hieuluat
Chia sẻ email

Quảng cáo sai sự thật bị xử lý thế nào?

Mục lục bài viết
  • Thế nào là quảng cáo sai sự thật?
  • Quảng cáo sai sự thật bị phạt thế nào?
  • Mức xử phạt hành chính
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự
  • Nghĩa vụ của người quảng cáo

Việc áp dụng quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng quảng cáo để mang đến thông tin sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ nhằm trục lợi từ người tiêu dùng. Người có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Hiện nay tôi thấy có rất nhiều video quảng cáo sữa, thuốc, thực phẩm chức năng… sai sự thật, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mua. Đối với những hành vi quảng cáo gian dối đó thì có biện pháp xử lý gì?

Thế nào là quảng cáo sai sự thật?

Theo quy định khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo sai sự thật được hiểu là quảng cáo không đúng sự thật, hoặc gây nhầm lẫn về các vấn đề sau đây liên quan đến sản phẩm:

- Về khả năng cung cấp, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, cá nhân;

- Về chất lượng, số lượng, công dụng, giá, xuất xứ, nhãn hiệu, bao bì, chủng loại, thời gian bảo hành, phương thức phục vụ của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đã được công bố hoặc đã đăng ký trước đó.

Quảng cáo sai sự thật bị phạt thế nào?

Quảng cáo sai sự thật bị xử lý thế nào?

Quảng cáo sai sự thật sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Việc quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt hành chính

Căn cứ khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người có hành vi quảng cáo sai sự thật như trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Trừ một số trường hợp gây nhầm lần đối với các loại hàng hóa đặc biệt sẽ áp dụng mức xử phạt hành chính khác nhau như:

- Quảng cáo tác dụng của mỹ phẩm như thuốc gây nhiểu nhầm thành thuốc: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Quảng cáo tác dụng của thực phẩm chức năng gây hiểu lầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

- Quảng cáo về công dụng, bản chất, chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc của thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, thủy sản sai sự thật: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

-  Quảng cáo sai sự thật về giống cây trồng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, của cá nhân, tổ chức kinh doanh giống cây trồng (giá bán, chất lượng, số lượng), nhãn hiệu, nội dung ghi trên nhãn: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Mức phạt quảng cáo sai sự thật

Ngoài các mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng các loại giấy tờ: Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong trường hợp vi phạm đối với sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong 06 tháng.

* Biện pháp khắc phục: 

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, người vi phạm buộc phải tháo gỡ, xóa hoặc thu hồi quảng cáo. Đồng thời bắt buộc cải chính thông tin đối với các thông tin sai sự thật.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu TNHS về tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, người phạm tội quảng cáo sai sự thật đã bị xử phạt vi phạm hành chính cùng hành vi trước đó hoặc đã từng bị kết án cùng tội danh nhưng chưa được xóa án tích vẫn tái phạm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, đồng thời phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm thực hiện các công việc nhất định hoặc cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm, phạt tiền thêm từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Nghĩa vụ của người quảng cáo

Nghĩa vụ của người quảng cáo

Nghĩa vụ của người quảng cáo

Nghĩa vụ của người quảng cáo hiện nay được căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012, cụ thể bao gồm các nghĩa vụ sau:

- Cung cấp các thông tin cần thiết cho người phát hành quảng cáo hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo;

- Cung cấp chính xác, trung thực về cơ quan, cá nhân, tổ chức, hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, các tài liệu khác liên quan đến hoạt động quảng cáo và chịu trách nhiệm với các thông tin mà mình cung cấp;

- Bảo đảm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo về mặt chất lượng;

- Trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình;

- Trong trường hợp thuê người khác thực hiện quảng cáo phải liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình;

- Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hoặc khi thực hiện công việc với người tiếp nhận quảng cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm cần quảng cáo.

- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

* Quyền của người quảng cáo

Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, người quảng cáo còn có các quyền cơ bản sau:

- Quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, tổ chức, cá nhân của mình;

- Quyết định hình thức và phương thức quảng cáo;

- Được thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời do cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương đã phê duyệt;

- Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Trên đây là một số thông tin về hành vi quảng cáo sai sự thật bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến quy định về quảng cáo, các hình thức và điều kiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

 
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X