hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 10/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục ly hôn đơn phương nhanh thực hiện thế nào?

Khi cuộc sống gia đình không hạnh phúc, một trong hai bên muốn “giải thoát” cho nhau thì ly hôn là biện pháp mà khá nhiều cặp đôi lựa chọn. Vậy làm sao để ly hôn đơn phương?

Ai được yêu cầu ly hôn đơn phương?

Xin chào, tôi vừa sinh con xong nhưng lại phát hiện chồng tôi ngoại tình từ khi tôi mang bầu đến giờ anh ta vẫn duy trì mối quan hệ ngoài luồng đó. Thậm chí, trong suốt thời gian tôi mang thai, anh ta còn không hề chăm sóc cũng như khi tôi sinh cũng không chăm gì con tôi cả. Tôi muốn ly hôn nhưng anh ta không đồng ý. Vậy tôi muốn tự mình gửi đơn ly hôn có được không? Thủ tục thế nào ạ?

Trả lời:

Hiện nay, có hai hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình (hai vợ chồng cùng đồng ý, tự nguyện ly hôn) và ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên).

Trong trường hợp của bạn, do chồng không muốn ly hôn nhưng nếu có đủ căn cứ thì bạn vẫn có quyền được yêu cầu ly hôn theo hình thức đơn phương và Tòa sẽ xem xét sau đó đưa ra quyết định về việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân của hai bạn.

Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn theo yêu cầu của một bên hay thường gọi là ly hôn đơn phương được định nghĩa như sau:

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

Theo quy định này, vợ hoặc chồng có thể gửi đơn ly hôn theo ý chí của bản thân mình nếu có các căn cứ sau đây:

- Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình với người còn lại.

- Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng như nghĩa vụ tôn trọng, yêu thương lẫn nhau… khiến cuộc hôn nhân của hai người trầm trọng và đời sống vợ, chồng không thể kéo dài dẫn đến mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như câu hỏi của bạn, do chồng bạn ngoại tình trong thời gian bạn mang thai và sinh con thậm chí còn không chăm sóc khi bạn có bầu cũng như khi bạn sinh nên chồng bạn đã vi phạm quy định về tình nghĩa vợ chồng nêu tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể:

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Có thể thấy, ngoài việc kết hôn để duy trì nòi giống thì việc kết hôn cũng phải hoàn toàn tự nguyện, dựa trên cơ sở tình cảm của hai người nam nữ. Sau khi kết hôn, hai vợ, chồng phải có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong trường hợp của bạn, chồng bạn ngoại tình, không hề quan tâm, chăm sóc bạn cũng như con bạn mới sinh nên đây hoàn toàn có thể trở thành lý do để Tòa án chấp nhận xem xét cho hai vợ, chồng ly hôn.

Như vậy, khi ly hôn đơn phương, vợ hoặc chồng đều có thể gửi yêu cầu Tòa án ly hôn. Khi Tòa án không thể hòa giải thì sẽ giải quyết ly hôn cho hai người nếu có căn cứ nêu trên.

thu tuc ly hon don phuong
Muốn ly hôn đơn phương, phải thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)


Thủ tục ly hôn đơn phương mới nhất thế nào?

Để ly hôn đơn phương, bạn cần phải chuẩn bị và thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

Chuẩn bị hồ sơ

Để đơn phương ly hôn, vợ hoặc chồng phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Theo đó, căn cứ khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người muốn ly hôn đơn phương phải chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Đơn khởi kiện.

- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc cần Tòa án giải quyết như:

+ Đăng ký kết hôn để chứng minh mối quan hệ hôn nhân của vợ, chồng (bản chính). Nếu không có thì có thể xin cấp bản sao và nêu rõ lý do trong đơn.

+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng cùng sổ hộ khẩu của gia đình (bản sao) để chứng minh nhân thân của vợ, chồng.

+ Giấy khai sinh của con (nếu có con chung) - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt, nếu hai vợ, chồng muốn Tòa giải quyết quyền nuôi con, cấp dưỡng.

+ Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung của hai vợ, chồng (nếu có và có yêu cầu phân chia)…

Xem thêm…

Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết và nộp hồ sơ

Giải quyết ly hôn đơn phương thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cấp huyện nơi người bị yêu cầu ly hôn cư trú (thường trú hoặc tạm trú), làm việc là cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương.

Xem thêm: Nộp đơn ly hôn ở đâu? Nộp nơi tạm trú có được không?

thu tuc ly hon don phuong

Có thể nộp đơn ly hôn tại nơi thường trú hoặc tạm trú của vợ/chồng (Ảnh minh họa)


Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương

Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương theo thủ tục giải quyết một vụ án dân sự. Do đó, khi muốn ly hôn đơn phương, cần phải trải qua các giai đoạn sau đây:

- Gửi đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền: Trong thời gian 03 ngày, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn.

- Thụ lý đơn ly hôn: Trong 05 ngày được phân công, Thẩm phán sẽ quyết định sửa đổi, bổ sung đơn ly hôn hay tiến hành thụ lý đơn ly hôn, trả lại đơn hay chuyển cho đơn vị có thẩm quyền khác…

- Chuẩn bị xét xử: Thời gian này khoảng 04 tháng gồm các bước nộp tạm ứng án phí, thu thập chứng cứ, xác định tư cách đương sự, hòa giải, đưa vụ án ra xét xử… Nếu vụ án phức tạp thì thời gian này có thể được gia hạn thêm không quá 02 tháng.

- Mở phiên tòa và ra bản án ly hôn đơn phương: Thời gian này khoảng 01 tháng. Nếu có ly do chính đáng thì có thể kéo dài thời gian này đến 02 tháng.

Như vậy, nếu không có tình tiết phức tạp, không phải kéo dài, gia hạn thì một vụ án ly hôn đơn phương sẽ được giải quyết trong khoảng 04 - 06 tháng hoặc có thể kéo dài hơn tùy vào tình hình thực tế của từng vụ án.

Xem thêm…

Án phí ly hôn

Căn cứ Nghị quyết 326 năm 2016, mức án phí ly hôn đơn phương nói riêng và ly hôn nói chung được tính theo có giá ngạch và không có giá ngạch.

- Nếu chỉ chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng thì án phí trong trường hợp này là 300.000 đồng.

- Nếu trong vụ án ly hôn đơn phương có yêu cầu phân chia tài sản thì sẽ căn cứ vào giá trị của tài sản để quyết định mức án phí. Cụ thể như sau:

STT

Giá trị tài sản phân chia

Mức thu án phí

1

Từ dưới 06 triệu đồng

300.000 đồng

2

Từ trên 06 - 400 triệu đồng

5% giá trị tài sản

3

Từ trên 400 - 800 triệu đồng

20 triệu đồng + 4% phần giá trị tài sản trên 400 triệu đồng

4

Từ trên 800 triệu đồng - 02 tỷ đồng

36 triệu đồng + 3% phần giá trị tài sản trên 800 triệu đồng

5

Từ trên 02 - 04 tỷ đồng

72 triệu đồng + 2% phần giá trị tài sản trên 02 tỷ đồng

6

Từ trên 04 tỷ đồng

112 triệu đồng + 0,1% phần giá trị tài sản trên 04 tỷ đồng

Xem thêm…

Trên đây là giải đáp liên quan đến thủ tục ly hôn đơn phương. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Quy trình thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình hiện nay ra sao?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X