hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 22/01/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Những người nào bị hạn chế quyền bầu cử?

Tham gia bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Trong một số trường hợp, công dân bị hạn chế quyền bầu cử, xóa tên khỏi danh sách cử tri.

Mục lục bài viết
  • Người đang bị phạt tù được ghi tên trong danh sách đi bầu cử không?
  • Trường hợp không thể nhận thức có được tham gia bầu cử không?
  • Người bị tạm giam vẫn được quyền bầu cử?
  • Những trường hợp nào xóa tên khỏi danh sách cử tri?

Người đang bị phạt tù được ghi tên trong danh sách đi bầu cử không?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, trường hợp đang bị phạt tù có quyền đi bầu cử không? Em cảm ơn! - (Lê Nguyệt (minhnguyetle…@gmail.com).

Trả lời:

Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, ghi tên trong danh sách cử tri tham gia bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên có một số trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Cụ thể, khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân 2015 quy định:

Điều 30. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri

1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Qua quy định trên, trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri bao gồm:

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, trường hợp đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo thì không được ghi tên trong danh sách cử tri.

Những trường hợp không được đi bầu cử Quốc hội (Ảnh minh họa)


Trường hợp không thể nhận thức có được tham gia bầu cử không?

Câu hỏi: Cho em hỏi, người không thể nhận thức, bị tâm thần có được tham gia bầu cử hoặc được người khác bầu cử thay không? - Trương Khánh (Hải Phòng).

Trả lời:

Cũng căn cứ quy định trên, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Theo đó, Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

- Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

- Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Từ quy định trên, người bị bệnh tâm thần, mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ hành vi và có kết quả giám định của tổ chức pháp y thì Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự.

Do đó, người mất năng lực hành vi dân sự không được ghi tên vào danh sách cử tri, không được thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 30 Luật này cũng quy định người thuộc trường hợp nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.

Như vậy, cần xác định tại thời điểm bầu cử người đó có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không còn trong tình trạng đó để xác nhận có được bổ sung vào danh sách cử tri.


Người bị tạm giam vẫn được quyền bầu cử?

Câu hỏi: Theo em tìm hiểu được biết người bị phạt tù, bị tạm giam thì không được tham gia bầu cử. Xin hỏi, có đúng quy định như vậy không? - Bùi Lê (Yên Bái).

Trả lời:

Căn cứ khoản 5 Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, nguyên tắc lập danh sách cử tri được quy định:

5. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đồng thời, theo Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:

- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ.

- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân.

Như vậy, từ những quy định trên, người bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi đang bị tạm giam, tạm giữ.


Những trường hợp nào xóa tên khỏi danh sách cử tri?

Câu hỏi: Sau khi đăng ký vào danh sách cử tri bầu cử ở nơi đang sinh sống tôi mới có quyết định chuyển công tác đến thành phố khác. Theo tôi hỏi thì bạn bè có nói tôi chuyển đến thành phố khác thì bị xóa tên bầu cử tại nơi ở cũ và không được đăng ký tại nơi mới nữa. Cho tôi hỏi có đúng như vậy không? - Hà Mai (Quảng Ninh).

Trả lời:

Căn cứ Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các trường hợp xóa tên trong danh sách cử tri:

Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ

- Những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ… nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Sau đó được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Trường hợp của bạn đọc, nếu bạn chuyển đến nơi ở mới theo quy định trên, trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ.

Sau đó được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Do vậy, trường hợp này bạn chỉ bị xóa tên tại nơi cư trú cũ và được ghi tên ở nơi mới, không thuộc trường hợp không được tham gia bầu cử.

Trên đây là các trường hợp không được đi bầu cử. Nếu còn thắc mắc nào khác, bạn đọc vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Xem thêm:

Bao nhiêu tuổi được đi bầu cử? Cách tính tuổi đi bầu cử

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X