hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 23/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đi xuất khẩu lao động có bắt buộc phải đặt cọc không?

Xuất khẩu lao động tại Việt Nam hiện nay đang trở nên tương đối phổ biến do nhu cầu người dân sang nước ngoài làm việc ngày càng nhiều. Vậy, đi xuất khẩu lao động có phải đặt cọc không? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau.

Câu hỏi: Tôi chuẩn bị đi xuất khẩu ở Hàn Quốc. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài A có yêu cầu tôi thực hiện việc đặt cọc một khoản tiền 20 triệu để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng. Vậy cho tôi hỏi, đi xuất khẩu lao động có bắt buộc phải đặt cọc tiền không. Xin cảm ơn! - Thu Hoài (Hà Giang)

Được áp dụng biện pháp bảo đảm nào khi đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài?

- Biện pháp ký quỹ

Căn cứ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật dân sự 2015, biện pháp bảo đảm ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Căn cứ theo Khoản 1,  Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006:

“1. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc ký quỹ theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.”

Theo quy định trên, người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng có thể thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm ký quỹ để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Biện pháp bảo lãnh

Căn cứ theo Điều 335 Bộ luật dân sự 2015,  biện pháp bảo đảm bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 55 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006,

“1. Việc bảo lãnh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đi làm việc theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp dịch vụ không ký quỹ hoặc không đủ tiền ký quỹ theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Người lao động đi làm việc theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức sự nghiệp khi tổ chức này yêu cầu thực hiện việc bảo lãnh.”

Theo quy định trên, trong trường hợp người lao động đi làm việc theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà không ký quỹ, không đủ tiền ký quỹ hoặc trường hợp tổ chức sự nghiệp yêu cầu thực hiện việc bảo lãnh thì người lao động phải có người đứng ra bảo lãnh (bên thứ ba) để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bên thứ ba thực hiện việc bảo lãnh chỉ được áp dụng các biện pháp cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ( Theo khoản 1, Điều 58 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006).

Đi xuất khẩu lao động có bắt buộc phải đặt cọc không? (Ảnh minh họa)


Có được áp dụng biện pháp đặt cọc khi đưa NLĐ làm việc nước ngoài?

Căn cứ theo Điều 328 Bộ luật dân sự 2015, biện pháp đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Căn cứ theo Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 có quy định về các hành bị nghiêm cấm. Trong đó, việc các bên áp dụng biện pháp đặt cọc để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không bị pháp luật cấm.

Do đó, việc doanh nghiệp A yêu cầu bạn đặt cọc số tiền 20 triệu để bảo đảm thực hiện hợp đồng là không trái với quy định củaLuật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 10, Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 ( có hiệu lực từ 1/1/2022) có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:

“10. Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.”


Do đó, kể từ ngày 1/1/2022, thì việc các bên áp dụng biện pháp đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thuộc trường hợp bị cấm.

Trên đây là giải đáp về Đi xuất khẩu lao động có bắt buộc phải đặt cọc không? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Xem thêm: Đi xuất khẩu lao động có được rút BHXH 1 lần luôn không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X