hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 23/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người sử dụng đất có những quyền gì theo Luật Đất đai 2013?

Quyền của người sử dụng đất là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Vậy, quyền của người sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 cụ thể thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.

Câu hỏi: Xin hỏi, theo quy định tại Luật Đất đai 2013 hiện nay thì người sử dụng đất có những quyền lợi gì? Nếu đất đang có tranh chấp thì sẽ bị hạn chế những quyền nào? Xin cảm ơn! - Anh Thử (Quảng Ninh).

Theo Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có những quyền gì?

Quyền của người sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 được nêu rõ tại Điều 166, gồm:

- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

- Được Nhà nước bảo hộ khi bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai.

- Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Trên đây là những quyền chung của người sử dụng đất được Nhà nước công nhận. Bên cạnh đó, người sử dụng đất còn được thực hiện các quyền khác như:

- Quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất...

- Quyền sử dụng hạn chế với thửa đất liền kề.

- Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất.

Ngoài ra, Luật Đất đai cũng quy định rõ các quyền của tổ chức sử dụng đất trong các trường hợp:

- Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (Điều 173 Luật Đất đai 2013).

- Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (Điều 174 Luật Đất đai 2013).

- Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm (Điều 175 Luật Đất đai 2013).

- Tổ chức kinh tế được thuê đất để xây dựng công trình ngầm (Điều 178 Luật Đất đai 2013)...

Về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất cũng được quy định rõ trong Luật Đất đai 2013.

Quyền của người sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 ra sao? (Ảnh minh họa)


Quyền của người sử dụng đất khi có tranh chấp bị ảnh hưởng thế nào?

Tranh chấp đất đai xảy ra là điều mà không ai mong muốn bởi quyền của người sử dụng đất có thể sẽ bị hạn chế hoặc mất đi khi xảy ra tranh chấp, cụ thể:

Người sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu

Tại khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013 nêu rõ:

“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”

Với trường hợp người sử dụng đất không có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất, Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

- Được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất khi:

+ Có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,...

+ Được UBND xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

- Được cấp Giấy chứng nhận và phải nộp tiền sử dụng đất khi:

+ Sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01/7/2004;

+ Không vi phạm pháp luật về đất đai;

+ Được UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị,...

Bị từ chối hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận

Theo khoản 11 Điều 11 Thông tư số 33/2017/TT-BTNTM, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có quyền từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận khi cơ quan này nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Nói cách khác, khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được văn bản về việc đất đang được kiến nghị giải quyết tranh chấp thì có quyền từ chối hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.

Không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền của mình như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,... quyền sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 và trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013.

- Đất không có tranh chấp.

- Đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Đất đang trong thời hạn sử dụng

Bình thường (DIV)

Tóm lại, trường hợp đất đang có tranh chấp, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế hoặc mất đi các quyền như: Cấp Sổ đỏ lần đầu; giao dịch đất đai;... và ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sử dụng đất của người dân.

Trên đây là giải đáp về Quyền của người sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Quy trình cấp Sổ đỏ theo Luật Đất đai 2013 thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X