hieuluat
Chia sẻ email

Cách tính tiền thai sản khi sinh con 2024 thế nào chuẩn nhất?

Không phải người lao động nào cũng biết cách tính tiền thai sản khi sinh con theo quy định hiện nay. Nếu chưa nắm rõ các quy định, xin mời bạn đọc tham khảo nội dung giải đáp dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Điều kiện hưởng chế độ thai sản năm 2023?
  • Cách tính tiền thai sản khi sinh con năm 2023 chuẩn?
  • Cách tính tiền thai sản khi sinh thường
  • Tính tiền thai sản thế nào khi sinh mổ?
  • Cách tính tiền thai sản khi sinh đôi

Điều kiện hưởng chế độ thai sản năm 2024?

Liên quan đến điều kiện hưởng chế độ thai sản của người lao động, Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người nào thuộc một trong các trường hợp dưới đây sẽ được hưởng chế độ thai sản:

- Lao động nữ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mang thai;

- Lao động nữ sinh con mà:

  • Đã có từ 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh, hoặc;
  • Đã đóng từ đủ 12 tháng tiền bảo hiểm xã hội trở lên mà khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai và đóng tối thiểu 03 tháng bảo hiểm trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh.

- Lao động nữ mang thai hộ cùng người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm tối thiểu 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh.

- Trường hợp nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: người lao động đã đóng ít nhất 06 tháng tiền bảo hiểm xã hội trong vòng 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.

- Lao động nữ đang đóng bảo hiểm xã hội mà phải đặt vòng tránh thai;

- Người lao động đang đóng bảo hiểm bắt buộc và tiến hành triệt sản.

- Lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội mà có vợ sinh con.

Cách tính tiền thai sản khi sinh con năm 2024 chuẩn?

Cách tính tiền thai sản khi sinh thường

Khi sinh con, người lao động được nghỉ làm và nhận tiền thai sản. Liên quan đến cách tính tiền thai sản khi sinh thường, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chỉ rõ người lao động được nhận những khoản tiền sau:

Thứ nhất, tiền trợ cấp một lần

Tại Điều 38 Luật này, lao động nữ sinh con sẽ được nhận khoản trợ cấp một lần bằng 2 lần lương cơ sở tính cho mỗi con.

Thứ hai, tiền chế độ thai sản

Theo Điều 39, tiền chế độ thai sản cho thời gian nghỉ sinh của người lao động được tính như sau:

Mức hưởng =

100%

x

Mức bình quân 06 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ x Thời gian nghỉ thai sản

Lưu ý: Căn cứ Điều 34 Luật này, thời gian nghỉ thai sản của người lao động thông thường là 6 tháng. Tuy nhiên nếu lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, người đó được cộng thêm 01 tháng nghỉ sinh.

Thứ ba, tiền dưỡng sức sau sinh

Đây là khoản tiền dành cho lao động nữ đã quay trở lại làm việc, nhưng trong 30 ngày đầu tiên kể từ ngày quay đi làm lại thì sức khỏe chưa đảm bảo.

Nếu rơi vào trường hợp này, người lao động sinh thường sẽ được nghỉ 05 ngày, tiền dưỡng sức sau sinh sẽ được tính bằng: 5 ngày x 30% x Mức lương cơ sở

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng. Do vậy, các khoản trợ cấp khi sinh con được tính như sau:

- Tiền trợ cấp một lần: người lao động sẽ được nhận 2 x 1,8 triệu đồng = 3,6 triệu đồng

- Tiền dưỡng sức: người lao động sinh con trong trường hợp thông thường sẽ được nhận 5 ngày x 30% x 1,8 triệu = 2,7 triệu đồng.

Hướng dẫn cách tính tiền thai sản khi sinh con năm 2023

Hướng dẫn cách tính tiền thai sản khi sinh con năm 2023 (Ảnh minh họa)

Tính tiền thai sản thế nào khi sinh mổ?

