hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 23/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư?

Thu hồi đất là một hình thức mà Nhà nước thu hồi lại quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất. Và một trong những vấn đề mà người dân lo lắng đó là liệu họ sẽ nhận được những quyền lợi gì. Với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư hay không?

Câu hỏi: Gia đình tôi được UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 3000 m2 đất nông nghiệp vào năm 2000. Đến năm 2021, Nhà nước ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất trên để làm đường giao thông. Vậy trong trường hợp trên, khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì gia đình tôi có được bồi thường một suất tái định cư không? - Nguyễn Minh (Hà Giang)

Thu hồi đất nông nghiệp được bồi thường, hỗ trợ những gì?

Về các khoản bồi thường

Khi người sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi đất thì có thể được hưởng các khoản bồi thường sau:

Thứ nhất, bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền.

Căn cứ theo Điều 75 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau thì mới được bồi thường đất:

- Có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận;

- Sử dụng đất một trong các hình thức sau đây: Giao đất có thu tiền sử dụng đất (không  thuộc trường hợp được miễn tiền sử dụng đất); thuê đất trả tiền một lần (không thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất ); nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì vẫn được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.(Theo quy định tại khoản 2, Điều 77 Luật Đất đai 2013).

Khi tiến hành bồi thường đất, Nhà nước sẽ thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.(Theo quy định tại khoản 2, Điều 74 Luật Đất đai 2013)

Thứ hai, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:

- Chi phí san lấp mặt bằng.

- Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

- Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh.

- Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Thứ ba, bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Căn cứ theo Điều 92 Luật Đất đai 2013, điều kiện để được bồi thường tài sản gắn liền với đất như sau:

- Đất bị thu hồi thuộc một trong các trường hợp tại Điều 61; Điều 62; điểm c, g và h, khoản 1, Điều 64; điểm a, c, đ, e, khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

+ Đất bị thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội.

+ Đất bị thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật bao gồm các trường hợp: Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành; đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.

- Tài sản đó phải được tạo lập đúng quy định của pháp luật và được tạo lập từ trước khi có thông báo thu hồi đất.

- Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác còn sử dụng.

Thứ tư, bồi thường chi phí di chuyển tài sản.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 91 Luật đất đai 2013, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

Về các khoản hỗ trợ

Thứ nhất, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất như sau:

- Đối với hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất nông nghiệp theo chính sách Nhà nước hoặc thuộc đối tượng đủ điều kiện giao đất nông nghiệp theo chính sách Nhà nước đang sử dụng đất nông nghiệp do chuyển nhượng, nhận thừa kế, tặng cho, khai hoang, được UBND cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp thì người sử dụng đất chỉ cần có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại các Điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông trường, lâm trường thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất.

Việc hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của người sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4, Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, cụ thể:

- Về hỗ trợ ổn định đời sống:

+ Đối với trường hợp thu hồi từ 30% - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở; trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trong thời gian tối đa 24 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

+ Đối với trường hợp thu hồi đất trên 70% diện tích đất nông nghiệp dang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở; trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trong thời gian 36 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương với 30 kg gạo trong 1 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.

- Về hỗ trợ ổn định sản xuất:Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6, Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 19 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền; hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 19 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây:

- Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 129 của Luật đất đai.

- Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương

Thứ ba, hỗ trợ khác

Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. (Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 47/2014/NĐ-CP)

Thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư? (Ảnh minh họa)


Trường hợp nào được bồi thường tái định cư khi nhà nước thu hồi đất?

Về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư, căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Điều 86 Luật Đất đai 2013, việc bồi thường tái định cư chỉ được thực hiện khi người sử dụng đất bị thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi. Do đó, đối với các trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi đất nông nghiệp thì sẽ không được bồi thường tái định cư.

Tuy nhiên,hộ gia đình, cá nhân vẫn có thể tái định cư trên diện tích đất nông nghiệp còn lại của thửa đất có nhà ở khi nhà nước thu hồi đất bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.

Theo quy định tại khoản 5, Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và khoản 1, Điều 4 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT, việc tái định cư này chỉ áp dụng đối với trường hợp:

- Thửa đất có nhà ở bị thu hồi và phần diện tích đất còn lại không bị thu hồi thuộc đất nông nghiệp.

- Phần diện tích còn lại của thửa đất thu hồi đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi.

- Việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Trên đây là giải đáp về Thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Đất đã có quyết định thu hồi có được chuyển nhượng không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X