hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 12/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh thế nào? [Cập nhật 2023]

Sau sinh, lao động nữ sẽ có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và chăm sóc tốt hơn cho con. Vậy điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh hiện nay đang quy định thế nào?

Mục lục bài viết
  • Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 là gì?
  • Để nghỉ dưỡng sức sau sinh cần xin giấy xác nhận gì không?
  • Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 bao nhiêu?
  • Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh gồm giấy tờ gì?
  • Khi nào mới nhận được tiền dưỡng sức sau sinh?

Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 là gì?

Câu hỏi: Do em bé nhà tôi sinh thiếu tháng, nên sau 6 tháng nghỉ sinh, tôi đi làm lại, nhưng sức của tôi và em bé chưa thực sự được phục hồi bình thường. Do đó tôi muốn nghỉ dưỡng sức thêm. Vậy điều kiện để được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh được quy định thế nào? (Hà Thị Thanh – Cao Bằng).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 - 10 ngày.

Cụ thể:

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Như vậy, trong vòng 30 ngày đầu làm việc ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, nếu sức khỏe người lao động chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

dieu kien huong che do duong suc sau sinhCập nhật điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 (Ảnh minh họa)

Để nghỉ dưỡng sức sau sinh cần xin giấy xác nhận gì không?

Câu hỏi: Tôi mới đi làm lại sau 6 tháng nghỉ sinh em bé, nhưng sau 02 tuần đi làm lại sức khỏe của tôi không được tốt, tôi muốn nghỉ dưỡng sức thêm. Vậy tôi cần xin giấy xác nhận gì không? (Vũ Thị Ánh Tuyết – Thái Bình).

Trả lời:

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày. Số ngày nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở quyết định.

Theo đó, người lao động muốn nghỉ dưỡng sức sau sinh thì phải được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, người lao động không phải xin Giấy nghỉ dưỡng sức sau sinh mà sau khi người sử dụng lao động đồng ý thì sẽ tiến hành lập hồ sơ hưởng chế độ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 bao nhiêu?

Câu hỏi: Tôi đang được nghỉ dưỡng sức sau sinh thêm 05 ngày (tháng 06/2023), vậy mức hưởng sau sinh của tôi sẽ là bao nhiêu? (Lê Thị Hương Trà – Quảng Nam).

Trả lời:

Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở trước 01/7/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng. Từ 01/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng

Cụ thể:

- Sinh một lần từ 2 con, thời gian hưởng 10 ngày;

- Sinh con phẫu thuật, thời gian hưởng 07 ngày;

- Trường hợp khác là 05 ngày.

Như vậy, mức tiền dưỡng sức sau sinh một ngày trước 01/7/023 bằng: 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng

Từ 01/7/2023 bằng 1.800.000 đồng x 30%  = 540.000 đồng.

Trường hợp của bạn, mức hưởng dưỡng sức của bạn bằng 447.000 đồng x 5 ngày = 2.235.000 đồng.

Đối với người được nghỉ dưỡng sức từ thời điểm 01/7/2023 trở đi thì mức hưởng là 540.000 đồng x 5 = 2.700.000 đồng.

Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh gồm giấy tờ gì?

Câu hỏi: Tôi đang làm thủ tục để xin nghỉ dưỡng sức sau sinh do sức khỏe của tôi chưa phục hồi hoàn toàn. Vậy tôi cần chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ gì để được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh? (Nguyễn Thị Hà Viên – Vĩnh Phúc).

Trả lời:
Theo điểm 2.4 khoản 2 Điều 4 Quyết định số 166/QĐ-BHXH, trường hợp hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, hồ sơ cần là danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe - mẫu 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập.

Đối chiếu với Điều 103 Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hồ sơ sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết trong 10 ngày tiếp theo.

Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh sẽ do người sử dụng lao động chuẩn bị, người lao động không phải chuẩn bị giấy tờ.

Khi nào mới nhận được tiền dưỡng sức sau sinh?

Câu hỏi: Tôi hiện đang nghỉ dưỡng sức sau sinh được 4 ngày. Cho tôi hỏi, mất bao lâu tôi mới nhận được tiền dưỡng sức sau sinh? (Đường Thị Phương – Hà Nam).

Trả lời:

Để được nhận tiền dưỡng sức sau sinh, tại tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, người lao động phải có tên trong Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 4 Điều 5 Quyết định 166, trong vòng 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và thực hiện chi trả tiền chế độ cho người lao động.

Trên đây là thông tin giải đáp cho điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh​. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn thêm.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X