hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 13/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định thế nào?

Việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai rất quan trọng khi người dân yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu xác định không đúng thẩm quyền có thể sẽ bị từ chối hoặc trả lại đơn yêu cầu.

Câu hỏi: Năm 1980, tôi bắt đầu khai hoang sử dụng mảnh đất diện tích 500m2. Đến nay, gia đình tôi vẫn chưa cấp sổ đỏ.Năm 2021, tôi và gia đình hàng xóm có xảy ra tranh chấp về việc xác định quyền sử dụng mảnh đất 500 m2 thuộc về ai. Vậy trong trường hợp trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Xin cảm ơn! - Văn Mạnh (Vĩnh Phúc).

Tranh chấp đất đai là gì?

Căn cứ theo khoản 24, Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Theo quy định tại Điều 166 và Điều 170 Luật Đất đai 2013 có quy định về quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất và theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, ta có thể thấy các tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất chủ yếu phát sinh trong quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nghĩa vụ sử dụng đất đúng ranh giới thửa đất.

Do đó, có thể hiểu tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai có quyền sử dụng đất (bao gồm cả tranh chấp ranh giới thửa đất).

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định thế nào? (Ảnh minh họa)


Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thế nào?

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cụ thể như sau:

Thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã

Theo quy định tại khoản 2, Điều 202 Luật Đất đai 2013 có quy định:

“Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”

Do đó, UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với các trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải hoặc hòa giải ở cơ sở không thành.

Thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai 2013, UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi:

- Các bên đã tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành.

- Các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.

- Đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.

Đối với UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với các vụ việc tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư (theo điểm a, khoản 3, Điều 203 Luật Đất đai 2013)

Đối với UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với các vụ việc tranh chấp giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (theo điểm b, khoản 3, Điều 203 Luật Đất đai 2013)

Sau khi các bên đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì có thể thực hiện quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể:

- Trường hợp không đồng ý quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp huyện thì các bên có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc thực hiện khiếu kiện hành chính tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh (theo điểm a, khoản 3, Điều 203 Luật Đất đai 2013 và khoản 4, Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015)

- Trường hợp không đồng ý quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì các bên có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khiếu kiện hành chính tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh (theo điểm b, khoản 3, Điều 203 Luật Đất đai 2013 và khoản 3, Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015)

Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.

Theo quy định tại khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai 2013, Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự trong trường hợp:

- Các bên đã tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành.

- Các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013; hoặc trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 nhưng lựa chọn Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp.

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 35 và điểm c, khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Căn cứ theo khoản 3, Điều 35; điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 37 và điểm c, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp:

- Trường hợp 1: Tranh chấp mà có đương sự ở nước ngoài.

Theo khoản 1, Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP, đượng sự ở nước ngoài được hiểu là

+ Đương sự (người Việt Nam hoặc người nước ngoài) không định cư, công tác, học tập ở Việt Nam và không cần biết đương sự có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam khi tòa án thụ lý.

+ Đương sự (người Việt Nam hoặc người nước ngoài) định cư, công tác, học tập ở Việt Nam và không có mặt tại Việt Nam khi tòa án thụ lý.

+ Cơ quan, tổ chức (nước ngoài hoặc Việt Nam) mà không có trụ sở, chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam khi tòa án thụ lý.

-Trường hợp 2: Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng Tòa án nhân dân cấp huyện đề nghị Tòa nhân dân cấp tỉnh giải quyết hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết trong trường hợp xét thấy cần thiết.

Trên đây là giải đáp về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Tranh chấp đất đai đã có Sổ đỏ được giải quyết ra sao?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X