hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 18/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bản chất hợp đồng góp vốn là gì? Có những mẫu nào?

Ngoài góp vốn để thành lập công ty, trên thực tế nhiều người có nhu cầu góp vốn để làm ăn nhưng không muốn thành lập pháp nhân mới.

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng góp vốn là gì?
  • Bản chất của hợp đồng góp vốn
  • Các mẫu hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn là gì?

Các văn bản hiện hành không có khái niệm cụ thể về hợp đồng góp vốn. Hiện nay, Bộ luật Dân sự chỉ đưa ra khái niệm chung về hợp đồng như sau:

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020:

1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Như vậy, hợp đồng góp vốn là sự thỏa thuận giữa các bên để cùng góp tiền, tài sản… để hợp tác làm một công việc nhất định. Chẳng hạn góp vốn mua đất, góp vốn kinh doanh, góp vốn đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp…

Hợp đồng góp vốn cần có đầy đủ thông tin các bên tham gia góp vốn, vốn góp và việc phân chia lợi nhuận. Các nội dung này càng rõ ràng thì càng ít xảy ra tranh chấp sau này.

Bản chất của hợp đồng góp vốn?

Hiện nay, có thể chia hợp đồng góp vốn thành 2 loại:

- Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp;

- Hợp đồng góp vốn không thành lập doanh nghiệp.

Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bản chất là việc các bên cùng góp tiền, đất, sở hữu trí tuệ, công nghệ… để thành lập một pháp nhân mới.

Hợp đồng góp vốn nhưng không nhằm mục đích để thành lập doanh nghiệp bản chất là hợp đồng hợp tác kinh doanh, và các bên thống nhất cùng tiến hành một hoạt động kinh doanh chung, nhưng không thành lập pháp nhân chung.

hop dong gop von
Các bên góp vốn có thể không nhằm thành lập pháp nhân (Ảnh minh họa)

Các mẫu hợp đồng góp vốn

Mẫu hợp đồng góp vốn chung


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG GÓP VỐN

Hôm nay,ngày… tháng… năm…, tại………………. chúng tôi gồm có:

Bên góp vốn (sau đây gọi là bên A):

Ông (Bà): ..........………………………..

Sinh ngày: ……………………………………………….....….

Chứng minh nhân dân số: ....................cấp ngày...../..../.....tại ...................

Hộ khẩu thường trú: …………………………………

Chỗ ở hiện tại:……… ………………………………

Bên nhận góp vốn (sau đây gọi là bên B):

Ông (Bà): ..........………………………..

Sinh ngày: ……………………………………………….....….

Chứng minh nhân dân số: ....................cấp ngày...../..../.....tại ...................

Hộ khẩu thường trú: …………………………………

Chỗ ở hiện tại:……… ………………………………

Các bên đồng ý thực hiện việc góp vốn với các thoả thuận sau đây :

ĐIỀU 1: TÀI SẢN GÓP VỐN

Tài sản góp vốn thuộc quyền sở hữu của bên A: (mô tả cụ thể về tài sản góp vốn ; nếu tài sản góp vốn là tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì phải liệt kê giấy tờ chứng minh quyền sở hữu) ………………………

……………………… ………………………

ĐIỀU 2: GIÁ TRỊ GÓP VỐN

Giá trị tài sản góp vốn được các bên cùng thống nhất thoả thuận là: ………………

(Bằng chữ:.............................................................………………………………..)

ĐIỀU 3: THỜI HẠN GÓP VỐN

Thời hạn góp vốn bằng tài sản nêu tại Điều 1 là: ................................. kể từ ngày ........../........../...........

ĐIỀU 4: MỤC ĐÍCH GÓP VỐN

Mục đích góp vốn bằng tài sản nêu tại Điều 1 là : ………………………………….........

ĐIỀU 5: ĐĂNG KÝ VÀ XOÁ ĐĂNG KÝ GÓP VỐN

1. Bên A và bên B có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn bằng tài sản tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.(đối với tài sản phải đăng ký)

2. Bên A có nghĩa vụ thực hiện thủ tục xoá đăng ký góp vốn sau khi hết thời hạn góp vốn.

ĐIỀU 6: VIỆC NỘP LỆ PHÍ CÔNG CHỨNG

Lệ phí cụng chứng Hợp đồng này do bên ......................... chịu trách nhiệm nộp.

