hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 30/07/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tiêm vắc xin Covid-19, cần lưu ý những gì?

Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh này tại các tỉnh, thành phố. Như vậy, cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19?

Câu hỏi: Tôi muốn đăng kí tiêm vắc xin Covid-19 nhưng không biết cần lưu ý những gì khi tiêm vắc xin Covid-19? (Quang Đạo - Quảng Bình)

Đối tượng được tiêm Vắc xin Covid-19?

Muốn tìm hiểu những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cần biết các đối tượng có thể được tiêm vắc xin phòng bệnh này. Tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19, Bộ Y tế có nêu:

Đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Các đối tượng được ưu tiên trong tiêm chủng vắc xin Covid-19 cụ thể như sau:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

- Người tham gia phòng chống dịch

- Lực lượng Quân đội;

- Lực lượng Công an;

- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

- Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

- Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá…;Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;

- Người sinh sống tại các vùng có dịch;

- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập…

- Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu..

- Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

- Người lao động tự do;

- Các đối tượng khác theo quy định của Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành…

Lưu ý: Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19
Những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 là gì? Ảnh minh họa.

Những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19?

Theo thông tin hướng dẫn của Bộ Y tế, khi tiêm vắc xin Covid-19 cần nhớ những điều sau:

Trước khi tiêm chủng cần tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế vế loại vắc xin phòng Covid-19 sẽ được tiêm; các dấu hiệu có thể xuất hiện sau tiêm và cách xử lý; cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ khi cần hỗ trợ.

- Khi tiêm và sau khi được tiêm cần đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K

- Giữ giấy xác nhận đã tiêm chủng vắc xin

- Thông báo cho cán bộ y tế và cập nhật trên ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” các phản ứng sau tiêm gặp phải

Ngoài ra, không được bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm; Không tự điều khiển phương tiện giao thông nếu thấy không khỏe sau khi tiêm; Ghi nhớ thông tin liên lạc của bác sỹ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp

Khi đi tiêm chủng cần mang theo:

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc thẻ BHYT để xác thực thông tin cá nhân.

- Sổ khám, giấy ra viện, đơn thuốc…sử dụng trong thời gian gần đây

Bên cạnh đó, cần thông báo cho cán bộ y tế thông tin sức khỏe cá nhân hiện tại như: có đang sốt, có bệnh cấp tính, bệnh mãn tính; tình trạng nhiễm Covid-19 (nếu có); có đang mang thai, cho con bú…Ngoài ra, cần thông báo về các thuốc, liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng gần đây; tiền sử dị ứng...

Nếu là lần tiêm thứ 2, cần thông báo về phản ứng sau tiêm của mũi 1.

Sau khi tiêm chủng: 

Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm

Khi về nhà, nơi làm việc: chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 28 ngày

Khi nào cần liên hệ cấp cứu sau tiêm vắc xin Covid-19?

Ngoài những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 như đã nêu trên, cần biết các dấu hiệu thông thường sau khi tiêm vắc xin: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, ngứa, sưng đỏ tại chỗ tiêm, bồn chồn.

Và tại Quyết định 3588/QĐ-BYT ban hành ngày 26/7/2021, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn người được tiêm chủng tự theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Cụ thể người được tiêm chủng cần tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 07 ngày đầu. Nếu thấy một trong các dấu hiệu sau phải liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

- Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Trên đây là giải đáp về Những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 là gì?  Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X