hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 22/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có việc làm ổn định có phải đi nghĩa vụ quân sự?

Mỗi công dân khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự với đất nước. Vậy trường hợp người đang có công việc ổn định có phải đi nghĩa vụ quân sự hay không?
Mục lục bài viết
  • Nghĩa vụ quân sự là gì?
  • Đi làm công ty có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
  • Vậy đi nghĩa vụ quân sự về có bị mất việc làm không?
  • Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt thế nào?
Câu hỏi: Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, em có một thắc mắc xin được giải đáp như sau:

Em tên là Hoàng, năm nay 24 tuổi và hiện tại đang làm kỹ thuật tại một Công ty Cơ khí. Mấy hôm trước bố mẹ em gọi về quê để đi khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh của địa phương.

Vậy cho em hỏi em đang đi làm ổn định tại công ty thì có phải đi nghĩa vụ quân sự không ạ? Nếu đi nghĩa vụ thì về em có bị mất việc làm không ạ? Nếu như em không muốn đi thì bị xử phạt như thế nào ạ? Em xin cảm ơn!

Trả lời:

Nghĩa vụ quân sự là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 giải thích:

“Điều 4. Nghĩa vụ quân sự

1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.”

nghia vu quan su la gi
Nghĩa vụ quân sự là gì? (Ảnh minh họa)

Do đó, khi đến độ tuổi theo quy định, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong đó, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo Điều 30 Luật này là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.


Đi làm công ty có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, điểm c khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019 và Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BTP quy định thì các trường hợp được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ bao gồm:

Tạm hoãn gọi nhập ngũ

- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) xác nhận;

- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;

- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

- Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo;

- Dân quân thường trực.

Miễn gọi nhập ngũ

- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Theo đó, chỉ khi công dân thuộc vào các trường hợp trên thì mới được tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, trường hợp của bạn thì bạn đang đi làm công ty và không thuộc trường hợp được tạm hoãn, miễn nghĩa vụ thì bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự cho dù bạn đang có công việc ổn định.

Đi nghĩa vụ quân sự về có bị mất việc làm không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

“Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.”

tham gia nghia vu quan su ve co bi mat viec lam khong
Tham gia nghĩa vụ quân sự khi đang có công việc ổn định về có bị thất nghiệp không? (Ảnh minh họa)

Theo quy định trên, khi thuộc vào các trường hợp này thì người lao động được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, trong thời gian bạn tham gia nghĩa vụ quân sự thì hợp đồng lao động mà bạn đang thực hiện sẽ được tạm hoãn lại nên bạn sẽ không bị mất việc làm.

Về quyền lợi trong quá trình tạm hoãn hợp đồng theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 thì bạn sẽ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động.

Căn cứ Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 về nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động quy định:

“Điều 31. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”

Do đó, khi hết thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí công việc như đã giao kết trong hợp đồng trước đó cho người lao động; còn người lao động cũng phải quay lại làm việc trong thời hạn nhất định.

Trường hợp người sử dụng lao động không bố trí được công việc như đã giao kết thì hai bên có thể thỏa thuận để thực hiện công việc mới và tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động mới.

Như vậy, khi đi nghĩa vụ quân sự bạn sẽ không bị mất việc và trong thời hạn 15 ngày kể từ khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì bạn phải quay lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết. Công ty cũng sẽ có trách nhiệm nhận lại bạn và sắp xếp, bố trí công việc cho bạn.


Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt thế nào?

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 giải thích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 10 Luật này cũng quy định trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, nếu bạn có ý định trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự vì bất kỳ lý do gì thì cũng sẽ phải gánh chịu chế tài theo quy định pháp luật, bao gồm xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Tùy theo hành vi vi phạm của bạn là ở giai đoạn đăng ký, sơ tuyển hay giai đoạn kiểm tra, khám sức khỏe,… thì mức phạt sẽ khác nhau và được quy định lần lượt tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

“Điều 4. Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định;

c) Không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định;

d) Không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vào ngạch dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Điều 5. Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

…”

Như vậy, mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy hành vi và mức độ vi phạm.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

“Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.”

tron nghia vu quan su xu ly the nao
Trốn nghĩa vụ quân sự khi đang có công việc ổn định xử lý thế nào?(Ảnh minh họa)

Theo đó, bạn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm tù hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu trốn nghĩa vụ đã bị xử phạt hành chính như trên hoặc từng bị kết án về tội trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng chưa được xóa án tích. Còn mức phạt tù từ 01 đến 05 năm tù áp dụng khi thuộc các trường hợp đã nêu trên.

Nói tóm lại, không phân biệt bạn đang làm việc tại đâu chỉ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một thời gian. Khi đó hợp đồng lao động bạn đang thực hiện sẽ được tạm hoãn, hết thời hạn đó bạn vẫn được quay trở lại làm việc bình thường. Nếu bạn trốn nghĩa vụ thì sẽ bị xử phạt hành chính rất nặng và thậm chí chịu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi có việc làm ổn định có phải đi nghĩa vụ quân sự? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X