Khi sinh mổ, người lao động được hưởng tiền trợ cấp một lần, tiền chế độ thai sản và tiền dưỡng sức sau sinh. Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, cách tính tiền thai sản sinh mổ được quy định cụ thể như sau:

- Tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Theo nội dung Điều 38, công thức tính tiền trợ cấp một lần mà lao động nữ sinh con được nhận là:

Trợ cấp một lần = 2 x Mức lương cơ sở

Kể từ ngày 01/7 năm nay, lao động nữ sinh con sẽ được nhận 3,6 triệu đồng tiền trợ cấp một lần.

- Tiền chế độ thai sản

Theo Điều 39, công thức tính tiền chế độ thai sản là:

Mức hưởng

=

100%

x

Mức bình quân 06 tháng tiền lương trích bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ

x

6 tháng

- Tiền dưỡng sức sau sinh

Nghỉ dưỡng sức sau sinh là chế độ dành cho lao động nữ quay trở lại làm việc. Theo khoản 2 Điều 41 của Luật này, nếu trong thời gian 30 ngày mà người lao động sinh mổ quay trở lại làm việc nhưng nhận thấy sức khỏe chưa hồi phục, người đó được nghỉ tối đa 07 ngày.

Mức hưởng dưỡng sức sau sinh của người lao động sinh mổ = 7 ngày x 30% x Mức lương cơ sở

Trong đó, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng.

Như vậy người lao động sinh mổ có thể nhận tiền dưỡng sức là  là 3,78 triệu đồng.

Cách tính tiền thai sản khi sinh đôi

Khi sinh đôi, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi hơn thông thường. Cách tính tiền thai sản sinh đôi hiện nay được quy định cụ thể như sau:

Tiền trợ cấp một lần

Tiền trợ cấp thai sản một lần đối với người lao động trong trường hợp thông thường được tính là 02 lần tiền lương cơ sở đối với mỗi con sinh ra (Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Như vậy, người lao động sinh đôi sẽ nhận được gấp đôi khoản trợ cấp này, tức là 04 lần tiền lương cơ sở tại thời điểm sinh con. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, cho nên tiền trợ cấp thai sản một lần cho người lao động sinh đôi sẽ lên tới 7,2 triệu đồng.

Tiền thai sản được nhận

Dựa vào nội dung Điều 39 và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động nữ sinh đôi được nghỉ 07 tháng hưởng chế độ thai sản nên mức hưởng thai sản được nhận là:

Mức hưởng

=

100% Bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm liền kề trước khi nghỉ

x

07 tháng

Từ công thức này, người lao động áp dụng mức lương bình quân đóng bảo hiểm của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ của mình để tìm ra mức hưởng thai sản chuẩn.

Tiền dưỡng sức cho lao động sinh đôi

Chế độ dưỡng sức áp dụng cho người lao động phục hồi sức khỏe sau sinh. Theo đó, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động sinh đôi chưa ổn định, phục hồi thì có thể nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.

Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động sinh đôi sẽ được hưởng mức bằng 30% mức lương cơ sở hiện hành.

Đặc biệt, trường hợp người lao động sinh đôi được nghỉ dưỡng sức được nhận tổng số tiền là 5,4 triệu đồng (10 ngày x 30% x 1,8 triệu đồng).

Cách tính tiền thai sản khi người lao động sinh đôi có gì khác?
Cách tính tiền thai sản khi người lao động sinh đôi có gì khác?

Cách tính tiền thai sản cho lao động nam có vợ sinh con

Chế độ thai sản cho chồng hiện nay ngoài các quy định về ngày nghỉ thì còn có quy định về hưởng tiền thai sản. Cụ thể:

*Trường hợp vợ có tham gia bảo hiểm xã hội

- Tiền thai sản của lao động nam

Đối với nam giới được hưởng tiền thai sản khi vợ sinh con, mức hưởng được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

Mức hưởng

=

Số ngày nghỉ

x

100% Mức bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ

:

24

Lưu ý: 

- Trường hợp tổng thời gian tham gia BHXH của lao động nam ít hơn 06 tháng thì mức bình quân tiền lương nêu tại công thức trên sẽ tính trên toàn bộ số tháng đã đóng bảo hiểm.