ĐIỀU 7: PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 8: CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN

1. Bên A cam đoan:

a. Những thông tin về nhân thân, tài sản đã ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật;

b. Tài sản góp vốn không có tranh chấp;

c. Tài sản góp vốn không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;

d. Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

e. Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

g. Các cam đoan khác…

2. Bên B cam đoan:

a. Những thông tin về nhân thân đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;

b. Đã xem xét kỹ, biết rõ về tài sản góp vốn nêu trên và các giấy tờ về quyền sử dụng, quyền sở hữu;

c. Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

d. Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này;

e . Các cam đoan khác…

ĐIỀU 9: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

1. Các bên đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này.

2. Hai bên đã đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này

3. Hợp đồng có hiệu lực từ: ……………………………………………….

Bên A

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

Bên B

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

Mẫu hợp đồng góp vốn mua đất


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG GÓP VỐN

(V/v góp vốn kinh doanh mua bất động sản, đất đai)

Hôm nay, vào lúc ….giờ, ngày … tháng… năm…. tại ……………….

Chúng tôi gồm những Ông, bà có tên sau:

Ông/bà…………………………… (Bên A)

Giới tính ………………. Quốc tịch:………………………….

Sinh ngày:……………………………………….

CMNS/CCCD số: ……………..ngày cấp……………Nơi cấp……………….

Hộ khẩu thường trú:… ………………………………………………

Ông/bà…………………………… (Bên B)

Giới tính ………………. Quốc tịch:………………………….

Sinh ngày:……………………………………….

CMND/CCCD số: ……………..ngày cấp……………Nơi cấp……………….

Hộ khẩu thường trú:… ………………………………………………

Bên A và Bên B (sau đây gọi riêng là “Bên” và gọi chung là “Các Bên”) đồng ý ký kết Hợp đồng góp vốn mua đất (“Hợp Đồng”) với những điều khoản như sau:

Điều 1. Các thông tin về thửa đất góp vốn

Hai bên đồng ý rằng Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư góp vốn cùng với Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư để thực hiện Dự án phân lô bán nền với các đặc điểm như sau:

1.1 Loại đất: […]

1.2 Vị trí đất: […] (Ghi rõ tên Dự án, tên lô đất theo quy hoạch đã được duyệt).

1.3 Thông tin về quy hoạch có liên quan đến Dự án: […] 

1.4 Diện tích đất: […]

1.5 Mục đích của Dự án: ….

1.5.1 Sử dụng riêng: […] m2

1.5.2 Sử dụng chung (nếu có): […] m2

1.5.3 Nguồn gốc sử dụng đất: Được Nhà nước giao đất theo Quyết định […]

1.6 Hồ sơ pháp lý của Dự án, giấy tờ về quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư Dự án: […] 

1.7 Các thông tin khác: […]

Điều 2. Tiền góp vốn

2.1 Giá trị tiền góp vốn Bên B phải góp là […] đồng

(Bằng chữ: […]).

2.2 Tiền Góp vốn đã bao gồm: (i) giá trị quyền sử dụng đất; (ii) giá công trình xây dựng kết cấu hạ tầng; (iii) các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của Dự án; (iii) thuế giá trị gia tăng.

Điều 3. Phương thức góp vốn

3.1 Phương thức thanh toán: Bên B thanh toán bằng tiền Việt Nam thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Bên A theo các thông tin dưới đây:

Chủ tài khoản : […]

Tài khoản số : […]

Tại Ngân hàng: […]

3.2 Tiến độ góp vốn: […] (một lần hoặc nhiều lần do các bên thỏa thuận).

Điều 4. Tiến độ thực hiện Dự án

4.1 Giai đoạn 1: Từ […] đến […]

Chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý, các nghĩa vụ tài chính theo quy định, tổ chức chọn thầu các đơn vị thi công giải phóng mặt bằng, tiến hành các công tác thí nghiệm, và các công tác chuẩn bị phục vụ cho các hạng mục thi công của Dự án.

4.2 Giai đoạn 2: Từ […] đến […] 

Chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Nhà đầu tư hoặc khách hàng của Bên B; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.

4.3 Giai đoạn 4: Từ […] đến […]  

Chủ đầu tư hoàn thiện Dự án và bàn giao đất nền cho Nhà đầu tư nếu Nhà Đầu tư có nhu cầu mua đất nền.

