hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tiền bảo hiểm thất nghiệp nhận ở đâu? Về quê nhận được không?

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ hữu ích giúp bù đắp thu nhập cho người lao động trong thời gian không có việc làm. Vậy, người lao động nhận trợ cấp ở đâu? Có được về quê nhận không?

Mục lục bài viết
  • Có được chọn nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
  • Cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm thất nghiệp? Nhận trợ cấp ở đâu?
  • Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ở thành phố, về quê nhận được không?
Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, em làm việc trong một nhà máy ở Bình Dương, đã đóng bảo hiểm được 2 năm. Em đã xin nghỉ việc tuần trước và về quê, hiện vẫn chưa tìm được việc làm mới. Cho em hỏi, em làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ở quê được không, hồ sơ gồm những giấy tờ gì? - Trà Giang (Quảng Nam).

Trả lời:


Có được chọn nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Từ quy định trên, có thể hiểu, trong 03 tháng kể từ ngày bị mất việc làm mà chưa có việc và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động có thể nộp hồ sơ tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Do vậy, bạn làm việc tại Bình Dương nhưng hiện tại đã về quê và đang trong thời hạn 03 tháng chưa có việc làm thì có thể nộp hồ sơ tại nơi bạn đang sinh sống.

nhan bao hiem that nghiep o dau

Nhận bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? Về quê nhận được không? (Ảnh minh họa)


Cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm thất nghiệp? Nhận trợ cấp ở đâu?

Theo đó, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 16, 17 và 18 Nghị định này. Cụ thể như sau:

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người lao động chuẩn bị một bộ hồ sơ nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

(Trường hợp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi theo đường bưu điện thì ngày nhận hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện).

Bước 3: Chi trả trợ cấp thất nghiệp

- Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

(Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo).


Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ở thành phố, về quê nhận được không?

Căn cứ Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

1. Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định trên, người lao động có mong muốn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng điều kiện sau:

- Đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.

- Có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Như vậy, trường hợp bạn đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp ở nơi đang làm việc mà có mong muốn về quê nhận thì có thể làm hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp.

Để chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động thực hiện theo thủ tục sau đây.

Bước 1: Người lao động nộp đơn đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp.

Bước 2: Trung tâm dịch vụ việc làm chuyển hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến.

Hồ sơ gồm có:

- Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

- Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có).

- Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bước 3: Tổ chức chi trả trợ cấp ở nơi chuyển đến

Tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người lao động chuyển đến hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động.

Trên đây là giải đáp nhận bảo hiểm thất nghiệp ở đâu. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24h giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Xem thêm:

Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2021 là bao nhiêu?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X