hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 19/02/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Từ vụ diễn viên Huỳnh Anh: Mở cửa xe ô tô như thế nào cho đúng luật?

Trong những ngày qua, vụ việc diễn viên Huỳnh Anh mở cửa xe gây tai nạn cho người điều khiển xe máy đang di chuyển trên đường đang được khá nhiều người quan tâm. Vậy, trong trường hợp này mở cửa xe ô tô đúng quy định pháp luật là như thế nào?

Tóm tắt sự việc: Theo chủ một tài khoản chia sẻ, vụ việc diễn ra vào tối ngày 15/02/2021, video đã ghi lại cảnh nam diễn viên Huỳnh Anh mở cửa xe gây tai nạn cho người điều khiển xe máy đang đi trên đường. Vụ việc này đã gây tranh cãi trên mạng xã hội nhiều ngày qua khi nam diễn viên cho rằng do xe máy đi sai làn nên từ chối khi chủ phương tiện xe máy đưa lại hóa đơn sửa xe.

Mở cửa xe ô tô như thế nào thì đúng luật?

Theo khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc dừng xe, đỗ xe trên đường bộ được quy định như sau:

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

Từ quy định trên, có thể hiểu, đối với phương tiện là ô tô, người lái và người trên xe cần đảm bảo điều kiện an toàn trước khi mở cửa xe, để cửa xe mở và bước xuống xe. Khi muốn mở cửa xe ra ngoài phải chú ý quan sát phía trước, sau cửa xe, chỉ được mở cửa khi cảm thấy an toàn.

Theo đó, nếu vi phạm, tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Người mở cửa xe thiếu quan sát, gây tai nạn cho người khác có thể bị phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

mo cua o to gay tai nan

Mở cửa ô tô gây tai nạn bị xử lý thế nào​? (Ảnh minh họa)


Mở cửa ô tô sai quy định bị xử lý thế nào? Mức bồi thường ra sao?

Về mức xử phạt hành chính

Từ phân tích trên, với các hành vi mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không đảm bảo an toàn sẽ chịu mức phạt theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

g) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;... 

Như vậy, người điều khiển xe mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn sẽ phải chịu mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Ngoài bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng.

Về mức xử phạt khi gây hậu quả nghiêm trọng

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Theo đó, mức phạt sẽ tăng dần theo mức độ nghiêm rọng của vụ việc. Mức phạt tối đa tại Điều này là phạt tù từ 07 - 15 năm. Ngoài phạt tù, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Việc vi phạm quy định mở cửa xe gây tai nạn là hành vi không đảm bảo an toàn về giao thông đường bộ theo phân tích trên. Theo đó, trường hợp xảy ra tai nạn ngoài ý muốn do lỗi của người mở xe thì người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm. Cụ thể bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Bên cạnh, theo Điều 5 Nghị định 03/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/3/2021) quy định về phạm vi bồi thường thiệt hại trong trường hợp xảy ra tai nạn giữa các phương tiện cơ giới của quỹ bảo hiểm xe cơ giới như sau:

- Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.

- Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.

Như vậy, nếu chủ xe ô tô có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì phía bảo hiểm sẽ tiến hành bồi thường thiệt hại với thân thể, tính mạng và tài sản với đối tượng mà xe ô tô này gây tai nạn trong phạm vi hợp đồng các bên thỏa thuận.

Từ những phân tích trên, người vi phạm quy định về mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không đảm bảo an toàn sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng và bồi thường thiệt hại nếu có.


Những lưu ý để mở cửa xe ô tô an toàn tránh tai nạn

Khi dừng, đỗ xe ô tô trên đường, để hạn chế các vụ tai nạn do lỗi bất cẩn, không quan sát trước khi xuống xe, mở cửa xe, người lái xe và người ngồi trên xe cần chú ý những vấn đề sau:

- Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn. Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.

- Trước khi mở cửa xe, người ngồi trên xe cần chú ý quan sát kỹ bằng mắt thường trước và sau. Thao tác mở cửa xe đúng là tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo mở khóa. Tay trái mở hé cánh cửa, quan sát kỹ đến khi thấy an toàn mới xuống xe.

- Khi xe đang chạy luôn khóa trái cửa để đảm bảo an toàn, chắc chắn cửa xe không bị bật ra gây tai nạn cho người đang tham gia giao thông trên đường.

- Người ra đến đâu thì mở cửa xe đến đó, tránh mở hết cửa.

Trên đây là giải đáp mở cửa ô tô gây tai nạn bị phạt bao nhiêu. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

X