hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 21/01/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đi đến đâu để bỏ phiếu bầu cử? Có cần về quê không?

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đang đến gần, do đó có không ít thắc mắc liên quan đến việc tham gia bầu cử. Trong đó có bỏ phiếu bầu cử ở đâu?

Mục lục bài viết
  • Đi bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội ở đâu?
  • Không bỏ phiếu bầu cử ở quê có được không?
  • Vừa chuyển nơi sinh sống có được đi bầu cử tại nơi ở mới?
  • Công dân sinh sống ở nước ngoài trở về đi bầu cử ở đâu?

Đi bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội ở đâu?

Câu hỏi: Em năm nay đủ tuổi đi bầu cử. Cho em hỏi, để tham gia bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đi đến đâu ạ? - Trịnh Thảo (Gia Lai).

Trả lời:

Theo Điều 70 Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân 2015 quy định nơi bỏ phiếu như sau:

Điều 70. Thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.

Đồng thời, tại Điều 6 Thông tư số 01/2021/TT-BNV về hướng dẫn tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân có nêu rõ địa điểm bỏ phiếu bầu cử:

Điều 6. Bố trí địa điểm bỏ phiếu

1. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Địa điểm bỏ phiếu gồm: cổng ra - vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Qua quy định trên, địa điểm bỏ phiếu bầu cử có thể là nhà văn hóa, hội trường, trường học… và căn cứ số dân cư ở khu vực bỏ phiếu để lựa chọn địa điểm (phòng bỏ phiếu) phù hợp.

Do đó, khi đã đăng ký và có tên trong danh sách cử tri niêm yết, bạn theo dõi thông tin tại địa phương mình đăng ký tham gia bỏ phiếu để biết chính xác địa điểm mà nơi bạn sinh sống tổ chức.

di bau cu quoc hoi 2021 o dau

Đi bầu cử Quốc hội 2021 ở đâu? Có cần về quê không? (Ảnh minh họa)


Không bỏ phiếu bầu cử ở quê có được không?

Câu hỏi: Tôi đã ghi tên vào danh sách cử tri cho đợt bầu cử nhưng trong thời gian diễn ra bầu cử tôi đi công tác ở tỉnh khác. Vậy, tôi có được bỏ phiếu ở tỉnh khác được không? - Hà Ánh (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Theo Điều 34 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, việc bỏ phiếu nơi khác được quy định như sau:

Điều 34. Bỏ phiếu ở nơi khác

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Trường hợp của bạn đọc, bạn có tên trong danh sách cử tri, nếu từ khi niêm yết danh sách đến ngày bầu cử bạn đi nơi khác thì có quyền bầu cử ở nơi đó. Tuy nhiên, cần xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đã có tên để chuyển đến nơi bạn có thể tham gia bỏ phiếu.

Như vậy, trường hợp công dân đã có tên trong danh sách cử tri niêm yết, vì đi nơi khác không đi bầu cử được thì được tham gia ở nơi đến nếu có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã nơi mình có tên.


Vừa chuyển nơi sinh sống có được đi bầu cử tại nơi ở mới?

Câu hỏi: Tôi đã có tên trong danh sách cử tri ở quê, nhưng sắp tới tôi đã chuyển hộ khẩu sang thành phố nơi đang làm việc. Xin hỏi, tôi có được đăng ký đi bầu cử tại nơi ở mới không hay phải về quê? - Hoàng Doanh (Khánh Hòa).

Trả lời:

Theo Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng.

Bên cạnh đó, tại Điều 30 Luật này quy định trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ:

- Những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Như vậy, trường hợp bạn chuyển hộ khẩu (nơi thường trú) từ nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri đến nơi khác thì được xóa tên ở nơi đã đăng ký và bổ sung vào danh sách nơi thường trú, tạm trú mới.

di bau cu quoc hoi 2021 o dau

Chuyển nơi sinh sống, đi bầu cử ở đâu? (Ảnh minh họa)


Công dân sinh sống ở nước ngoài trở về đi bầu cử ở đâu?

Câu hỏi: Tôi sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Đúng dịp bầu cử tới tôi về thăm quê. Cho tôi hỏi, tôi có được tham gia bỏ phiếu bầu cử không? - Linh Nga (nguyenlinhnga…@gmail.com).

Trả lời:

Điều 29 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam như sau:

4. Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nêu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Từ quy định trên, bạn trở về Việt Nam, nếu vẫn còn quốc tịch Việt Nam và mong muốn tham gia bầu cử. Trong khoảng thời gian sau khi danh sách cử tri được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri.

Bạn cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký tạm trú khi về nước, xuất trình Hộ chiếu và đề nghị ghi tên vào danh sách cử tri, đồng thời nhận thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Trên đây là giải đáp đi bầu cử quốc hội 2021 ở đâu, có cần về  quê không. Nếu còn thắc mắc nào khác, bạn đọc vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Xem thêm:

Bao nhiêu tuổi được đi bầu cử? Cách tính tuổi đi bầu cử

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X