hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 24/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH?

Mục lục bài viết
  • Công ty tạm ngừng kinh doanh khi nào?
  • Công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH?
  • Trường hợp công ty được tạm dừng đóng BHXH 
Nhiều công ty kinh doanh gặp khó khăn, không đủ kinh phí duy trì hoạt động nên buộc phải tạm ngừng kinh doanh. Vấn đề đặt ra là khi công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH cho người lao động không? Cùng theo dõi bài viết sau để có câu trả lời.
Câu hỏi: Tôi đang là nhân viên của một công ty kinh doanh nội thất, có ký hợp đồng lao động. Gần đây công ty tôi gặp khó khăn về tài chính nên đã thông báo với cơ quan thẩm quyền tạm ngừng kinh doanh trong 01 năm. Vậy khi công ty tạm ngừng kinh doanh thì có phải nộp BHXH không?

Công ty tạm ngừng kinh doanh khi nào?

Tạm ngừng kinh doanh hiểu đơn giản là việc công ty tạm thời không thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương mại… trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

công ty tạm ngừng kinh doanh khi nàoCông ty tạm ngừng kinh doanh khi nào?

Các trường hợp công ty được tạm ngừng kinh doanh được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, công ty được tạm ngừng kinh doanh trong trường hợp:

- Công ty gửi văn bản thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh;

- Công ty bị cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh trong trường hợp:

  • Tạm ngừng kinh doanh ngành nghề có điều kiện khi không đủ điều kiện kinh doanh tương ứng theo quy định pháp luật;

  • Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định về quản lý thuế, môi trường và các quy định có liên quan.

Như vậy, các công ty có thể đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc bị các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh. 

Trường hợp công ty thực hiện quyền tạm ngừng kinh doanh của mình thì phải có văn bản thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước khi công ty tạm ngừng kinh doanh. Trong thông báo này phải đề cập rõ thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh. 

Lưu ý, thời hạn tạm ngừng kinh doanh đối với công ty là không quá 01 năm. Nếu hết thời hạn này mà công ty muốn tiếp tục ngừng kinh doanh thì phải làm thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.

Công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH?

Căn cứ khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Theo đó, nếu công ty chưa hoàn tất các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội thì phải hoàn thành nghĩa vụ này. Sau khi thanh toán xong các khoản chi phí này thì trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, công ty không phải nộp thêm các khoản về bảo hiểm xã hội, phí, thuế. 

Tức là, công ty đã hoàn tất các nghĩa vụ tài chính cho người lao động trước khi thông báo tạm ngừng kinh doanh thì không phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tạm ngừng kinh doanh. 

Công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH?Công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH?

Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, công ty không phải đóng bảo hiểm xã hội nếu không nợ tiền bảo hiểm xã hội trước đó.

Trường hợp công ty được tạm dừng đóng BHXH 

Theo quy định của pháp luật, công ty khi sử dụng người lao động, giao kết, thỏa thuận bằng hợp đồng lao động thì có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 1, 2, 3, 4 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, khoản 1 Điều 18 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, công ty được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất trong các trường hợp:

- Công ty tạm dừng sản xuất và kinh doanh từ 01 tháng trở lên do khó khăn bởi thay đổi công nghệ, cơ cấu hoặc do suy thoái, khủng hoảng kinh tế, hoặc do thực hiện theo chính sách tái cơ cấu nền kinh tế của Nhà nước, hoặc thực hiện theo cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia;

- Công ty gặp các khó khăn do xảy ra các sự kiện như: thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Tóm lại, trường hợp công ty gặp một trong các khó khăn nêu trên và công ty không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 01 năm. 

Khi hết thời hạn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội thì công ty phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời phải đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng trước đây (số tiền đóng bù này không tính lãi chậm đóng).

Ngoài ra, để được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội thì công ty phải có một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP:

- Công ty bị thiệt hại >50% tổng giá trị tài sản do tác động của thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc mất mùa gây ra (tổng giá trị này không bao gồm giá trị tài sản là đất đai);

- Công ty không bố trí được việc làm cho người lao động và trong số đó, lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc là từ 50% tổng số lao động mà có mặt trước khi công ty tạm ngừng kinh doanh trở lên.

Trên đây là những thông tin về công ty tạm ngừng kinh doanh có phải nộp BHXH. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ tổng đài:  19006199 để được giải đáp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X