4.4 Tiến độ thực Dự án: Dự kiến là […]

Điều 5. Phân chia lợi nhuận

5.1 Không phụ thuộc vào lợi nhuận của Dự án, sau khi hoàn thành Dự án, Bên B sẽ được phân chia mức lợi nhuận là:[…]

5.2 Bên A thanh toán toàn bộ khoản lợi nhuận cho Bên B trong thời hạn: […]

5.3 Đồng tiền thanh toán là Việt Nam Đồng, chi trả bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Bên B theo thông tin như dưới đây:

Chủ tài khoản: […]

Tài khoản số: […]

Tại Ngân hàng: […]

5.4 Các Bên đồng ý rằng, sau khi Dự án hoàn thành và đủ điều kiện phân lô bán nền, Bên B được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng đất nền bằng việc sử dụng khoản lợi nhuận sau đầu tư để nhận chuyển nhượng với giá chuyển nhượng thỏa thuận là: […], khi đó các bên sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.

5.5 Đối với khoản lợi nhuận còn lại của Dự án (sau khi đã chi trả mức lợi nhuận của Bên B), Bên A sẽ được nhận toàn bộ.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư

6.1 Quyền của Bên Nhận góp vốn/Chủ đầu

- Được toàn quyền chủ động trong mọi hoạt động triển khai Dự án phù hợp với quy định pháp luật;

- Yêu cầu Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản tiền góp vốn theo quy định của Hợp đồng này;

- Yêu cầu Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư tuân thủ đúng quy định pháp luật trong quá trình góp vốn;

- Có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng góp vốn nếu Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền góp vốn;

- Yêu cầu Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư bồi thường thiệt hại do lỗi của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư gây ra;

6.2  Nghĩa vụ của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư

- Có trách nhiệm hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt;

- Thông báo cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư biết tiến độ thực hiện Dự án, cung cấp cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư thông tin về việc sử dụng tiền góp vốn của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư và đảm bảo hoàn thành Dự ántheo đúng tiến độ đã thỏa thuận;

- Tạo điều kiện để Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư kiểm tra việc thực hiện Dự án nếu có yêu cầu;

- Thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản lợi nhuận cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư theo quy định tại Điều 5 Hợp đồng này;

- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư

7.1 Quyền của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư

- Yêu cầu Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong Hợp đồng;

- Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư không can thiệp vào hoạt động đầu tư của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư đối với Dự án của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư trừ khi có sự yêu cầu của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư.

- Được nhận khoản lợi nhuận cố định từ việc đầu tư theo quy định tại Điều 5 Hợp đồng này.

- Yêu cầu Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện Dự án, việc sử dụng tiền góp vốn và kiểm tra thực tế tại Dự án;

-Được ưu tiên nhận chuyển nhượng đất nền sau khi Dự án hoàn thiện theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng này.

7.2 Nghĩa vụ của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư

- Thanh toán đủ tiền góp vốn cho Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư theo thời hạn và phương thức thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng này;

- Phối hợp với Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định pháp luật;

- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

Điều 8.   Bất khả kháng

8.1 Bất khả kháng là những sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các bên bao gồm nhưng không giới hạn ở: động đất, bão, lũ lụt, gió lốc, sóng thần, lở đất, hỏa hoạn, chiến tranh hay đe dọa chiến tranh… hoặc các thảm họa khác không thể lường trước được; hoặc sự thay đổi của luật pháp bởi chính quyền Việt Nam.

8.2 Khi một bên không thể thực hiện tất cả hay một phần của nghĩa vụ Hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra một cách trực tiếp, Bên này sẽ không được xem là vi phạm Hợp đồng nếu đáp ứng được tất cả những điều kiện sau:

- Bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của sự gián đoạn hoặc trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ; và

- Bên bị gặp phải sự kiện bất khả kháng đã nỗ lực để thực hiện nghĩa vụ của mình và giảm thiểu thiệt hại gây ra cho Bên kia bởi sự kiện bất khả kháng; và

- Tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên gặp phải sự kiện bất khả kháng kháng phải thông báo ngay cho bên kia cũng như cung cấp văn bản thông báo và giải thích về lý do gây ra sự gián đoạn hoặc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ.

