hieuluat
Chia sẻ email

Biên chế là gì? Phân biệt biên chế và hợp đồng lao động

Với suy nghĩ vào biên chế ổn định hơn so với nhân viên hợp đồng, không ít người sẵn sàng "chạy" vào biên chế. Vậy biên chế là gì, khác gì với hợp đồng lao động?

Mục lục bài viết
  • Biên chế là gì?
  • Hợp đồng trong biên chế là gì?
  • Phân biệt biên chế và hợp đồng lao động
  • Trường hợp nào bị tinh giản biên chế?

Biên chế là gì?

Thuật ngữ biên chế xuất hiện rất nhiều trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các Nghị định về tinh giản biên chế… tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể, thống nhất về biên chế.

Song từ những văn bản trên, đặc biệt, khoản 1 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định: 

“Biên chế” sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

có thể hiểu như sau: Biên chế là số người làm việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, do đơn vị quyết định hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (hiện nay là Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt và giao, làm căn cứ cấp kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm.

Vào biên chế, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có công việc ổn định, lâu dài thậm chí vô thời hạn trong các cơ quan Nhà nước, hưởng các chế độ về lương, phụ cấp theo quy định của Nhà nước (từ 01/7/2020, chế độ biên chế suốt đời với viên chức đã bị bãi bỏ. Đồng thời, cũng ngày càng nhiều người bị tinh giản biên chế. Vì thế, biên chế không còn mang ý nghĩa là ổn định suốt đời).

biên chế là gì

Biên chế là gì, khác gì với hợp đồng lao động? (Ảnh minh họa)

Hợp đồng trong biên chế là gì?

Hợp đồng trong biên chế là cách thường gọi để chỉ những lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập mà không phải là công chức, viên chức Nhà nước nhưng được các cơ quan này ký kết hợp đồng lao động để làm việc.

Có thể hình dung qua ví dụ sau:

Cơ quan A được giao chỉ tiêu biên chế là 50 người (hưởng lương do ngân sách Nhà nước cấp).

Hiện tại do biến động nhân sự (nghỉ hưu, chuyển đi...) nên cơ quan A chỉ còn 48 người và chưa tuyển dụng được người thay thế, mà nhu cầu công việc phải có 02 người đảm nhiệm khối lượng công việc ở 02 vị trí trống biên chế, nên đã ký hợp đồng lao động với 02 người khác để làm công việc ở 02 vị trí đó.

02 người này được hưởng lương do ngân sách cấp, được hưởng các chế độ khác như viên chức, đó chính là hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.

Phân biệt biên chế và hợp đồng lao động

Tiêu chí

Biên chế

HĐLĐ

Tính chất công việc

Công việc ổn định, lâu dài, vô thời hạn

Công việc có thể xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn

Có thể sẽ phải nghỉ việc nếu đơn vị tuyển dụng không ký tiếp hợp đồng lao động

Chủ thể tham gia ký kết

Người sử dụng lao động là cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…

Người sử dụng lao động không bắt buộc là Nhà nước

Hình thức thi tuyển

Thi tuyển hoặc xét tuyển

Phỏng vấn, xét tuyển

Chế độ đãi ngộ

Được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các quyền lợi, chế độ đãi ngộ và các khoản phụ cấp khác

Được hưởng các chế độ đãi ngộ theo thỏa thuận của 02 bên được ghi nhận trong hợp đồng lao động


Trường hợp nào bị tinh giản biên chế?

Với nhiều người, biên chế được xem là an toàn, bởi có thể đảm bảo có việc làm đến khi nghỉ hưu với các chế độ lương, phụ cấp ổn định. Tuy nhiên, quan điểm này hiện nay đã không còn chính xác với tất cả mọi người bởi có nhiều trường hợp bị tinh giản biên chế nghĩa là đưa ra khỏi biên chế.

Theo quy định hiện hành, các đối tượng bị đưa ra khỏi biên chế là người dôi dư; không đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí việc làm; cơ quan, đơn vị không thể bố trí, sắp xếp công tác khác và những người này sẽ được giải quyết chế độ, chính sách tương ứng.

Theo Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP, người bị tinh giản biên chế gồm:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính.

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng đơn vị không bố trí được việc làm khác.

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm nhưng không có vị trí khác thay thế và không thể đào tạo để chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ hoặc tự nguyện tinh giản, được cơ quan đồng ý khi cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác.

- Có chuyên môn không phù hợp với vị trí đang làm việc nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc tự nguyện tinh giản, được cơ quan đồng ý khi trước đó được bố trí việc làm khác.

- Có hai năm liên tiếp tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà:

+ Có một năm xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhiệm vụ, không thể bố trí việc làm phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề nhưng tự nguyện tinh giản và được đồng ý.

+ Có một năm xếp loại hoàn thành, một năm không hoàn thành nhưng không bố trí được việc khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề nhưng tự nguyện tinh giản và được đồng ý.

+ Từng năm có tổng số ngày nghỉ bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ ốm đau tối đa, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc năm trước liền kề có hai điều kiện này nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản và được cơ quan đồng ý.

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện tinh giản và được đồng ý…

Trên đây là giải đáp về: Biên chế là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24h giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

X