hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 15/06/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chung cư bị thấm dột, chi phí sửa chữa tính thế nào?

Hiện nay, xu hướng lựa chọn ở nhà chung cư ngày càng phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nhiều chung cư bị tình trạng thấm dột từ tầng trên xuống tầng dưới. Trong tình huống này, trách nhiệm sửa chữa thuộc về ai?

1. Chung cư bị thấm dột, ai phải chịu trách nhiệm?

Theo quy định tại Điều 85 Luật Nhà ở 2014, tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định về xây dựng. Cũng tại khoản 2 Điều này, thời gian bảo hành tính từ khi hoàn thành việc xây dựng, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với nhà chung cư: Tối thiểu 60 tháng;

- Đối với nhà ở riêng lẻ: Tối thiểu 24 tháng.

Trong đó, các hạng mục bảo hành nhà bao gồm:

- Sửa chữa các hư hỏng phần khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước, hệ thống thoát nước thải;

- Khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;

- Các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê nhà ở cần bảo hành, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.

Như vậy, khi chung cư bị thấm dột, nếu còn thời gian bảo hành, thì chủ đầu tư, đơn vị phụ trách thi công phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục tình trạng này. Trong trường hợp, đã quá hạn bảo hành nêu trên thì chủ căn hộ chung cư phải chịu chi phí sửa chữa này.

Chung cư bị thấm dột, chi phí sửa chữa tính thế nào (Ảnh minh họa)

Chung cư bị thấm dột, chi phí sửa chữa tính thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Nhà trên thấm dột xuống nhà dưới, chi phí sửa chữa tính thế nào?

Căn cứ theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, trong quá trình quản lý, sử dụng nhà cửa mà chủ sở hữu, người được giao quản lý nhà gây thiệt lại cho người khác thì phải có trách nhiệm bồi tường thiệt hại đó. Còn khi thiệt hại đó do lỗi của người thi công thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường (bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc), phương thức bồi thường (một lần hoặc nhiều lần).

Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định gồm: Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hạị…

Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, hành vi gây thấm, dột căn hộ, nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 10–20 triệu đồng.

Vậy, khi chung cư bị thấm dột, cần lưu ý các vấn đề về thời gian bảo hành, trách nhiệm thuộc về ai để cùng đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng.

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X