hieuluat
Chia sẻ email

Thủ tục nhập khẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội

Hiện nay, nhu cầu được nhập khẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội ngày càng phổ biến. Vậy, để thực hiện, cần những thủ tục nào?

Căn cứ:

- Luật Cư trú 81/2006/QH11;

- Luật sửa đổi Luật Cư trú 2006;

- Thông tư 35/2014-TT-BCA;

- Luật Thủ đô 2012.

1. Điều kiện nhập khẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cư trú 2006, nếu thuộc 06 trường hợp dưới đây và được chủ hộ đồng ý thì được nhập khẩu vào nhà người thân. Cụ thể:

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

- Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

- Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.

Ngoài ra, để được nhập khẩu vào nhà người thân ở nội thành Hà Nội, cần đáp ứng thêm một số điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô, bao gồm:

- Đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên;

- Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở;

- Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Huong dan thu tuc nhap khau vao nha nguoi than tại noi thanh Ha Noi

Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục nhập nhẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội

* Chuẩn bị hồ sơ

Các giấy tờ cần thiết để được nhập khẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu;

- Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân;

- Bản khai nhân khẩu (đối với người trên 14 tuổi);

- Giấy chuyển hộ khẩu;

- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ với chủ hộ (được nêu cụ thể tại mục 3 bài viết này).

* Nộp hồ sơ

Tại Công an quận nơi đăng ký nhập khẩu.

* Nhận kết quả

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an quận nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm giải quyết yêu cầu xin nhập khẩu này.

Trường hợp không giải quyết phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy tờ chứng minh mối quan hệ với chủ hộ

Để được nhập khẩu vào nhà người thân tại nội thành Hà Nội, phải nộp cho Công an quận nơi đăng ký nhập khẩu các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với chủ hộ. Theo quy định tại Thông tư 35/2014/TT-BCA, các giấy tờ chứng minh bao gồm:

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy đăng ký kết hôn; sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu;

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu;

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh người hết tuổi lao động: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh;

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh là người được nghỉ chế độ hưu: Sổ hưu; quyết định nghỉ hưu; xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội; xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trước khi nghỉ hưu;

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh về việc công dân nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc: Quyết định hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trước khi nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc;

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột: Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, giấy khai sinh;

- Giấy xác nhận khuyết tật đối với người khuyết tật có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất, tinh thần;

- Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên đối với người mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi;

- Sổ hộ khẩu, giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Văn bản về việc cử người giám hộ, trừ các trường hợp người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên, của người mất năng lực hành vi dân sự;

- Giấy tờ, tài liệu để xác định là người chưa thành niên: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng: Xác nhận của UBND cấp xã;

Ngoài các giấy tờ, tài liệu nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể khi đăng ký thường trú công dân phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Giấy tờ chứng minh là người độc thân: Xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột: Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, giấy khai sinh.

Xem thêm:

Điều kiện và thủ tục đăng ký thường trú tại Hà Nội

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X