vay thường có khó khăn lớn về kinh tế mà cần tiền gấp, không thể vay tiền ở các kênh chính thống. Tuy nhiên với lãi suất cho vay "cắt cổ" khi bốc bát họ thường khiến người vay càng thêm bế tắc. Lãi suất hôm nay không trả được sẽ bị dồn sang ngày kế tiếp, cứ một vòng tuần hoàn như vậy khiến người vay không có khả năng thanh toán.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp không thể trả nợ và bị bên cho vay đến siết nợ, tịch thu tài sản, thậm chí bị đe dọa, xúc phạm nặng nề từ bên cho vay.

Vì thế, trước khi quyết định bốc bát họ bạn cần cân nhắc kỹ mình có thể trả được nợ không, có chịu được rủi ro hay không? Sau đó mới quyết định tham gia hình thức vay nặng lãi biến tướng này hay không.

Pháp luật có cho phép cho vay theo kiểu bốc bát họ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất vay như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định.

Theo đó, pháp luật cho phép các bên khi cho vay được tự thỏa thuận về lãi suất vay và có giới hạn mức tối đa là 20%/năm.

Tuy nhiên các tổ chức cho vay theo kiểu bốc bát họ trên thực tế đang đẩy tiền lãi lên 20%/30 - 50 ngày, tương đương 160 - 240%/năm. Do đó, pháp luật không cho phép vay theo kiểu bốc bát họ.

Xử lý hành vi tổ chức bốc bát họ ra sao?

Xử lý hành chính

Theo điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu người cho vay không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là gấp đôi so với cá nhân, ở mức từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Xử lý hình sự

Theo phân tích ở trên, pháp luật cho phép các bên được tự thỏa thuận về lãi suất vay với mức tối đa 20%/năm.

Mặt khác, tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo các căn cứ trên, có thể thấy trường hợp cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên mà:

- Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng – dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích: Bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên: Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm...

Để xác định hành vi cho vay dưới hình thức bốc bát họ có vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cần căn cứ vào mức lãi suất cho vay có vượt quá mức pháp luật cho phép để nhằm thu lợi bất chính hay không?

Trên đây là giải đáp về Bốc bát họ là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất hoặc liên hệ  19006199 để được hỗ trợ ngay.

Có thể bạn quan tâm

X