hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 17/04/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mới nhất

Hiện nay, giáo viên tiểu học được xếp hạng với 3 loại chức danh nghề nghiệp khác nhau. Sau đây là giải đáp một số thắc mắc liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định mới nhất của pháp luật.

Mục lục bài viết
  • Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng III thế nào?
  • Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II là gì?
  • Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng I gồm những tiêu chí gì?
  • Chuyển hạng giáo viên tiểu học từ cũ sang mới thế nào?

Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng III thế nào?

Câu hỏi: Tôi đang là viên tiểu học hạng IV cũ (mã số V.07.03.09), hệ số lương 3,06. Tôi muốn được thăng hạng lên giáo viên hạng III thì cần đáp ứng những điều kiện gì? Nếu lên hạng III thì tôi được xếp lương bao nhiêu? - Lê Vân (levant…@gmail.com)

Để được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên cần đáp ứng các tiêu chuẩn tại Điều 3 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT như sau:

Về nhiệm vụ

- Xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo dục học sinh; tham gia xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo dục học sinh của tổ chuyên môn theo mục tiêu, chương trình giáo dục cấp tiểu học;

- Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và kế hoạch giáo dục của nhà trường;

- Thực hiện các phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp tiểu học;

- Hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia các hoạt động chuyên môn theo yêu cầu; tham gia phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc và xóa mù chữ, giáo dục hòa nhập;

- Phối hợp với cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong giáo dục học sinh, thực hiện công tác tư vấn học sinh tiểu học;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học;

- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

- Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học và triển khai thực hiện vào các nhiệm vụ được giao;

- Thực hiện giảng dạy, giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình giáo dục, kế hoạch giáo dục của nhà trường;

- Vận dụng được kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh;

- Có khả năng áp dụng được các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh;

- Có khả năng phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh;

- Thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để phát triển năng lực chuyên môn bản thân; biết áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục; hướng dẫn học sinh tự làm được đồ dùng dạy học;

- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn trên, bạn có thể được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III. Theo Điều 8 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Theo đó, nếu chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới là 3,33.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III thế nào?

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III thế nào? (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II là gì?

Câu hỏi: Tôi đã công tác được 15 năm, là giáo viên tiểu học hạng III được 7 năm. Đầu năm tôi đã học xong chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, vậy tôi đã đủ điều kiện được xét thăng hạng chưa? - Nguyễn Trường Giang (Hải Dương)

Tại Điều 4 Thông tư 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng 2 như sau:

Về nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

- Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

- Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

- Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao;

- Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình giáo dục; chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;

- Có khả năng vận dụng linh hoạt và hướng dẫn đồng nghiệp vận dụng, cập nhật kịp thời yêu cầu đối mới những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá học sinh) và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách;

- Tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh;

- Vận dụng được các kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục; có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp làm các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp trường trở lên;

- Có khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: tham gia ban giám khảo, thanh tra, kiểm tra; xây dựng và thực hiện được các chuyên đề dạy học;

- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;

- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Theo các thông tin mà bạn cung cấp và quy định về tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II như trên, bạn vẫn chưa đủ điều kiện để được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng II do chưa đủ thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III là 09 năm.

Ngoài ra, để trở thành giáo viên hạng II thì bạn còn cần đáp ứng các tiêu chuẩn khác như: được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp sở, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin…

tieu chuan chuc danh nghe nghiep giao vien tieu hoc

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng I gồm những tiêu chí gì?

Câu hỏi: Tôi đang là giáo viên tiểu học hạng II, giờ muốn phấn đấu lên hạng I thì cần điều kiện gi? Lương giáo viên hạng I là bao nhiêu? - Trần Dung (dungtr…@gmail.com) - Trần Minh Đức (Thái Nguyên)

Trả lời:

Để trở thành giáo viên tiểu học hạng I, giáo viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT. Cụ thể:

Về Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên tiểu học hạng I phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn;

- Chủ trì các hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp huyện trở lên;

- Tham gia đoàn đánh giá ngoài hoặc tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên;

- Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hoặc giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi cấp huyện trở lên.

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên tiểu học hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

- Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

- Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học vào các nhiệm vụ được giao;

- Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh, nhà trường, địa phương; hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, giáo dục;

- Tích cực, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh;

- Có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp làm các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp huyện trở lên;

- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng I và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;

- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn trên, giáo viên sẽ được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. Bảng lương cụ thể của giáo viên tiểu học hạng I như sau:

Đơn vị: 1000 đồng

Nhóm ngạch

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Bậc 6

Bậc 7

Bậc 8

Bậc 9

Hệ số 

2.34

2.67

3.00

3.33

3.66

3.99

4.32

4.65

4.98

Lương

3.487

3.978

4.470

4.962

5.453

5.945

6.437

6.929

7.420

Chuyển hạng giáo viên tiểu học từ cũ sang mới thế nào?

Câu hỏi: Tôi đang là giáo viên tiểu học hạng IV, theo Thông tư 02 mới thì tôi sẽ được chuyển sang hạng mấy - Trần Văn Thao (Đồng Nai)
chuyển hạng giáo viên tiểu học từ cũ sang mới

Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học từ cũ sang mới (Ảnh minh họa)

Hạng cũ

Hạng mới

Điều kiện chuyển hạng

Hạng IV

(mã số V.07.03.09)

Hạng III

(mã số V.07.03.29)

Đạt các tiêu chuẩn chức danh giáo viên tiểu học hạng III mới (trong đó không yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên hạng III) (theo điểm a khoản 1 Điều 7 và khoản 7 Điều 10 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Giữ nguyên hạng cũ nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) và thuộc đối tượng phải nâng chuẩn cho đến khi đạt chuẩn trình độ được đào tạo thì chuyển hạng như trên

(theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Giữ nguyên hạng cũ cho đến khi nghỉ hưu nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) và không thuộc đối tượng phải đi học để nâng chuẩn đào tạo

(theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Hạng III

(mã số V.07.03.08)

Hạng III

(mã số V.07.03.29)

Đạt đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên tiểu học hạng III mới (trong đó yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên hạng III)

(theo điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Giữ nguyên hạng cũ nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) và thuộc đối tượng phải nâng chuẩn cho đến khi đạt chuẩn trình độ được đào tạo thì chuyển hạng như trên

(Khoản 2 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Giữ nguyên hạng cũ cho đến khi nghỉ hưu nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) và không thuộc đối tượng phải đi học để nâng chuẩn đào tạo.

(Khoản 2 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Hạng II

(mã số V.07.03.07)

Hạng II (mã số V.07.03.28)

Đạt đủ các tiêu chuẩn chức danh giáo viên tiểu học hạng II mới (trong đó yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên hạng II)

(theo điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)

Hạng III

(mã số V.07.03.29)

Không đạt đủ các tiêu chuẩn chức danh giáo viên tiểu học hạng II mới.

Khi đã đủ chuẩn thì được bổ nhiệm hạng II mà không cần thi/xét thăng hạng.

(theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)


Lưu ý:

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II, hạng III quy định tại Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II, hạng III quy định tại Thông tư mới (khoản 5 Điều 10 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT).

Trên đây là giải đáp về các câu hỏi liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Nếu còn thắc mắc, xin mời bạn đọc liên hệ 19006199 và cùng trao đổi thêm với chúng tôi.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X