hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 02/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bảo lãnh là gì? Khi nào được miễn bảo lãnh nghĩa vụ?

Thông thường, khi vay ngân hàng, nhiều người cũng đã được nghe đến khái niệm bảo lãnh. Bài viết dưới đây sẽ giải thích cụ thể bảo lãnh là gì? Bảo lãnh trong vay vốn tại ngân hàng được quy định thế nào?

Khái niệm bảo lãnh quy định thế nào trong Bộ luật Dân sự?

Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu định nghĩa bảo lãnh như sau:

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Theo định nghĩa này, bảo lãnh không phải là biện pháp bảm đảm của hai bên trong việc phải thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận mà là bên thứ ba cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên bảo lãnh (bên thực hiện nghĩa vụ) nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Do đó, có thể thấy, bảo lãnh có các đặc điểm sau:

- Đây là thỏa thuận của ba bên: Bên bảo lãnh (bên thứ ba), bên nhận bảo lãnh (bên có quyền) và bên được bảo lãnh (bên có nghĩa vụ).

- Điều kiện để bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ thay (thực hiện việc bảo lãnh): Bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (nếu các bên có thỏa thuận).

- Thời điểm bên thứ ba thực hiện thay nghĩa vụ là thời điểm bên nhận bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ mà đối tượng này không hoặc thực hiện không đúng hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (nếu các bên có thỏa thuận).

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 44 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, Chính phủ quy định các trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình khi có các căn cứ nghĩa vụ được bảo lãnh bị vi phạm sau đây:

- Bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đúng thời hạn hoặc trước thời hạn theo thỏa thuận của các bên.

- Bên được bảo lãnh không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.

- Bên được bảo lãnh không thực hiện đúng nội dung trong nghĩa vụ của mình.

- Bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ nếu các bên có thỏa thuận hoặc do bên nhận bảo lãnh yêu cầu thực hiện thay khi người này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, tại Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận về phạm vi bảo lãnh cũng như thù lao trong việc bảo lãnh như sau:

- Bên bảo lãnh có thể được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận về vấn đề này.

- Bên bảo lãnh có thể cam kết chỉ bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Trong đó, nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm các khoản như: Tiền lãi trên nợ gốc, tiền lãi trên số tiền chậm trả, tiền bồi thường thiệt hại, tiền phạt nếu thực hiện chậm nghĩa vụ… trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

- Các bên có thể thỏa thuạn dùng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên thứ ba.

- Phạm vi bảo lãnh sẽ không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bão lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại trong trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai.

Xem tiếp: Bảo lãnh có cần tài sản bảo đảm không?

bao lanh la gi
Bảo lãnh là gì? (Ảnh minh họa)


Trường hợp nào được miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh?

Các trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được quy định cụ thể tại Điều 341 Bộ luật Dân sự hiện hành gồm:

- Bên nhận bảo lãnh đã miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh trong trường hợp bên này phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trừ khi có quy định khác.

- Chỉ một hoặc một số người cùng bảo lãnh liên đới được miễn thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người bảo lãnh khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo thỏa thuận.

- Chỉ được miễn phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình với một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới nếu được người này miễn nghĩa vụ bảo lãnh. Riêng những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại thì người bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Không chỉ thế, Điều 343 Bộ luật Dân sự còn quy định cụ thể 04 trường hợp bên bảo lãnh được chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh của mình gồm:

- Khi nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

- Hủy bỏ hoặc thay thế nghĩa vụ bảo lãnh bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã được bên bảo lãnh thực hiện.

- Các bên có thỏa thuận.

Trên đây là giải thích về bảo lãnh là gì? Nếu có thắc mắc nào khác, bạn đọc có để lại câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X