hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 25/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục khám giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi thế nào?

Nhiều người do ảnh hưởng của sức khỏe, suy giảm khả năng lao động mà phải nghỉ hưu trước tuổi. Thủ tục khám giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi thế nào? Theo dõi ngay bài viết sau để nắm được quy định hiện hành của pháp luật.

 
Mục lục bài viết
  • Các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi
  • Thủ tục khám giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi
  • Hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị để giám định sức khỏe
  • Các bước giám định sức khỏe
  • Mẫu đơn xin giám định nghỉ hưu trước tuổi
Câu hỏi: Tôi năm nay 50 tuổi đang gặp vấn đề sức khỏe, bị suy giảm khả năng lao động nên muốn nghỉ hưu trước tuổi. Tôi phải làm thủ tục giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi thế nào? Mong nhận được hướng dẫn cụ thể.

Các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi

Các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi

Từ khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực đã điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu của người lao động, theo đó tăng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để đạt được: Lao động nam năm 2028 nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và lao động nữ năm 2035 nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, có các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi sau đây:

TH1: Nghỉ hưu trước tuổi với những người lao động bị suy giảm khả năng lao động

Với trường hợp này, người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi phải đảm bảo:

- Điều kiện 1: Thời gian đóng BHXH là đủ 20 năm. Tức là có ít nhất 20 năm đóng BHXH.

- Điều kiện 2: Mức độ suy giảm khả năng lao động như sau:

+ Suy giảm 61% - dưới 81% khả năng lao động và có tuổi thấp hơn tối đa tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu đúng.

+ Suy giảm trên 81% khả năng lao động và có tuổi thấp hơn tối đa tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu đúng.

+ Suy giảm khả năng lao động 61% trở lên và có thời gian làm về nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là đủ 15 năm.

Như vậy, không phải trường hợp nào bị suy giảm khả năng lao động đều được nghỉ hưu sớm. Pháp luật quy định cụ thể mức độ suy giảm cũng như các điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu sớm.

TH2: Nghỉ hưu trước tuổi khi NLĐ không gặp vấn đề suy giảm khả năng lao động

Người lao động được nghỉ hưu sớm không phải vì suy giảm sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Điều kiện 1: Có thời gian đóng BHXH ít nhất là đủ 20 năm.

- Điều kiện 2: Thuộc vào một trong những trường hợp liệt kê sau đây:

+ Thời gian làm nghề, làm công việc được xác định là độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm hoặc công việc đặc biệt độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm hoặc có thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên: Đủ 15 năm.

+ Thời gian làm công việc về khai thác than trong hầm lò: Đủ 15 năm.

+ Bị nhiễm căn bệnh HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp.

Đối tượng là lực lượng vũ trang như công an, quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan,... được nghỉ hưu sớm nếu:

- Nam đủ 55 tuổi 09 tháng hoặc nữ đủ 51 tuổi.

- Nam đủ 50 tuổi 09 tháng hoặc nữ đủ 46 tuổi, đồng thời phải có thời gian đủ 15 năm làm về nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi mà phụ cấp khu vực có hệ số 0.7 trở lên là đủ 15 năm.

- Đối tượng bị nhiễm căn bệnh HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp.

Thủ tục khám giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi

Thủ tục khám giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi
Thủ tục giám định sức khỏe (cụ thể là mức độ suy giảm khả năng lao động) để nghỉ hưu non được thực hiện theo quy định của Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017, sửa đổi bởi Thông tư 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế, cụ thể như sau:

Hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị để giám định sức khỏe

Theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 56 được sửa bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT thì bộ hồ sơ cần chuẩn bị gồm có các giấy tờ sau đây:

- Giấy giới thiệu hoặc giấy đề nghị giám định sức khỏe.

+ Giấy giới thiệu: Do người sử dụng lao động (công ty) cấp cho người lao động đang đóng BHXH, sử dụng theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Giấy giới thiệu này gồm các thông tin về tên cơ quan/tổ chức giới thiệu NLĐ, thông tin NLĐ (như họ tên, ngày tháng năm sinh, thông tin thẻ căn cước công dân, mã số BHXH, công việc hiện tại, điện thoại liên lạc,...), tên Hội đồng Giám định y khoa nơi tổ chức đề nghị giám định, nội dung đề nghị giám định, loại hình giám định, các chế độ mà NLĐ đang được hưởng.

+ Giấy đề nghị giám định: Dùng cho trường hợp NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng. Người lao động dùng mẫu theo Phụ lục 2 của Thông tư 56. Giấy này do người lao động tự khai các thông tin cá nhân, ghi rõ các thương tật, bệnh tật đề nghị khám giám định.

