hieuluat
Chia sẻ email

Hướng dẫn chi tiết giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ 2023

Tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ được giải quyết như thế nào? Có quan nào có thẩm quyền giải quyết? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây.

Mục lục bài viết
  • Hiểu thế nào là tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ?
  • Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có giấy chứng nhận thế nào?
  • Tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai được xử lý thế nào?
  • Tranh chấp đất đai và tranh chấp quyền sử dụng đất có giống nhau không?
  • Giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai thế nào?

Câu hỏi: Năm 1993, tôi được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 10/9/2021, tôi và hàng xóm có xảy ra tranh chấp về việc xác định ranh giới thửa đất giữa hai nhà.

Vậy cho tôi xin hỏi: đối với trường hợp tranh chấp đất đai đã có Sổ đỏ thì thủ tục giải quyết như thế nào?

Xin cảm ơn - H.N.

Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh việc giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ, chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Hiểu thế nào là tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ?

Theo quy định tại khoản 24, Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp đất đai được định nghĩa là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Từ định nghĩa này, có thể suy ra, tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ là việc tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được cấp sổ đỏ giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Trái lại, tranh chấp đất đai không có sổ đỏ là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được cấp sổ đỏ giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Một số trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến như:

  • Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất với toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất;

  • Tranh chấp về ranh giới giữa các thửa đất liền kề;

  • Tranh chấp về quyền sử dụng khoảng không phía trên mặt đất;

  • ...;

Như vậy, tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ có thể được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được cấp sổ đỏ giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Xác định tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ hoặc chưa có sổ đỏ là căn cứ để thu thập, xác định chứng cứ, tài liệu để giải quyết.

Chi tiết các bước giải quyết tranh chấp được chúng tôi trình bày như phần dưới.

Giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ Giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ 

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có giấy chứng nhận thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai 2013, Luật Hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai (bao gồm tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ, giấy chứng nhận/hoặc chưa có) được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Các bên tự tiến hành hòa giải hoặc thông qua hòa giải tại cơ sở

  • Bước 2: Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiến hành hòa giải

  • Bước 3: Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền

Chi tiết các công việc thực hiện được thực hiện trong từng bước như sau:

Bước 1: Các bên tự tiến hành hòa giải hoặc thông qua hòa giải tại cơ sở

  • Các bên tranh chấp tự mình tiến hành thương lượng, hòa giải để giải quyết để tối ưu thời gian thực hiện cũng như giảm thiểu chi phí, công sức;

  • Trường hợp không thể tự tiến hành, các bên có thể đề nghị bên thứ 3 là tổ chức hòa giải tại cơ sở tiến hành hòa giải theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở 2013;

  • Theo đó, tổ chức hòa giải tại cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập theo cơ sở là từng thôn, làng, ấp, bản, buôn, tổ dân phố,...

  • Trình tự, thủ tục thực hiện hòa giải tại cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở 2013;

Lưu ý rằng, việc tự mình hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở được khuyến khích thực hiện mà không là bắt buộc.

Nói cách khác, các bên có thể tiến hành các bước tiếp theo mà không cần phải thực hiện bước hòa giải tại cơ sở.

Bước 2: Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiến hành hòa giải

  • Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiến hành hòa giải là thủ tục bắt buộc để giải quyết tranh chấp đất đai;

  • Đây là trường hợp mà các bên không tự hòa giải, hòa giải tại cơ sở không thành hoặc không muốn thực hiện hòa giải tại Bước 1;

  • Lúc này, để được giải quyết, một trong số các bên hoặc cả hai bên phải có đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai không được ban hành mẫu, tuy nhiên, thường có các nội dung như thông tin của các bên tranh chấp, diễn biến tình trạng tranh chấp theo thứ tự thời gian, yêu cầu cụ thể của người viết đơn, giấy tờ/tài liệu kèm theo đơn,...;

  • Các bên trong tranh chấp nên gửi đơn trực tiếp tới Ủy ban nhân dân cấp xã để được giải quyết;

  • Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền thực hiện tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu;

  • Nếu hòa giải thành, Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải thành, ngược lại, lập biên bản hòa giải không thành nếu các bên không hòa giải được;

  • Biên bản hòa giải không thành là căn cứ để các bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

Bước 3: Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền

  • Sau khi đã tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không thành, một trong số các bên hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai;

  • Căn cứ khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013, Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi đã có sổ đỏ;

  • Để được giải quyết tại Tòa án nhân dân, bên khởi kiện cần phải chuẩn bị đơn khởi kiện kèm tài liệu, hồ sơ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình gồm:

    • Biên bản hòa giải không thành tại Ủy ban nhân dân cấp xã;

    • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/sổ đỏ;

    • Giấy tờ tùy thân của mình;

    • Giấy tờ, tài liệu, video, hình ảnh... để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;

    • Các tài liệu, chứng từ khác;

Lưu ý: Người khởi kiện (nguyên đơn) có nghĩa vụ đóng nộp đầy đủ tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án nhân dân để Tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết vụ việc.

Như vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ buộc phải tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Các bên trong tranh chấp cần phân biệt tranh chấp đất đai và những tranh chấp liên quan đến đất đai để thực hiện giải quyết tranh chấp cho đúng trình tự.

Các bước giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏCác bước giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ

Tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai được xử lý thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi để phân biệt tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai như thế nào?

Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai được thực hiện theo các bước nào?

Chào bạn, tranh chấp đất đai (trong đó có tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ) và tranh chấp liên quan đến đất đai là những tranh chấp rất dễ gây nhầm lẫn.

