hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 12/02/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm căn cước công dân: Chi tiết cách thực hiện mới nhất

Trình tự, thủ tục làm thẻ căn cước công dân đã có nhiều thay đổi từ cuối năm 2019 với loạt văn bản mới ban hành. Do đó, Vanbanluat đã tổng hợp, cập nhật chi tiết cách làm căn cước công dân mới nhất hiện nay để bạn đọc có thể dễ dàng thực hiện được.

Mục lục bài viết
  • 1. Thẻ căn cước công dân là gì?
  • 2. Ai được cấp thẻ căn cước công dân?
  • 3. Thẻ căn cước công dân có bao nhiêu số?
  • 4. Làm căn cước công dân ở đâu?
  • 5. Thủ tục cấp mới thẻ căn cước công dân

1. Thẻ căn cước công dân là gì?

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về lai lịch, đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của người được cấp thẻ giúp phân biệt người này với người khác để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 3, Điều 20 Luật Căn cước công dân).

Từ ngày 01/01/2016, thẻ căn cước công dân được cấp mới tại 16 tỉnh, thành phố thay thế cho Chứng minh nhân dân (CMND) trước đây.

Và theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Căn cước công dân, từ ngày 01/01/2020, triển khai cấp thẻ căn cước công dân trên cả nước (lưu ý, không phải đồng loạt đổi từ CMND sang mà áp dụng với một số trường hợp - được trình bày cụ thể tại phần 2).

Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết Điều ước hoặc Thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu.

làm căn cước công dân

Làm căn cước công dân: Chi tiết cách thực hiện mới nhất (Ảnh minh họa)

2. Ai được cấp thẻ căn cước công dân?

Các đối tượng sau đây được cấp thẻ căn cước công dân:

Trường hợp 01: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cấp mới căn cước công dân lần đầu (khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13);

Trường hợp 02: Đã được cấp CMND (9 số hoặc 12 số) vẫn còn thời hạn nhưng có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân;

Trường hợp 03: Đã được cấp CMND (9 số hoặc 12 số) nhưng thuộc một trong các trường hợp phải cấp đổi, cấp lại CMND thì được cấp thẻ căn cước công dân:

+ Hết thời hạn sử dụng (15 năm kể từ ngày cấp);

+ Bị mất CMND;

+ CMND hư hỏng không sử dụng được;

+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

+ Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

3. Thẻ căn cước công dân có bao nhiêu số?

Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân. Theo đó, thẻ căn cước công dân gồm 12 số theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, có cấu trúc gồm:

- 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh;

- 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

4. Làm căn cước công dân ở đâu?

Theo Điều 26 Luật số 59/2014/QH13, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp căn cước công dân:

- Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp huyện;

- Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp tỉnh;

- Trung tâm căn cước công dân quốc gia.

Trong năm, sẽ có những đợt làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân khi cần thiết.

5. Thủ tục cấp mới thẻ căn cước công dân (Dành cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên)

Bước 1: Người có yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân có thể lựa chọn 01 trong 02 cách sau theo Điều 4 Thông tư số 11/2016/TT-BCA được sửa đổi tại Thông tư số 48/2019/TT-BCA:

- Mang theo Sổ hộ khẩu đến 01 trong các cơ quan có thẩm quyền cấp căn cước hoặc;

- Kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai căn cước công dân - mẫu CC01 trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2:

Cán bộ tiếp công dân đưa cho người đến làm thủ tục Tờ khai căn cước công dân - mẫu CC01 để điền thông tin hoặc;

In Tờ khai căn cước công dân mà công dân đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.

Bước 4:

Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trên các giấy tờ xuất trình.