- Một trong những giấy tờ sau đây (sử dụng bản chính hoặc bản sao có chứng thực):

+ Tóm tắt hồ sơ bệnh án;

+ Giấy xác nhận khuyết tật;

+ Giấy ra viện;

+ Sổ khám bệnh;

+ Phiếu khám bệnh;

+ Phiếu kết quả cận lâm sàng;

+ Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;

+ Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định;

- Giấy tờ nhân thân của người lao động đi khám giám định như căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực hoặc giấy tờ nhân thân khác có dán ảnh. Với những người không may bị mất, không còn những giấy tờ nêu trên thì xin xác nhận của Công an xã trong đó đóng dấu giáp lai lên ảnh và không quá 03 tháng tính đến ngày đi khám.

Các bước giám định sức khỏe

Điều 13 Thông tư 56/2017/TT-BYT sửa bởi Thông tư 18/2022/TT-BYT hướng dẫn các bước khám sức khỏe như sau:

* Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để giám định sức khỏe

- Tùy thuộc vào trường hợp NLĐ hiện đang được đóng bảo hiểm xã hội hay đang tạm dừng đóng mà tiến hành lập hồ sơ.

- Với những người đang làm việc tại công ty/đơn vị thì chính đơn vị/công ty đó sẽ làm hồ sơ. Trường hợp còn lại tự chuẩn bị hồ sơ như thành phần đã hướng dẫn ở trên.

* Bước 2: Nộp hồ sơ đến Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh

- Số lượng: 01 bộ hồ sơ

- Phương thức: Nộp hồ sơ trực tiếp đến Hội đồng giám định hoặc gửi qua bưu điện.

* Bước 3: Tiến hành giám định sức khỏe

- Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, Hội đồng Giám định y khoa sẽ xem xét, bố trí, sắp xếp lịch khám cho người lao động.

- Nếu không giám định thì sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do gửi đơn người gửi hồ sơ, thời hạn là 10 ngày làm việc.

* Bước 4: Nhận kết quả

Sau khi tiến hành giám định sức khỏe, trong vòng 10 ngày kể từ ngày có kết luận thì người yêu cầu sẽ nhận được Biên bản giám định y khoa.

Mẫu đơn xin giám định nghỉ hưu trước tuổi

* Mẫu 1: MẪU GIẤY GIỚI THIỆU ĐỀ NGHỊ GIÁM ĐỊNH

Sửa/In biểu mẫu

CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: ………/GGT

…….1….., ngày ….. tháng ….. năm …..

GIẤY GIỚI THIỆU

Kính gửi: Hội đồng Giám định y khoa2……………………..

……………………….…………3………………….………………..trân trọng giới thiệu:

Ông/ Bà: ………………………………………Sinh ngày.... tháng... năm……………………

Chỗ ở hiện tại: …………………………………………………………………………………..

CCCD/CMND/Hộ chiếu số: ..............Ngày cấp: …………….Nơi cấp: ……………………

Số Sổ BHXH/Mã số BHXH: …………………………………4……………………………….

Nghề/công việc …………………………………………….5…….……………………………

Điện thoại liên hệ: ……………………………………………………………………………..

Là cán bộ/ nhân viên/ thân nhân của ………………………………………………………..

Được cử đến Hội đồng Giám định y khoa …………………………………………………..

để giám định mức suy giảm khả năng lao động:

Đề nghị giám định: …………………………………..6…………………………………….

Loại hình giám định: ………………………………….7……………………………………

Nội dung giám định: ………………………………….8……………………………………

Đang hưởng chế độ: …………………………………9……………………………………

Xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã (10)

LÃNH ĐẠO CƠ QUAN/ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)

HƯỚNG DẪN GHI GIẤY GIỚI THIỆU

Ghi chú: Giấy giới thiệu có giá trị trong vòng ba tháng kể từ ngày ký giới thiệu.

1 Ghi địa danh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở cơ quan, đơn vị giới thiệu đề nghị giám định.

2 Tên Hội đồng Giám định y khoa nơi tổ chức đề nghị giám định.

3 Tên cơ quan, đơn vị giới thiệu người lao động.

4 Ghi số sổ bảo hiểm xã hội hoặc mã sổ bảo hiểm xã hội. Việc ghi mã số bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng khi cơ quan bảo hiểm xã hội chính thức có thông báo về việc sử dụng mã số bảo hiểm xã hội thay cho số sổ bảo hiểm xã hội.

5 Trường hợp là thân nhân của người lao động đề nghị khám giám định để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì không cần khai nội dung nghề/công việc.

