hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 11/01/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quyền thừa kế của con dâu, con rể theo quy định mới nhất

Trong một số gia đình, con dâu, con rể đôi khi cũng thân thiết với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ như con đẻ. Vậy khi cha mẹ mất, con dâu, con rể có được quyền thừa kế tài sản không?

Mục lục bài viết
  • Quyền thừa kế của con dâu, con rể khi không có di chúc
  • Chồng chết, vợ có được hưởng thừa kế của bố mẹ chồng?
  • Bố và ông bà mất cùng lúc, cháu nội có được hưởng thừa kế thay bố?
  • Bố mẹ cho đất con trai, con dâu có được hưởng không?

Quyền thừa kế của con dâu, con rể khi không có di chúc

Câu hỏi: Câu hỏi: Nhà chồng tôi có 03 anh chị em, chồng tôi là anh cả, dưới còn còn có hai cô em gái, một người đã lấy chồng. Bố chồng tôi mất đã lâu, còn mẹ chồng thì vừa mới mất nhưng vì ra đi đột ngột nên bà cũng không kịp để lại di chúc. Tài sản mẹ chồng tôi để lại là 02 mảnh đất trị giá khoảng gần 2,5 tỷ đồng. Cho tôi hỏi, tài sản này sẽ chia như thế nào? Con dâu, con rể có được được hưởng thừa kế không? - Dương Thị Thảo (Hà Nam).
Trả lời:

Theo quy định của pháp luật, nếu người mất không để lại di chúc, người thân sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Cụ thể, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định trên, con dâu, con rể không thuộc một trong những người thừa kế theo pháp luật. Vì thế, trong trường hợp của bạn, con dâu, con rể cũng không được hưởng thừa kế mà tài sản sẽ được chia đều cho 03 người con là hàng thừa kế thứ nhất bao gồm chồng bạn và hai người em.

 

Chồng chết, vợ có được hưởng thừa kế của bố mẹ chồng?

Câu hỏi: Chồng tôi đã mất cách đây 03 năm, một mình tôi vừa nuôi con, vừa chăm sóc bố chồng bệnh nặng. Nhà chồng tôi có 02 anh em trai, chồng tôi là con thứ, mẹ chồng mất cũng đã lâu. Do bệnh tình đột ngột chuyển biến xấu, ông qua đời nhưng cũng không có di chúc cho con cháu. Tài sản duy nhất ông để lại là căn nhà tôi và 02 con đang sống để chăm ông lúc bệnh tật. Xin hỏi, nếu chia thừa kế, tôi và 02 con có được hưởng phần thay cho chồng không ạ? - Lê Thị Hồng (lehong…@gmail.com).

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người mất không để lại di chúc thì vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết là những người ở hàng thừa kế thứ nhất được chia thừa kế theo luật.

Tuy nhiên, nếu một trong những người này chết trước khi được chia thừa kế thì vợ, con của đó cũng sẽ không được hưởng thay quyền thừa kế.

Như vậy, bạn sẽ và các con của bạn sẽ không được hưởng quyền thừa kế của ông nội.

con dau co duoc huong thua ke
Con dâu có được hưởng thừa kế của bố mẹ chồng? (Ảnh minh họa)
 

Bố và ông bà mất cùng lúc, cháu nội có được hưởng thừa kế thay bố?

Câu hỏi: Chồng tôi và bố mẹ chồng cùng nhau về quê nhưng không may xảy ra tai nạn. Cả xe bị một chiếc Công-te-nơ đâm trên đường, không ai qua khỏi. Nhà chồng tôi có 05 anh em, mỗi người đều đã có gia đình ổn định. Tai nạn xảy ra quá đột ngột nên ông bà cũng không có di chúc gì cả. Tài sản ông bà để lại là một mảnh đất vườn ở quê và một căn nhà trên thành phố đang sống cùng bác cả. Vợ chồng tôi đã có một bé trai 07 tuổi. Xin hỏi, tài sản bố mẹ chồng để lại sẽ chia như thế nào? Chồng tôi mất cùng lúc với ông bà thì con tôi có được hưởng thừa kế thay bố không? - Nguyễn Hường (huongng...@gmail.com).

Trả lời:

Trường hợp người mất không để lại di chúc, tài sản của họ sẽ được chia theo pháp luật.

Theo quy định về người thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ được chia tài sản thừa kế theo những phần bằng nhau.

Bên cạnh đó, tại Điều 652 Bộ luật Dân sự quy định:

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Như vậy, theo quy định trên, tài sản của bố mẹ chồng bạn sẽ được chia làm 05 phần bằng nhau 05 người con. Trong đó, con trai bạn sẽ được hưởng 01 phần thay cho người cha đã mất.

 

Bố mẹ cho đất con trai, con dâu có được hưởng không?

Câu hỏi: Bố chồng tôi có ý định lập di chúc chia cho 03 anh em lần lượt mỗi người một mảnh đất của gia đình. Theo tôi được biết thì tài sản của vợ là tài sản chung. Vậy nếu chồng tôi nhận thừa kế thì tôi có quyền sở hữu một nửa mảnh đất đó không? - Phạm Anh Thư (phaman...@gmail.com).

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng…

Như vậy, theo quy định trên, mảnh đất mà chồng bạn được thừa kế sẽ là tài sản riêng và không phải tài sản chung của cả hai vợ chồng.

Trên đây là các quy định về con rể, con dâu có được hưởng thừa kế của bố, mẹ chồng. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Xem thêm:

Không có tên trong di chúc, nhiều người vẫn được hưởng thừa kế

Chồng mất không để lại di chúc, vợ con có được hưởng toàn bộ gia sản?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X