hieuluat
Chia sẻ email

Khai mục quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân thế nào?

Khi làm Căn cước công dân gắn chip, người dâm phải điền Tờ khai Căn cước công dân - mẫu CC01. Theo đó, khai mục quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân thế nào?

Khai mục quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, CMND cũ và Sổ hộ khẩu của tôi đều chỉ ghi quê quán là tỉnh Đồng Nai. Tôi đi làm Căn cước công dân gắn chip, cán bộ yêu cầu phải bổ sung cả cấp xã, cấp huyện vào Sổ hộ khẩu thì mới làm được Căn cước công dân. Điều này có đúng không, mong được giải đáp - manhvu...@gmail.com
Trả lời:

Mẫu CC01 được ban hành kèm theo Thông tư 41/2019/TT-BCA dùng để công dân kê khai thông tin về nhân thân của mình khi có yêu cầu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (kể cả trường hợp công dân kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến).

Mục “Quê quán” được hướng dẫn khai như sau:

Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Trường hợp các giấy tờ đó không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy tờ đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định (điểm i khoản 2 Điều 7 Thông tư 66/2015/TT-BCA sửa đổi tại Thông tư 41/2019/TT-BCA).

Như vậy, trong trường hợp Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác của bạn không ghi địa danh hành chính đủ 03 cấp thì bạn chỉ cần ghi theo Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu.

Cơ quan Công an vẫn phải giải quyết làm Căn cước công dân cho bạn trong trường hợp này.

Nếu cán bộ làm thủ tục cấp Căn cước công dân vẫn trả lời bạn là không thể làm được thì bạn có thể khiếu nại để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Cụ thể, theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011:

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Như vậy, trước tiên, bạn cần thắc mắc, khiếu nại đến chính cán bộ làm Căn cước công dân cho bạn, cung cấp cho họ căn cứ pháp lý về việc có thể quê quán không bắt buộc ghi 03 cấp. Nếu họ vẫn kiên quyết không giải quyết thì có thể khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc khởi kiện ra Tòa án.

khai mục quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân
Khai mục quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân thế nào (Ảnh minh họa)

Quê quán trên Giấy khai sinh và Sổ hộ khẩu khác nhau, khai thế nào?

Câu hỏi: Giấy khai sinh và Sổ hộ khẩu của tôi ghi quê quán khác nhau, giờ tôi muốn làm Căn cước công dân gắn chip mới thì khai quê quán theo cái nào - Nguyễn Thị Lanh (Kiên Giang)
Trả lời:

Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp quê quán trên Giấy khai sinh và Sổ hộ khẩu khác nhau thì phần khai thông tin quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân cũng phải xác định theo Giấy khai sinh.

Theo đó, khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp huyện (đối với thành phố trực thuộc Trung ương) mà cần điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu và xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Cụ thể, hồ sơ gồm:

- Sổ hộ khẩu;

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (Mẫu HK02);

- Giấy khai sinh;

Còn đối với tỉnh thì người dân cần nộp 01 bộ hồ sơ điều chỉnh thông tin trong Sổ hộ khẩu như trên tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trên đây là giải đáp thắc mắc Khai mục quê quán trên Tờ khai Căn cước công dân thế nào?. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X