hieuluat
Chia sẻ email

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện nào?

Cho thuê lại lao động hiện nay được diễn ra tương đối phổ biến. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt quyền lợi của các bên, việc cho thuê lại lao động phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định pháp luật.

 

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện nào?

Câu hỏi: Tôi đang muốn mở công ty cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động. Vậy cho tôi hỏi công ty cho thuê lại lao động cần có những điều kiện nào? Tôi cảm ơn – Hải Nguyễn (Hải Phòng)

Dịch vụ cho thuê lại lao động là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật. Theo Điều 54 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019Điều 12 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải đảm bảo các điều kiện:

- Được thành lập theo quy định Luật Doanh nghiệp;

- Được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Trong đó, để được cấp giấy phép hoạt động, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định 145 như sau:

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định; không có án tích; đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

+ Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 02 tỷ đồng.

- Có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động (NLĐ), sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại.

Như vậy, để cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động bạn cần lưu ý về các điều kiện trên đây.

Đồng thời, pháp luật cũng quy định về điều kiện đối với bên thuê lại lao động. Theo đó, tại khoản 2 Điều 53 BLLĐ 2019 quy định về các trường hợp bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau:

- Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

- Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

- Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, cũng theo khoản 3 Điều này, bên thuê lại lao động sẽ không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp:

- Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

- Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện nào? (Ảnh minh họa)


Cho thuê lại lao động mà NLĐ không đồng ý, bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, nếu không có sự đồng ý của người lao động trong việc thuê lại lao động thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động sẽ bị xử phạt tiền theo một trong các mức sau đây:

-  Từ 10 - 20 triệu đồng với vi phạm từ 01 người - 10 người lao động;

-  Từ 20 - 40 triệu đồng với vi phạm từ 11 người - 50 người lao động;

-  Từ 40 - 60 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 người lao động;

-  Từ 60 - 80 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 người lao động;

-  Từ 80 - 100 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, cần căn cứ vào số lượng lao động để xác định mức phạt cụ thể đối với hành vi cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động


Có được giao kết HĐLĐ chính thức với bên thuê lại lao động?

Câu hỏi: Tôi có ký hợp đồng lao động với Công ty A (Công ty cho thuê lao động) để làm việc cho Công ty B (Công ty thuê lại lao động) theo hợp đồng lao động với thời hạn 06 tháng. Vậy cho tôi hỏi, nếu tôi muốn làm nhân viên chính thức cho Công ty B mà không thông qua bên cho thuê lại, có được không? - Hà Thu (Hải Phòng)

Tại khoản 4 Điều 57 BLLĐ 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động như sau:

4. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 58 BLLĐ 2019 quy định người lao động thuê lại có quyền:

5. Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động.

Theo quy định trên dẫn chiếu đến trường hợp của bạn, trường hợp HĐLĐ của bạn với Công ty A (bên cho thuê lại lao động) chưa chấm dứt thì bạn phải thỏa thuận đồng thời với công ty A và công ty B (bên thuê lại lao động) để có thể được tuyển dụng làm nhân viên chính thức tại công ty thuê lại lao động.

Trường hợp bạn làm việc cho công ty A theo hợp đồng cho thuê lại lao động, mà HĐLĐ này đã chấm dứt thì có thể thỏa thuận để giao kết HĐLĐ chính thức với công ty B.

Trên đây là giải đáp về Doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa mấy lần

Có thể bạn quan tâm

X