hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 08/04/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không nộp phạt vi phạm giao thông có bị sao không?

Tình trạng không nộp phạt vi phạm giao thông, đặc biệt là phạt nguội không phải là hiếm gặp. Vậy không nộp phạt vi phạm giao thông có bị sao không?

Câu hỏi: Tôi mới mua xe lại của một người ở Hải Phòng, khi đi đăng kiểm xe thì Trung tâm đăng kiểm báo xe bị phạt nguội ở Nghệ An và phải nộp phạt thì mới đăng kiểm được. Cho tôi hỏi có đúng không ạ? Tôi cảm ơn - Cao Thành Hưng (Quảng Ninh)

Trả lời:

Không nộp phạt vi phạm giao thông sẽ bị cưỡng chế nộp?

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Theo khoản 2 Điều 86 Luật này, người có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự sau:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Căn cứ Điều 3 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, việc cưỡng chế được áp dụng theo nguyên tắc sau:

- Chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế;

- Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương;

- Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Không nộp phạt vi phạm giao thông có bị phạt thêm?

không nộp phạt vi phạm giao thông có bị sao không
Không nộp phạt vi phạm giao thông có bị sao không (Ảnh minh họa)

Ngoài việc bị cưỡng chế nộp phạt, người vi phạm còn bị phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số tiền này nộp cùng số tiền nộp phạt.

Số tiền nộp phạt = Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp)

Không nộp phạt xe ô tô không được đăng kiểm?

Theo Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT này, trong kiểm định xe cơ giới có 07 hành vi sau không được thực hiện:

- Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, từ chối kiểm định cho xe cơ giới khi không có lý do chính đáng;

- Kiểm định khi thiết bị kiểm định không bảo đảm độ chính xác; khi việc nối mạng truyền kết quả kiểm tra của thiết bị kiểm định bị hư hỏng; kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định;

- Bố trí người thực hiện công việc kiểm định không đúng với quy định;

- Yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định;

- Thu phí, lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu và nhận tiền hoặc quà biếu dưới mọi hình thức;

- Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định;

- Lập hồ sơ cho xe cơ giới, sử dụng ấn chỉ kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.

Theo đó, đơn vị đăng kiểm không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Như vậy, nếu xe ô tô không tiến hành nộp phạt vi phạm giao thông thì sẽ bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định và không thể thực hiện được kiểm định.

Trên đây là giải đáp thắc mắc Không nộp phạt vi phạm giao thông có bị sao không?. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X