Chúng tôi giải đáp cho bạn đọc cách phân biệt hai loại tranh chấp này và cách giải quyết theo quy định hiện hành như dưới đây.

Tranh chấp đất đai và tranh chấp quyền sử dụng đất có giống nhau không?

Tranh chấp đất đai (tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ hoặc chưa có sổ đỏ) và tranh chấp liên quan đến đất đai (tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất) là 2 loại tranh chấp khác nhau.

Điểm giống nhau giữa hai loại tranh chấp này là đều liên quan đến đất đai (đất đã được cấp sổ đỏ hoặc chưa) và đều có thể được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Để phân biệt 2 loại tranh chấp này, có thể dựa trên đặc điểm của tranh chấp, bản chất của tranh chấp, cụ thể như sau:

Tranh chấp đất đai (tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ/chưa có sổ đỏ)

Tranh chấp liên quan đến đất đai/tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất

Là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đất đai (hai hoặc nhiều bên): Tranh chấp về ranh giới, ai là người có quyền sử dụng đất...

Ví dụ:

  • Tranh chấp về ranh giới, mốc giới giữa hai người sử dụng đất liền kề;

  • Tranh chấp về ranh giới giữa người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình với đất thuộc quyền quản lý của cơ quan Nhà nước;

  • Tranh chấp về người có quyền sử dụng, quản lý đất;

  • ...;

Là tranh chấp về các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,...

Ví dụ như:

  • Tranh chấp về việc phân chia thừa kế là quyền sử dụng đất hoặc những người được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất;

  • Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp, tặng cho quyền sử dụng đất...;

  • Tranh chấp về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn;

  • Tranh chấp về chia tài sản chung của đồng sở hữu;

  • Tranh chấp về các

  • ....;

Luật Đất đai 2013

Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP

Trên thực tế, trong vụ án dân sự về đất đai có thể bao gồm cả hai loại tranh chấp (tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai) hoặc chỉ gồm một trong hai loại tranh chấp nêu trên.

Xác định được loại tranh chấp sẽ lựa chọn được quy trình giải quyết tranh chấp phù hợp.

Như vậy, tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ/chưa có sổ đỏ (gọi chung là tranh chấp đất đai) và tranh chấp liên quan đến đất đai là hai loại tranh chấp khác nhau.

Phân biệt được 2 loại tranh chấp này thông qua đặc điểm, bản chất của tranh chấp, quan hệ pháp luật đang được sử dụng.

Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai có sự khác biệt so với giải quyết tranh chấp đất đai và được chúng tôi trình bày cụ thể như dưới đây.

Giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đấtGiải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất

Giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai thế nào?

Khác với giải quyết tranh chấp đất đai, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, các bên không bắt buộc phải tiến hành hòa giải (bao gồm hòa giải tại Tòa án, hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, Trọng tài, ...).

Điều này có nghĩa rằng, các bên có quyền thực hiện khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc yêu cầu Trọng tài có thẩm quyền thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự, thủ tục luật định.

Các bước giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai/liên quan đến quyền sử dụng đất gồm:

  • Bước 1: (Không bắt buộc) Hòa giải tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất

  • Bước 2: Khởi kiện tới Tòa án nhân dân hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp tới trọng tài thương mại

  • Bước 3: Thi hành quyết định/bản án giải quyết tranh chấp

Chi tiết các công việc thực hiện trong từng bước giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai được thực hiện như sau:

Bước 1: (Không bắt buộc) Hòa giải tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất

  • Các bên nên tự mình thực hiện hòa giải tranh chấp liên quan đến đất đai/liên quan đến quyền sử dụng đất;

  • Hòa giải tranh chấp đất đai được thực hiện tại cơ sở, tại Tòa án nhân dân hoặc Trọng tài thương mại,...;

Bước 2: Khởi kiện tới Tòa án nhân dân hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp tới trọng tài thương mại

  • Trường hợp không hòa giải được hoặc không mong muốn hòa giải, các bên có thể chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc tại Trọng tài thương mại được lựa chọn;

  • Thông thường, hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện theo mẫu và các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;

  • Hồ sơ yêu cầu Trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp gồm văn bản thỏa thuận lựa chọn trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp/hoặc hợp đồng có điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đơn để chứng minh cho yêu cầu của mình;

  • Thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo trình tự tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính;

  • Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Trọng tài thương mại được thực hiện theo pháp luật về trọng tài và quy chế của từng trung tâm trọng tài, từng hội đồng trọng tài vụ việc;

Lưu ý rằng, các bên có nghĩa vụ hoàn thành các khoản phí, lệ phí theo quy định để được giải quyết tại Trọng tài thương mại và tòa án nhân dân.

Bước 3: Thi hành quyết định/bản án giải quyết tranh chấp

  • Kết quả của việc giải quyết tại Tòa án nhân dân là bản án/quyết định, còn tại Trung tâm trọng tài là quyết định giải quyết tranh chấp;

  • Các bên có nghĩa vụ tuân thủ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực;

  • Bên được yêu cầu thi hành án (bên thắng kiện) có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân và Trọng tài thương mại theo quy định;

Như vậy, về cơ bản, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai có sự khác biệt lớn nhất so với giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ/chưa có sổ đỏ là ở thủ tục hòa giải.

Đối với tranh chấp đất đai, thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất là bắt buộc, còn tranh chấp liên quan đến đất đai thì không bắt buộc.

Trình tự các bước thực hiện giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai được chúng tôi giải đáp chi tiết như trên.

Xem tiếp: Xử lý tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo thế nào?

HieuLuat đã cung cấp, giải đáp cho bạn đọc về vấn đề tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X