Điều 9.  Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng

9.1 Vi phạm của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư

- Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư chậm nộp tiền góp vốn thì phải trả lãi chậm nộp trên khoản tiền chậm góp vốn tính từ ngày đến hạn góp vốn cho đến khi Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư nhận được số tiền chậm nộp theo mức lãi suất […].

- Trong vòng […] ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư sẽ gửi cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư tối đa 02 văn bản thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm nợ gốc và khoản lãi phát sinh do chậm thanh và gia hạn thời hạn thanh toán (nếu có). Kết thúc thời hạn theo yêu cầu của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư mà Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư vẫn không thanh toán đầy đủ cho Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư thì Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư có quyền gửi thông báo bằng văn bản cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư về việc chấm dứt hợp đồng này. Hợp đồng tự động chấm dứt sau 05 ngày kể từ ngày Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư gửi thông báo mà không cần sự đồng ý của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư.

- Trên cơ sở chấm dứt hợp đồng, Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư có quyền giao kết hợp đồng góp vốn với bên khác. Toàn bộ số tiền Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư đã nộp cho Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư tính đến ngày chấm dứt hợp đồng sẽ được hoàn trả lại cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư sau khi đã trừ đi khoản phạt vi phạm Hợp đồng tương đương 8% giá trị Hợp đồng, các loại thuế, phí đã nộp cho cơ quan nhà nước và các khoản chi phí khác mà Bên bán phải chịu phát sinh do Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư vi phạm hợp đồng.

- Việc hoàn trả lại số tiền góp vốn được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư/Chủ đầu tư gửi thông báo chấm dứt thực hiện hợp đồng thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư theo các thông tin dưới đây:

Chủ tài khoản    : […]

Tài khoản số      : […]

Tại Ngân hàng   : […]

- Nếu tổng số tiền Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư đã nộp cho Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư tính đến ngày chấm dứt hợp đồng ít hơn tổng các chi phí Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư phải chịu thì Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư phải hoàn trả số tiền chênh lệch cho Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của Bên Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư theo các thông tin dưới đây:

Chủ tài khoản    : […]

Tài khoản số      : […]

Tại Ngân hàng   : […].

10.2 Vi phạm của Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư

- Nếu Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư chậm trễ chi trả lợi nhuận cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư theo quy định tại Điều 5 Hợp đồng này trong khi Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì Bên Nhận góp vốn phải chịu phạt vi phạm với mức phạt […] trừ trường hợp việc chậm trễ chi trả lợi nhuận có nguyên nhân từ sự vi phạm Hợp đồng của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư hoặc do sự kiện bất khả kháng.

- Nếu việc thanh toán lợi nhuận cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư chậm trễ quá […] ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư có quyền yêu cầu chấm dứt Hợp đồng. Trên cơ sở chấm dứt hợp đồng, Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư phải hoàn trả lại cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư toàn bộ số tiền đã nhận từ Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư, đồng thời bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư.

- Nếu  Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến Dự án không được thực hiện được trên thực tế thì Bên Nhận Góp Vốn/Chủ Đầu Tư có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư, đồng thời bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư.

- Việc hoàn trả lại số tiền góp vốn và bồi thường thiệt hại được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư gửi thông báo đồi bồi hoàn, bồi thường thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư theo các thông tin dưới đây:

Chủ tài khoản    : […]

Tài khoản số      : […]

Tại Ngân hàng   : […].

Điều 10.  Hiệu lực và chấm dứt Hợp đồng

10.1 Hợp Đồng này có hiệu lực từ […] đến […].

10.2 Hợp Đồng này sẽ chấm dứt trước thời hạn trong những trường hợp sau:

- Nếu các bên đồng ý chấm dứt bằng văn bản.

- Nếu bất cứ vi phạm Hợp đồng nào không được khắc phục trong thời hạn […] ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc phục từ Bên không vi phạm. Trong trường hợp này, Bên không vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho Bên vi phạm.

- Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá […] ngày kể từ ngày phát sinh, Hợp Đồng này có thể được chấm dứt dựa trên văn bản thông báo của một Bên cho Bên còn lại.