- Trừ trường hợp dùng ngày nghỉ phép năm để nghỉ thai sản theo quy định tại Điều 113, 114 B lut Lao động hiện hành, những ngày lao động nam nghỉ thai sản sẽ không được trả lương.

Tiền trợ cấp một lần

Điều 38 tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định, trường hợp sinh con mà chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì với mỗi con, người cha sẽ được nhận trợ cấp bằng 2 lần lương cơ sở tính tại tháng sinh con.

Tức là tiền trợ cấp một lần của lao động nam = 2 x Mức lương cơ sở

Như vậy, bạn có thể nhận 3,6 triệu đồng khi vợ sinh con.

*Trường hợp vợ không có bảo hiểm xã hội

- Tiền thai sản cho chồng

Theo Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014, khi vợ của lao động nam sinh con nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội thì tiền thai sản của chồng được tính theo công thức:

Mức hưởng

=

Mức bình quân 6 tháng tiền lương

:

24

x

100%

x

Số ngày được nghỉ

Cần chú ý, trường hợp người chồng chưa đóng đủ 6 tháng tiền bảo hiểm xã hội thì mức bình quân tiền lương sẽ tính trên tất cả các tháng đã đóng bảo hiểm.

- Tiền trợ cấp một lần cho chồng

Cũng tương tự như trường hợp lao động nữ nhận trợ cấp một lần, lao động nam có thể nhận khoản tiền này với mức bằng 02 lần lương cơ sở tính tại tháng mà người vợ sinh con.

Vợ sinh con, chồng được hưởng những khoản tiền thai sản nào?
Vợ sinh con, chồng được hưởng những khoản tiền thai sản nào?

Làm sao để nhận tiền thai sản sau khi sinh?

Đối với lao động nam và lao động nữ, nếu đáp ứng được các điều kiện hưởng chế độ thai sản thì có thể nộp hồ sơ thai sản theo hướng dẫn tại Quyết định 166/QĐ-BXHH ban hành năm 2019 và Quyết định 222/QĐ-BHXH như sau:

Đối với lao động nữ

- Trường hợp sinh con thông thường, mẹ chuẩn bị một trong ba loại giấy tờ sau (bản sao):

  • Giấy khai sinh;
  • Trích lục khai sinh;
  • Giấy chứng sinh.

- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai, lao động nữ chuẩn bị thêm một trong các giấy tờ nêu dưới đây:

  • Điều trị nội trú: Giấy ra viện/Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án (bản sao) có ghi rõ nội dung nghỉ dưỡng thai.
  • Nếu điều trị ngoại trú: chuẩn bị Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (có nội dung ghi rõ nghỉ dưỡng thai);
  • Nếu người lao động phải tiến hành giám định y khoa: chuẩn bị Biên bản giám định.

- Trường hợp con chết sau sinh, lao động nữ chuẩn bị thêm những giấy tờ sau:

  • Bản sao Giấy chứng tử/Tờ trích lục khai tử/Giấy báo tử;
  • Nếu con chết mà chưa có giấy chứng sinh: Giấy ra viện/Bản tóm tắt hoặc trích sao hồ sơ bệnh án (trong các giấy tờ này phải ghi rõ là con chết).

- ….

Đối với lao động nam

- Đối với người chồng đang tham gia bảo hiểm xã hội mà có vợ sinh con, có thể làm hồ sơ nghỉ hưởng chế độ thai sản:

  • Bản sao của Giấy khai sinh/Giấy chứng sinh/Tờ trích lục khai sinh;
  • Trường hợp vợ phải phẫu thuật khi sinh hoặc con sinh non (dưới 32 tuần tuổi) nhưng giấy chứng sinh không thể hiện: Giấy tờ của bệnh viện xác nhận tình trạng này.
  • Nếu con chết ngay sau sinh mà chưa có Giấy chứng sinh: Giấy ra viện/Bản tóm tắt hoặc trích sao hồ sơ bệnh án (trong các giấy tờ này phải ghi rõ là con chết).

