hieuluat
Chia sẻ email

Toàn bộ quy định về chế độ bệnh nghề nghiệp 2022

Với người lao động làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc các yếu tố có hại, nguy hiểm thì chế độ bệnh nghề nghiệp là một trong những khoản bù đắp về chi phí điều trị và tinh thần cho họ. Vậy, chế độ bệnh nghề nghiệp 2022 thế nào?

Mục lục bài viết
  • Hiểu như thế nào về bệnh nghề nghiệp? Ai được hưởng chế độ?
  • Người lao động đã nghỉ việc được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp không?
  • Khi nào bắt đầu tính thời điểm hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp?
  • Bị bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ bao nhiêu?
  • Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau điều trị bệnh tật

Hiểu như thế nào về bệnh nghề nghiệp? Ai được hưởng chế độ?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat. Cho tôi hỏi, bệnh nghề nghiệp là gì? Những ai phải đóng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp? - Nguyễn Hòe (Gia Lai).

Trả lời:

Theo khoản 9 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Do đó, có thể hiểu người lao động làm việc trong môi trường công việc có tính chất độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Cũng theo khoản 1 Điều 43 Luật này, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là đối tượng áp dụng chế độ bệnh nghề nghiệp, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, không xác định thời hạn.

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 - 03 tháng.

- Cán bộ, công chức, viên chức.

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn…

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương…

Chế độ bệnh nghề nghiệp: Điều kiện, mức hưởng và thủ tục (Ảnh minh họa)


Người lao động đã nghỉ việc được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp không?

Câu hỏi: Tôi làm công nhân tại công ty sản xuất linh kiện. Do thời gian tiếp xúc với máy móc nhiều, gần đây sức khỏe tôi rất yếu nên đã xin nghỉ việc đi viện điều trị. Sau khi đi khám, giám định sức khỏe bị suy giảm khả năng lao động 6%. Bạn tôi có nói tôi làm hồ sơ xin hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp vì trước đó đã đóng bảo hiểm. Xin hỏi, trường hợp của tôi đã nghỉ việc có được hưởng không? - Trịnh Đăng (Thái Nguyên).

Trả lời:

Căn cứ Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp.

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh theo danh mục quy định trên.

Bên cạnh đó, Điều luật này còn quy định như sau:

Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Điều 8 Nghị định 88/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ:

- Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp do các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm việc gây nên thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ.

- Người lao động được hưởng các chế độ bệnh nghề nghiệp như trên khi có đủ các điều kiện:

+ Phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong khoảng thời gian bảo đảm.

+ Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm nghề, công việc gây ra bệnh nghề nghiệp.

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, người lao động đã nghỉ việc khi đáp ứng đủ các yêu cầu như trên thì vẫn được hưởng chế độ bệnh bệnh nghề do quỹ bảo hiểm chi trả theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP.


Khi nào bắt đầu tính thời điểm hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp?

Câu hỏi: Cho em hỏi, thời điểm hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được tính từ khi nào? Em cảm ơn! - Hắc Hoa (hoanghoahac…@gmail.com).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Luật An toàn vệ sinh lao động, thời điểm hưởng trợ cấp như sau:

- Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

- Trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị với bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

- Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề.

Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Ảnh minh họa)


Bị bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ bao nhiêu?

Câu hỏi: Tôi làm công nhân lưu thông chất thải của xí nghiệp sản xuất thực phẩm, đã đóng bảo hiểm được 4 năm. Gần đây em bị bệnh phải xin nghỉ đi khám và nhập viện do nhiễm độc. Xin hỏi, em bị bệnh trong quá trình làm việc được trợ cấp bao nhiêu? - Đinh Dũng (Đồng Nai).

Trả lời:

Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, người lao động được hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao động khi bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra nếu tham gia bảo hiểm xã hội còn được hưởng chế độ của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Mức hỗ trợ của doanh nghiệp

- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị bệnh nghề nghiệp như sau:

+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

- Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

- Bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Trợ cấp từ quỹ bảo hiểm

Trợ cấp một lần (suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30%)

+ Mức hưởng bằng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

+ Được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động: Từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng.

Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.

Trợ cấp hàng tháng (suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên)

+ Mức hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

+ Hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%.

Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.

Trợ cấp phục vụ (bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần), hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn.

Trợ cấp một lần khi người lao động chết

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở 2022 là 1,49 triệu đồng. Do đó, mức trợ cấp một lần được nhận = 36 x 1.490.000 = 53,64 triệu đồng.


Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau điều trị bệnh tật là gì?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, cho em hỏi để được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp bao nhiêu ngày? Điều kiện hưởng chế độ là gì? - Lưu Huyền (Cần Thơ).

Trả lời:

Theo Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động, người lao động sau khi điều trị ổn định do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Thời gian nghỉ từ 05 - 10 ngày cho một lần bị bệnh nghề nghiệp. Số ngày quy định như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.

- Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%.

- Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức

Người lao động nghỉ dưỡng sức sau điều trị bệnh nghề nghiệp được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Vậy, mức hưởng 01 ngày = 30% x 1.490.000 = 447.000 đồng.

Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp (Ảnh minh họa)


Làm thế nào để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp?

Câu hỏi: Em đang làm hồ sơ xin hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp tuy nhiên không biết đã đủ giấy tờ chưa. Cho em hỏi, để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cần những giấy tờ gì, sau bao lâu thì được nhận trợ cấp. - Nguyễn Thành (Đồng Nai).

Trả lời:

Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 58 Luật An toàn vệ sinh lao động, hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm có:

- Sổ bảo hiểm xã hội.

- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp. Trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

Thời gian giải quyết hưởng trợ cấp

- Người mắc bệnh nghề nghiệp chuẩn bị đủ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.

- Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho người lao động.

Trên đây là toàn bộ thông tin về chế độ bệnh nghề nghiệp. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Xem thêm:

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X