- Trong các trường hợp chấm dứt Hợp Đồng nêu trên, Chủ Đầu tư/Bên Nhận góp vốn có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ vốn góp Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư đã góp cho đến thời điểm chấm dứt Hợp đồng sau khi đã trừ đi khoản phạt vi phạm đã thỏa thuận tại Hợp đồng này (nếu có), các loại thuế, phí đã nộp cho cơ quan nhà nước và các khoản chi phí khác mà Chủ Đầu tư/Bên Nhận góp vốn phải chịu phát sinh do Bên Góp Vốn/Nhà Đầu Tư vi phạm hợp đồng.

- Trong thời gian chậm nhất là 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày chấm dứt, hai Bên phải hoàn tất tất cả các nghĩa vụ bao gồm nghĩa vụ bồi hoàn, phạt vi phạm… theo quy định tại Hợp Đồng này.

Điều 11.  Giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp có bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh từ Hợp Đồng này, Các Bên sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Nếu không thể giải quyết được trong vòng 30 ngày, vấn đề sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo quy tắc tố tụng của Trung tâm này, địa điểm tiến hành giải quyết bằng trọng tài là thành phố Hồ Chí Minh. Bên thua kiện phải thanh toán tất cả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp cho Bên thắng kiện (bao gồm cả chi phí luật sư)

Điều 12.  Điều khoản chung

Hợp Đồng này được điều chỉnh và giải thích theo pháp luật Việt Nam.

Mọi sửa đổi hoặc bổ sung Hợp Đồng đều phải được lập thành văn bản và ký duyệt bởi người có thẩm quyền của mỗi Bên.

Mỗi Bên không được phép chuyển giao bất cứ quyền, nghĩa vụ nào trong Hợp Đồng này cho bất cứ bên thứ ba nào mà không được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên còn lại.

Hợp Đồng này sẽ được lập thành […] bản có giá trị như nhau, mỗi Bên giữ […] bản để thực hiện.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

Mẫu hợp đồng góp vốn kinh doanh

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG GÓP VỐN

Hôm nay, ngày … tháng … năm 2010, Tại:..............Chúng tôi gồm:...........................

1. Bên góp vốn (Bên A):

Ông:................................................………… Sinh ngày………...…..….

CMND số:......................cấp ngày......./......./........tại ................................

Hộ khẩu thường trú: ......................................................................

2. Bên nhận góp vốn (Bên B):

Ông:..........................,………......…………Sinh ngày…………………......

CMND số:.........................cấp ngày......./......./........tại ....................................

Hộ khẩu thường trú: ...............................................

Các bên đồng ý thực hiện việc góp vốn với các thoả thuận sau đây :

Điều 1 : Nội dung góp vốn

1. Hai bên thống nhất định giá toàn bộ tài sản hiện có của tiệm internet …………………, địa chỉ: …………………, theo GPKD số: …..……….…………. Cấp ngày: ……..………… tại:…………………...... là: …………… đồng (bao gồm chi phí đặt cọc nhà, chi phí sửa chữa mặt bằng, tài sản của tiệm đến ngày 01/04/2010,…).

2. Bên A góp vốn cho Bên B ……………. đồng tương đương 50% vốn của tiệm internet tại khoản 1 Điều 1.

- Ngày chính thức góp vốn: Ngày ……….

- Hình thức góp vốn: Tiền Mặt

Điều 2 : Quyền và nghĩa vụ của hai bên

1.Mọi chi phí phát sinh cũng như lợi nhuận, hai bên sẽ cùng nhau chia theo tỉ lệ 1-1 vào ngày ..... hàng tháng.

2. Bên A sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản lý nhân sự và bảo trì máy ở tiệm và mỗi tháng được trả thêm lương ..................... đồng. Số tiền này được tính vào chi phí phát sinh của tiệm.

3. Nếu tiệm có sự thay đổi nhân sự, hình thức quản lý hoặc cần nâng cấp, mở rộng quy mô kinh doanh, hai bên phải thông báo cho nhau. Trường hợp cần bổ sung thêm vốn để nâng cấp, mở rộng kinh doanh hai bên phải lập phụ lục hợp đồng bổ sung số vốn góp, Phụ lục đó sẽ là phần không thể tách rời của hợp đồng này.

Điều 3: Giải quyết tranh chấp và hiệu lực hợp đồng

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp, hai bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Hợp đồng này được lập thành 03 bản chính (mỗi bản gồm 03 trang) có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ một bản, một bản lưu tại phòng công chứng. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký.

BÊN A

BÊN B

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hợp đồng góp vốn. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy để lại câu hỏi để được chúng tôi hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X