hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 07/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chứng chỉ tiền gửi là gì? Khác gì sổ tiết kiệm?

Chứng chỉ tiền gửi là gì có khác gì sổ tiết kiệm hay không là những thông tin không phải ai cũng có thể hiểu và nắm hết được.

Mục lục bài viết
  • Chứng chỉ tiền gửi là gì?
  • Định nghĩa chứng chỉ tiền gửi là gì?
  • Các loại chứng chỉ tiền gửi
  • Nội dung ghi trên chứng chỉ tiền gửi thế nào?
  • Điều kiện để mua chứng chỉ tiền gửi hiện nay là gì?

Chứng chỉ tiền gửi là gì?

Định nghĩa chứng chỉ tiền gửi là gì?

Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định, chứng chỉ tiền gửi cùng với kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu đều là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.

Như vậy, có thể hiểu, chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác.

Chứng chỉ tiền gửi cũng giống với sổ tiết kiệm, đều được ngân hàng phát hành nhằm chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

chứng chỉ tiền gửi là gì có khác với sổ tiết kiệm khôngHiểu thế nào về chứng chỉ tiền gửi?

Các loại chứng chỉ tiền gửi

Chứng chỉ tiền gửi gồm 3 loại chính là:

Thứ nhất là chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu.

Thứ hai là chứng chỉ tiền gửi vô danh: Giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Loại chứng chỉ này thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi.

Và thứ 3 là chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn.

Nội dung ghi trên chứng chỉ tiền gửi thế nào?

Theo khoản 3 Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN thì nội dung ghi trên chứng chỉ tiền gửi gồm:

- Tên tổ chức phát hành

- Tên gọi chứng chỉ tiền gửi

- Ký hiệu, số sê-ri phát hành

- Chữ ký của người đại diện cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phát hành và các chữ ký khác do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định;

- Mệnh giá tiền gửi, thời hạn gửi (ví dụ như 24 tháng, 36 tháng…), ngày phát hành, ngày đáo hạn (ngày đến hạn thanh toán)

- Lãi suất và phương thức trả lãi, thời điểm và địa điểm thanh toán gốc và lãi;

- Họ tên, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, địa chỉ của cá nhân/tổ chức mua, chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty mua.

- Đối với kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành, phải ghi rõ người sở hữu chỉ được chuyển quyền sở hữu cho một tổ chức.

Các nội dung khác của chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu do tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định.

Điều kiện để mua chứng chỉ tiền gửi hiện nay là gì?

Để được mua chứng chỉ tiền gửi, thông thường phải đáp ứng các điều kiện sau:

Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam;

Đủ 18 tuổi trở lên;

Có đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân;

Có giao dịch tại ngân hàng mua chứng chỉ tiền gửi.

Ngoài các điều kiện trên, các ngân hàng có thể đặt ra các yêu cầu khác như không được tái ký gửi, không được thanh toán trước hạn

Chứng chỉ tiền gửi có ưu, nhược điểm gì?

Về ưu, nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi có thể hiểu như sau:

Ưu điểm:

- Đây là sản phẩm đầu tư ít rủi ro, khá an toàn, được bảo đảm bởi các tổ chức tài chính uy tín;

- Có tiền lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm;

- Tiền gốc và lãi đảm bảo cho đến ngày đáo hạn;

- Dễ dàng chuyển nhượng hoặc mua, bán, tặng cho người khác. Ngân hàng sẽ xác nhận quyền chuyển nhượng sở hữu, đồng thời hỗ trợ làm thủ tục cho, tặng.

Nhược điểm:

- Người mua không được tất toán trước kỳ hạn;

- Chứng chỉ tiền gửi còn có tính thanh khoản thấp;

- Thời gian đầu tư càng lâu, lãi suất càng thấp.

Chứng chỉ tiền gửi khác sổ tiết kiệm thế nào?

Tiêu chí

Chứng chỉ tiền gửi

 

Sổ tiết kiệm

Lãi suất

- Thường có lãi suất cao hơn, ổn định hơn (có thể lên đến 9, 10%/năm)

- Kỳ hạn dài hơn (tuỳ theo ngân hàng và từng đợt phát hành có thể từ 6 tháng - 84 tháng).

 

- Lãi suất thấp hơn

- Có thể chọn gửi theo các kỳ hạn linh hoạt như: 1 tháng, 2 tháng, 12 tháng, 24 tháng… 

 

Tính thanh khoản

Tính thanh khoản kém hơn: không được rút trước hạn (ít nhất phải chờ hết nửa kỳ hạn trở đi).

- Chứng chỉ tiền gửi có thể bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố.

- Có tính thanh khoản cao bởi có thể rút tiền trước kỳ hạn (phải chịu lãi suất rất thấp).

- Không thể chuyển nhượng, chỉ có thể cầm cố tại chính ngân hàng phát hành để vay lại khoản tiền mình đã gửi.

Số tiền đầu tư

Số tiền đầu tư ban đầu thường khá lớn, có thể từ 100 triệu trở lên và là bội số của 100 triệu.

Số tiền tối thiểu để gửi tiết kiệm khá linh hoạt, chỉ từ 1 triệu.

 

Trên đây là thông tin liên quan đến chứng chỉ tiền gửi là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X