hieuluat
Chia sẻ email

Thủ tục chuyển khẩu từ quận này sang quận khác tại Hà Nội

Để thuận lợi hơn cho công việc, học tập và sinh hoạt mà không ít gia đình ở Hà Nội có nhu cầu chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác. Vậy thủ tục chuyển khẩu từ quận này sang quận khác cần những gì?

Căn cứ:

- Luật Cư trú số 81/2006/QH11;

- Luật Cư trú sửa đổi số 36/2013/QH13;

- Thông tư 35/2014/TT-BCA.

Chuyển hộ khẩu từ quận (huyện) này sang quận (huyện) khác bao gồm 03 thủ tục cắt khẩu (cấp Giấy chuyển hộ khẩu), nhập khẩu (đăng ký thường trú) và xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ. Cụ thể, thủ tục được tiến hành như sau:

1. Thủ tục cắt khẩu (cấp Giấy chuyển hộ khẩu)

* Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, nội dung: cấp Giấy chuyển hộ khẩu;

- Sổ hộ khẩu (hoặc Sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).

* Nộp hồ sơ

Hồ sơ nộp tại: Công an quận, huyện, thị xã nơi chuyển đi.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ bổ sung đầy đủ;

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an phải cấp Giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.

*Nhận kết quả (nhận Giấy chuyển hộ khẩu):

Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận, cán bộ trả kết quả yêu cầu ký nhận, trả giấy chuyển hộ khẩu và hồ sơ cho người đến nhận kết quả.

Huong dan chuyen khau tu quan nay sang quan khac tai Ha Noi

Thủ tục chuyển khẩu từ quận này sang quận khác tại Hà Nội (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục nhập khẩu (đăng ký thường trú)

Sau khi được cấp giấy chuyển hộ khẩu, công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại quận mới như sau:

* Chuẩn bị hồ sơ:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Bản khai nhân khẩu đối với công dân từ 14 tuổi trở lên;

- Giấy chuyển hộ khẩu;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên.

Trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường về điều kiện diện tích tối thiểu theo quy định của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND được kéo dài thời gian áp dụng theo Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND thì diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú tại nội thành TP. Hà Nội đến hết năm 2020 tối thiểu là 15m2 sàn/đầu người.

* Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tại Công an quận sẽ chuyển đến của Hà Nội

- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận;

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

- Thời hạn giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

* Nhận kết quả

- Trường hợp được giải quyết đăng ký thường trú:

Nộp lệ phí và nhận hồ sơ; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong Sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào Sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).

- Trường hợp không giải quyết đăng ký thường trú:

Nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký cư trú và ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào Sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

3. Thủ tục xóa đăng ký thường trú

* Xóa đăng ký thường trú là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú xóa tên người đã đăng ký thường trú trong Sổ hộ khẩu và Sổ đăng ký thường trú.

Như vậy trường hợp đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.

Hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký thường trú.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong sổ đăng ký thường trú và trong sổ hộ khẩu;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xóa đăng ký thường trú, Công an quận điều chỉnh hồ sơ đăng ký thường trú trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu, thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an phường nơi có người bị xóa đăng ký thường trú.

Xem thêm:

Điều kiện và thủ tục đăng ký thường trú tại Hà Nội

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X