hieuluat
Chia sẻ email

Có thể ly hôn nhanh không cần hòa giải được không?

Hòa giải là bước để hai bên cùng có thời gian xem xét kỹ việc ly hôn. Tuy nhiên, nếu không thể hàn gắn, hai bên muốn giải quyết nhanh chóng thủ tục ly hôn, thì có bắt buộc phải qua bước hòa giải không?

1. Hòa giải có phải là thủ tục bắt buộc khi ly hôn không?

Hòa giải tại cơ sở là bước cần thiết và được khuyến khích thực hiện tại cơ sở như thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác hay còn gọi là thôn, tổ dân phố (khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013).

Việc hòa giải ở cơ sở được nêu tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở, cụ thể phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở, khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, đảm bảo bình đẳng giới…

Do đó, có thể thấy, việc hòa giải ở cơ sở không phải là yêu cầu bắt buộc khi hai vợ chồng muốn ly hôn với nhau.

Nếu hòa giải ở cơ sở không thành thì sau khi nộp đơn ly hôn và được thụ lý thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không hòa giải được hoặc được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Từ những quy định này có thể thấy, khi đơn ly hôn được gửi đến Tòa án, dù đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn thì cũng đều phải tiến hành hòa giải tại Tòa.

Co the ly hon nhanh khong can hoa giai duoc khong

Có thể ly hôn nhanh không cần hòa giải được không? (Ảnh minh họa)

2. Làm sao để ly hôn nhanh không cần hòa giải?

Với các trường hợp thuận tình ly hôn, bắt buộc Tòa án phải tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ Tòa án có thể không tiến hành hòa giải khi giải quyết vụ án dân sự trong 02 trường hợp:

* Những vụ án dân sự không được hòa giải (Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự): bao gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

- Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cầm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

* Những vụ án dân sự không hòa giải được (Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự) :

- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 02 mà vẫn cố tình vắng mặt;

- Đương sự không thể tham gia được vì có lý do chính đáng;

- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Do đó, trong vụ án ly hôn đơn phương, nếu muốn ly hôn mà không cần hòa giải thì một trong hai bên vợ chồng có thể làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án.

Riêng bị đơn trong yêu cầu ly hôn đơn phương có thể vắng mặt sau 02 lần Tòa án triệu tập hòa giải hợp lệ thì sẽ không hòa giải được.

Như vậy, khi ly hôn thuận tình thì bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải. Riêng vụ án ly hôn đơn phương, nếu một trong hai bên làm đơn đề nghị không hòa giải hoặc bị đơn vắng mặt trong 02 lần triệu tập hợp lệ thì không tiến hành hòa giải được. Khi đó, vụ án ly hôn sẽ không cần hòa giải.

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X