- Trường hợp người chồng được hưởng tiền trợ cấp thai sản một lần thì cần giấy tờ sau:

  • Bản sao của Giấy khai sinh/Giấy chứng sinh/Tờ trích lục khai sinh
  • Nếu con chết ngay sau sinh mà chưa có Giấy chứng sinh: Giấy ra viện/Bản tóm tắt hoặc trích sao hồ sơ bệnh án (trong các giấy tờ này phải ghi rõ tình trạng là con chết).

Người lao động sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nêu trên thì đưa toàn bộ cho bên sử dụng lao động. Bên sử dụng lao động sẽ lập Danh sách đề nghị hưởng chế độ thai sản theo mẫu gửi cho cơ quan bảo hiểm. và chờ giải quyết hồ sơ trong thời gian tối đa 10 ngày.

Cách tính tiền thai sản trong một số trường hợp đặc biệt

Cách tính tiền thai sản của giáo viên có gì khác?

Giáo viên hiện nay khi nghỉ thai sản được hưởng tiền trợ cấp thai sản, tiền trợ cấp một lần và tiền nghỉ dưỡng sức.

Tuy nhiên, khác với người lao động thông thường thì giáo viên còn được hưởng thêm một khoản phụ cấp. Theo đó, giáo viên (kể cả đang thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế tại các cơ sở giáo dục công lập thì khi nghỉ thai sản sẽ được nhận thêm phụ cấp ưu đãi nghề.

Mức phụ cấp ưu đãi nghề giáo viên nữ được nhận bằng:

Mức hưởng =

Mức lương tối thiểu chung

x

[Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]

x

Tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi

Lưu ý, giáo viên sẽ không được nhận phụ cấp ưu đãi nghề nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Giáo viên là viên chức công tác tại vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn (Căn cứ: khoản 3 Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP);

- Giáo viên nghỉ thai sản vượt quá thời gian quy định theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

  • Sinh 01 con: nghỉ 06 tháng;
  • Sinh đôi trở lên: từ con thứ 2, mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

>>>Xem tiếp: Cách tính tiền thai sản cho giáo viên chuẩn nhất thế nào?

Cách tính tiền thai sản của giáo viên có gì khác?

Cách tính tiền thai sản của giáo viên có gì khác?

Tiền tã lót thai sản 2024 được tính thế nào?

Tiền tã lót thai sản thực chất không hề xuất hiện trong các văn bản pháp luật, đây chỉ là một cách gọi thông thường khi nhắc đến tiền trợ cấp thai sản.

Từ nội dung Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội có thể thấy, lao động nữ sinh con được nhận tiền tã lót thai sản bằng 02 lần lương cơ sở tại tháng sinh con.

Ngoài ra, trường hợp sinh con mà chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội thì khoản này người cha sẽ được nhận.

Để tính tiền tã lót thai sản, ta cần tìm được mức lương cơ sở áp dụng tại thời điểm sinh con.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng.

Suy ra, tiền tã lót thai sản (hay chính là tiền trợ cấp thai sản) là: 1,8 triệu đồng x 2 = 3,6 triệu đồng.

Lưu ý: Cách tính trợ cấp thai sản nêu trên áp dụng đến hết 30/6/2024. Từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở, khi đó sẽ có văn bản hướng dẫn các loại trợ cấp khi nghỉ thai sản. HieuLuat sẽ cập nhật khi có thông tin mới nhất.

Trên đây là cách tính tiền thai sản khi sinh con. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng gửi câu qua hotline  19006199 để được hỗ trợ chi tiết hơn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X