hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/02/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tổng hợp những điều cần biết về căn cước công dân

Từ năm 2016, Việt Nam triển khai cấp thẻ Căn cước công dân để thay thế cho Chứng minh nhân dân (CMND), dưới đây là tổng hợp những điều cần biết về căn cước công dân.

1. Đối tượng được cấp căn cước công dân

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân (khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13).

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 38 Luật này:

- Các trường hợp đã được cấp CMND trước đó nếu có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân;

- Các trường hợp CMND hết thời hạn sử dụng khi làm thủ tục đổi CMND thì sẽ được chuyển qua làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, có tất cả 03 trường hợp được cấp thẻ Căn cước công dân.

những điều cần biết về căn cước công dân

Tổng hợp những điều cần biết về căn cước công dân (Ảnh minh họa)

2. Thời hạn sử dụng căn cước công dân

Khác với CMND có thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp, căn cước công dân phải đổi theo độ tuổi.

Cụ thể, thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

(Ví dụ: Được cấp thẻ Căn cước công dân năm 23 tuổi mà đến 25 tuổi là thời điểm phải đổi thẻ theo quy định nhưng trường hợp này công dân không cần đổi thẻ mà được tiếp tục sử dụng tới khi đủ 40 tuổi mới phải đổi thẻ Căn cước công dân).

3. Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về lai lịch, đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác và được sử dụng để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặc biệt, thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

4. Căn cước công dân làm ở đâu?

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo Điều 26 Luật số 59/2014/QH13:

- Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp huyện;

- Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp tỉnh;

- Trung tâm căn cước công dân quốc gia.

5. Thẻ Căn cước công dân có gắn mã số định danh

Theo khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Trong đó, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Xem thêm:

Làm căn cước công dân: Chi tiết cách thực hiện mới nhất

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X