hieuluat
Chia sẻ email

Hướng dẫn thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất

Mục lục bài viết
  • Có được rút sổ tiết kiệm của người đã mất không?
  • Hướng dẫn thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất 
  • Thừa kế sổ tiết kiệm có phải đóng thuế không? 

Có rút tiền tiết kiệm của người đã mất được không và nếu rút được thì thủ tục như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin và hiểu rõ hơn về vấn đề này. 

Câu hỏi: Thưa luật sư, mẹ tôi vì tuổi già sức yếu nên đã qua đời cách đây 02 tháng. Sau khi dọn dẹp đồ đạc của mẹ, chúng tôi phát hiện mẹ có một quyển sổ tiết kiệm tại Ngân hàng. Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể rút tiền tiết kiệm của mẹ tôi được không và tôi phải làm thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Có được rút sổ tiết kiệm của người đã mất không?

Theo quy định về thừa kế, khoản tiền gửi trong sổ tiết kiệm của người đã mất hoàn toàn có thể được rút để chia cho những người thừa kế. 

Căn cứ theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Mà tiền gửi trong trong sổ tiết kiệm là tài sản và sổ tiết kiệm chính là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu số tiền của người gửi tiền tại Ngân hàng (theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN).

Có được rút sổ tiết kiệm của người đã mất không?Có được rút sổ tiết kiệm của người đã mất không?

Mọi cá nhân đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình hoặc để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Theo đó, khi người gửi tiền tiết kiệm mất thì số tiền trong sổ tiết kiệm này được xem là di sản thừa kế và di sản này sẽ được chia cho những người thừa kế theo di chúc/theo pháp luật (Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015)

Như vậy, trong trường hợp người gửi tiền tiết kiệm qua đời, số tiền gửi tiết kiệm sẽ được chia cho những người thừa kế theo di chúc/theo pháp luật. 

Hướng dẫn thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất 

Để rút sổ tiết kiệm của người đã mất, cần thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

Hướng dẫn thủ tục rút tiền tiết kiệm của người đã mấtHướng dẫn thủ tục rút tiền tiết kiệm của người đã mất

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết để rút sổ tiết kiệm

Căn cứ Điều 63 Luật Công chứng 2014, các loại giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị cho việc rút tiền tiết kiệm của người đã mất bao gồm:  

- Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu của những người nhận thừa kế 

- Giấy chứng tử 

- Giấy khai sinh/Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để xác nhận quan hệ giữa các hàng thừa kế 

- Di chúc (nếu có)

- Sổ tiết kiệm 

- Các loại giấy tờ khác có liên quan của người nhận thừa kế như Giấy xác nhận độc thân, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Bước 2: Đến văn phòng công chứng khai nhận di sản thừa kế 

- Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, những người thừa kế đến Văn phòng công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế/phân chia di sản thừa kế. 

- Văn bản khai nhận/Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, sẽ được niêm yết tại UBND cấp xã trong thời hạn 15 ngày.

Nếu trong 15 ngày UBND phản hồi không có khiếu nại, tố cáo, bỏ sót người thừa kế, văn phòng công chứng sẽ tiến hành công chứng/chứng thực vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Bước 3: Rút tiền tiết kiệm của người đã mất tại Ngân hàng nơi lập sổ tiết kiệm

- Những người thừa kế mang các giấy tờ sau đến ngân hàng nơi có sổ tiết kiệm để ký nhận và rút tiền tiết kiệm theo quy định của Ngân hàng:

+ Văn bản khai nhận/Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

+ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu của những người thực hiện thủ tục rút sổ tiết kiệm

+ Giấy chứng tử

+ Giấy tờ chứng minh nhân thân với người đã mất: Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

+ Giấy uỷ quyền đã công chứng/chứng thực (trong trường hợp cử người đại diện để thực hiện thủ tục rút tiền tiết kiệm)

- Khi đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, tất cả người thừa kế có thể đến hoặc cùng uỷ quyền cho một người đại diện để thực hiện rút sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Việc thực hiện uỷ quyền phải được công chứng/chứng thực tại Uỷ ban nhân dân hoặc Văn phòng công chứng.

Lưu ý: Nếu những người thừa kế không thoả thuận được việc phân chia di sản thừa kế thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. 

Khi có kết quả giải quyết vụ án, những người thừa kế mang theo bản án  có hiệu lực để thực hiện thủ tục rút tiền tiết kiệm tại Ngân hàng.

Thừa kế sổ tiết kiệm có phải đóng thuế không? 

Theo quy định, người hưởng thừa kế sổ tiết kiệm không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. 

Căn cứ theo Khoản 9 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ nhận thừa kế phải nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm :

Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu/đăng ký sử dụng.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các đối tượng sau sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân:

- Vợ với chồng;

- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;

- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu;

- Cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội;

- Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Theo đó, thừa kế sổ tiết kiệm không  phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Trên đây là thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất, hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể nắm được các bước thực hiện thủ tục. Nếu gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan, vui lòng liên hệ hotline  19006199 để được hỗ trợ và giải đáp nhanh chóng nhất.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X