hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 08/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đưa tin sai về Covid-19 gồm những hành vi nào? Bị xử lý ra sao?

Trong khi cả nước đang ra sức chống dịch Covid-19, vẫn có tình trạng phát tán tin giả, đưa tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của lực lượng chống dịch, đồng thời gây hoang mang dư luận. Việc đưa tin sai về Covid-19 sẽ bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi những hành vi nào được cho là đưa tin sai về Covid-19? Việc đưa tin sai về Covid sẽ bị xử lý ra sao? (Đỗ Văn Trường – Hưng Yên)

Đưa tin sai về Covid-19 gồm những hành vi nào?

Đưa tin sai về Covid-19 bị xử lý hành chính hoặc có thể xử lý hình sự tùy mức độ, hành vi. Như vậy, đưa tin sai về Covid-19 là gì?

Có thể hiểu đây là tình trạng phát tán tin giả, đưa những thông tin sai liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Tại Nghị quyết 78/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, Chỉnh phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân… đồng thời giám sát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả, bịa đặt, các hình thức lừa đảo trực tuyến lợi dụng tình hình dịch bệnh trên không gian mạng.

Bộ TT&TT sau đó đã có Công văn 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP, trong đó có chỉ ra các hành vi đưa tin sau về Covid-19 có nội dung như:

- Kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc;

- Tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc - xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc - xin của Chính phủ, việc sử dụng quỹ vắc - xin phòng, chống Covid-19;

- Đưa tin sai về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam;

- Xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu, không đúng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Theo đó, Bộ TT &TT cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch

Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần xác minh đối tượng phát tán tin giả, thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

đưa tin sai về Covid-19 bị xử lý
Đưa tin sai về Covid-19 có thể sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa.

Đưa tin sai về Covid-19 bị xử lý thế nào?

Đưa tin sai về Covid, xuyên tạc các thông tin không đúng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi đưa tin sai về Covid-19 bị xử lý khác nhau.

- Theo quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NÐ-CP:

Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch COVID-19, gây hoang mang trong Nhân dân thì bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

- Điểm d, khoản Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi:

Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi  đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật sẽ bị xử lý, gây thiệt hại, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo sẽ bị phạt tiền từ 30 – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

- Ngoài ra, căn cứ Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn tại Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1997/STP-PBGDPL quy định:

Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự (mức phạt tù tối đa đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

Trên đây là giải đáp vấn đề đưa tin sai về Covid-19 bị xử lý thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Mức xử phạt vi phạm Chỉ thị 16 quy định thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X