Bước 5:

* Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện thì thực hiện các công việc sau (Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA sửa đổi tại Thông tư 48/2019/TT-BCA):

1- Nhập thông tin về loại cấp thẻ căn cước công dân (cấp, đổi, cấp lại) , thông tin nhân thân của công dân trực tiếp từ Tờ khai căn cước công dân hoặc qua Tờ khai trực tuyến, tả và nhập thông tin về đặc điểm nhận dạng của công dân;

2- Thu nhận vân tay: Thu nhận vân tay chụm của 04 ngón bàn tay phải, vân tay chụm của 04 ngón bàn tay trái; vân tay của 02 ngón cái.

Trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

3- Chụp ảnh chân dung, in Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (mẫu CC02) chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.

* Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thông tin chưa đầy đủ, chính xác thì hướng dẫn công dân bổ sung hoặc kê khai lại. Nếu thiếu giấy tờ liên quan theo quy định thì hướng dẫn bằng văn bản cho công dân, ghi rõ nội dung cần bổ sung. Sau đó thực hiện thu nhận thông tin (03 công việc nêu trên).

* Trường hợp qua đối chiếu thông tin thấy không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ cho công dân và ghi rõ lý do vào Tờ khai căn cước công dân.

* Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân để đối chiếu. Sau đó thu nhận thông tin (03 công việc tại trường hợp đầu).

* Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.

Bước 6:

Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân. Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết); tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện (công dân trả phí chuyển phát).

Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân.

Lệ phí: Không phải nộp lệ phí (điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 59/2019/TT-BTC).

Thời hạn giải quyết:

Không quá 07 ngày làm việc. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc (khoản 1 Điều 25 Luật Căn cước công dân).

6. Thủ tục đổi CMND sang thẻ căn cước (Dành cho người đã có CMND 9 số hoặc 12 số)

Bước 1:

Người có yêu cầu cấp đổi CMND sang thẻ căn cước công dân có thể lựa chọn 01 trong 02 cách sau:

- Mang theo Sổ hộ khẩu đến 01 trong các cơ quan có thẩm quyền cấp căn cước hoặc;

- Kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai căn cước công dân - mẫu CC01 trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2: Xuất trình Sổ hộ khẩu để đối chiếu thông tin với Tờ khai. Nộp lại CMND cũ (Điều 15 Thông tư số 07/2016/TT-BCA sửa đổi tại Thông tư số 40/2018/TT-BCA):

* Đối với CMND 9 số

- CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp Giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp căn cước.

Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ.

- Trường hợp CMND 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân.

* Đối với CMND 12 số:

- CMND 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp Giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp căn cước.

- Trường hợp CMND 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân.

* Trường hợp mất CMND 9 số: cấp Giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất.

Bước 3: Nhập thông tin về loại cấp thẻ căn cước công dân (cấp, đổi, cấp lại) , thông tin nhân thân của công dân trực tiếp từ Tờ khai căn cước công dân hoặc qua Tờ khai trực tuyến, tả và nhập thông tin về đặc điểm nhận dạng của công dân.

Bước 4: Thu nhận vân tay chụm của 04 ngón bàn tay phải, vân tay chụm của 04 ngón bàn tay trái; vân tay của 02 ngón cái.

Trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

Bước 5: Chụp ảnh chân dung, in Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (mẫu CC02) chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.

Bước 6: Nộp lệ phí: 30.000 đồng (khoản 1 Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC).

Bước 7: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng CMND chưa cắt góc để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ.

Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết); nơi trả kết quả tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.

Bước 8: Khi trả thẻ căn cước công dân:

* CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ): Nộp giấy hẹn trả thẻ căn cước cùng với CMND. Cắt góc phía trên bên phải mặt trước CMND, mỗi cạnh góc vuông 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho công dân.

* CMND 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ: Nộp giấy hẹn trả thẻ căn cước cùng với CMND. Cắt góc phía trên bên phải mặt trước CMND, mỗi cạnh góc vuông 1,5cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho công dân.

Thời hạn giải quyết

Không quá 07 ngày làm việc. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc (khoản 1 Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014).

Xem thêm:

Năm 2020, ai phải đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân?

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X