6 Ghi rõ một trong các hình thức khám giám định sau: lần đầu/tái phát/lại/tổng hợp/phúc quyết.

7 Ghi rõ một trong các nội dung khám giám định sau: tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp/hưu trí/tuất/hưởng bảo hiểm xã hội một lần/hưởng chế độ thai sản.

8 Ghi rõ bệnh, tật cần khám giám định theo các giấy tờ điều trị.

9 Ghi rõ chế độ đang hưởng và tỷ lệ tổn thương cơ thể của lần khám giám định gần nhất (nếu có). Đối với giám định tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp ghi rõ tổn thương cơ thể (nếu có) kể cả tỷ lệ tổn thương cơ thể đó chưa đủ để hưởng chế độ.

10 Chỉ áp dụng đối với trường hợp người sử dụng lao động không có dấu: Ví dụ như hộ kinh doanh cá thể.

* Mẫu 2: GIẤY ĐỀ NGHỊ KHÁM GIÁM ĐỊNH

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

……..., ngày ….. tháng ….. năm …..

GIẤY ĐỀ NGHỊ KHÁM GIÁM ĐỊNH

Kính gửi: …………………………………………….

Tên tôi là…………………….………………………. Sinh ngày…….tháng……..năm……..

Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………………………….

CCCD/CMND/Hộ chiếu số: …..……….. Ngày cấp:……………… Nơi cấp:……………......

Số sổ BHXH/Mã số BHXH: ………………………………….1………………………………..

Nghề/công việc: ……………………………………………2…………………………………..

Điện thoại liên hệ: ………………………………………………………………………………

Đề nghị được giám định mức độ suy giảm khả năng lao động:

Đề nghị giám định: …………………………………………3 …………………………………

Loại hình giám định:………………………………………. 4 …………………………………

Nội dung giám định:………………………………………. 5 …………………………………

Đang hưởng chế độ:……………………………………….6 …………………………………

Xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã (10)

Người viết giấy đề nghị
(Ký, ghi rõ họ tên)

HƯỚNG DẪN GHI GIẤY ĐỀ NGHỊ KHÁM GIÁM ĐỊNH

1 Ghi số sổ bảo hiểm xã hội hoặc mã số bảo hiểm xã hội. Việc ghi mã số bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng khi cơ quan bảo hiểm xã hội chính thức có thông báo về việc sử dụng mã số bảo hiểm xã hội thay cho số sổ bảo hiểm xã hội.

2 Ghi rõ hiện có đang làm việc trong môi trường có yếu tố gây bệnh nghề nghiệp được đề nghị khám hay không.

Trường hợp là thân nhân của người lao động đề nghị khám giám định để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì không cần khai nội dung nghề/công việc.

3 Ghi rõ một trong các hình thức khám giám định sau: lần đầu/tái phát/lại/ tổng hợp/phúc quyết.

4 Ghi rõ một trong các nội dung khám giám định sau: tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp/hưu trí/tuất/hưởng bảo hiểm xã hội một lần/hưởng chế độ thai sản.

5 Ghi rõ tên thương tật bệnh tật đề nghị khám giám định theo các giấy tờ khám, điều trị thương tật, bệnh tật.

6 Ghi rõ chế độ đang hưởng và tỷ tệ tổn thương cơ thể của lần khám giám định gần nhất (nếu có). Đối với giám định tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp ghi rõ tổn thương cơ thể (nếu có) kể cả tỷ lệ tổn thương cơ thể đó chưa đủ để hưởng chế độ.

7 Chỉ áp dụng đối với trường hợp thân nhân của người lao động là người chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giám định.

Đây là hai mẫu đơn xin giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi chính xác nhất 2023 mà chúng tôi cập nhật và cung cấp đến bạn đọc.

Chi phí giám định nghỉ hưu trước tuổi 

Phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa hiện nay được thực hện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 243/2016/TT-BTC.

Theo đó được chia thành Khám lâm sàng phục vụ giám định y khoa và Khám cận lâm sàng phục vụ giám định y khoa.

- Phí khám lâm sàng: Nếu khám giám định thông thường thì mức phí là 1.150.000 đồng/trường hợp, khám giám định phúc quyết là 1.368.000 đồng/trường hợp và 1.513.000 đồng/trường hợp nếu giám định đặc biệt.

- Phí khám cận lâm sàng phục vụ giám định y khoa: Tùy thuộc vào nội dung khám mà mức phí thấp nhất là 135.000 đồng/trường hợp và cao nhất là 2.882.000 đồng/trường hợp.

Bạn đọc có thể xem chi tiết các nội dung tại Thông tư 243/2016/TT-BTC.

Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi Thủ tục khám giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi thế nào? mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật lao động, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X