hieuluat
Chia sẻ email

Khi nào được ủy quyền cho người khác nhận lương?

Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm nội dung ủy quyền cho người khác nhận lương. Vậy Bộ luật này quy định khi nào được ủy quyền cho người khác nhận lương?

Mục lục bài viết
  • Ủy quyền là gì?
  • Điều kiện ủy quyền nhận lương
  • Có bắt buộc phải ủy quyền nhận toàn bộ số lương không?
Câu hỏi: Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, em có một thắc mắc xin được giải đáp như sau:

Trong trường hợp em không đến nhận lương trực tiếp từ công ty thì có được phép ủy quyền cho người khác nhận lương thay không ạ? Ủy quyền khi nào? Em có thể chỉ ủy quyền cho người đó nhận một phần được không? Cần đáp ứng điều kiện gì không?

Trả lời:

Ủy quyền là gì?

Trong đời sống xã hội các chủ thể có thể tự mình thực hiện các công việc hoặc ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc trong phạm vi pháp luật cho phép.

Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

uy quyen la gi
Ủy quyền là gì? (Ảnh minh họa)

Như vậy, ủy quyền được hiểu là cá nhân, tổ chức cho phép cá nhân, tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc cho phép, ủy quyền đó.

Đồng thời, việc ủy quyền được xác lập dựa trên ý chí của hai bên, bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Ủy quyền được tiến hành thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền quy định về nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền và trách nhiệm của người được ủy quyền, người ủy quyền.

Ủy quyền sẽ là căn cứ để làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.

Hoạt động ủy quyền không tồn tại mãi mãi mà sẽ chấm dứt khi xảy ra sự kiện pháp lý nhất định, ví dụ như thời hạn ủy quyền hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành; trường hợp một trong hai bên chết;…


Điều kiện ủy quyền nhận lương

Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:

“Điều 94. Nguyên tắc trả lương

1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”

Quy định về nguyên tắc trả lương tại Bộ luật Lao động 2019 vẫn tiếp tục kế thừa quy định tại Bộ luật Lao động 2012 về việc người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung quy định mới về việc ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp.

co duoc uy quyen cho nguoi khac nhan luong khong
Khi nào được ủy quyền cho người khác nhận lương? (Ảnh minh họa)

Bộ luật Lao động không đưa ra quy định về điều kiện cụ thể khi ủy quyền nhận lương. Tuy nhiên căn cứ khoản 1 Điều 94 Bộ luật này có thể thấy người lao động được phép ủy quyền cho người khác nhận lương khi:

  • Không trực tiếp nhận lương được;
  • Ủy quyền hợp pháp.

Không thể nhận lương trực tiếp ở đây có thể hiểu là việc bản thân người lao động không tự mình nhận lương được do nhiều nguyên nhân như: ốm đau, tai nạn, thai sản hoặc đang đi công tác ở nước ngoài;…

Tuy nhiên, pháp luật cũng không bắt buộc người lao động phải chứng minh lý do chính đáng của việc ủy quyền nhưng họ phải tự chịu trách nhiệm về việc ủy quyền cho người khác nhận thay. Người sử dụng lao động cũng không có quyền đòi hỏi người lao động phải chứng minh lý do ủy quyền.

Do vậy, về nguyên tắc người lao động có thể ủy quyền cho bất kỳ ai nhận thay lương, kể cả việc trả lương sang tài khoản của người khác. Như vậy, trường hợp bạn không thể trực tiếp nhận lương thì có thể làm ủy quyền cho một người khác chẳng hạn như vợ hoặc chồng; người thân;… hay bất kỳ ai khác mà bạn tin tưởng để nhận lương thay.

Ủy quyền hợp pháp ở đây tức là đảm bảo về nội dung và hình thức ủy quyền. Về nội dung ủy quyền không được trái với các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm: bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận;….

Dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Dân sự có thể thấy pháp luật ghi nhận hình thức ủy quyền bằng văn bản. Hiện nay, ủy quyền thể hiện dưới dạng Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền. Nếu làm giấy ủy quyền thì chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền, còn hợp đồng ủy quyền cần chữ ký của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Đồng thời việc ủy quyền phải được công chứng, chứng thực.

Như vậy, điều kiện để ủy quyền cho người khác nhận lương là khi bạn không thể trực tiếp nhận và lưu ý bạn phải có giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền hợp pháp. Để thuận tiện bạn nên làm giấy ủy quyền sẽ thuận tiện hơn là làm hợp đồng ủy quyền bởi nội dung ủy quyền đơn giản và chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền là được.


Có bắt buộc phải ủy quyền nhận toàn bộ số lương không?

Mặc dù Luật quy định cho phép ủy quyền nhận lương nhưng cũng không bắt buộc ủy quyền nhận toàn bộ hay một phần. Do đó, người lao động có thể chỉ ủy quyền cho nhận một phần lương, phần còn lại bản thân họ vẫn trực tiếp nhận.

Với quy định mở như vậy tạo điều kiện người lao động có thể dễ dàng thực hiện chi tiền lương cho các mục đích khác nhau, ví dụ: ủy quyền để cho người nhà nhận một phần tiền lương qua chuyển khoản, lúc đó người lao động không phải mất công và thời gian chuyển lại một lần cho người thân.

Trên đây là giải đáp về thắc mắc khi nào được ủy quyền cho người khác nhận lương. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X