hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 28/02/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đối thoại tại nơi làm việc là gì? Các nội dung đối thoại tại nơi làm việc

Nhằm đảm bảo lợi ích, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần hợp tác cùng phát triển, đối thoại giữa hai bên là điều cần thiết. Vậy đối thoại tại nơi làm việc là gì?

Mục lục bài viết
  • Khái niệm đối thoại tại nơi làm việc là gì?
  • Tại sao phải đối thoại làm việc?
  • Khi nào cần đối thoại tại nơi làm việc?
  • Nội dung đối thoại tại nơi làm việc
  • Một số lưu ý khác:

Khái niệm đối thoại tại nơi làm việc là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019, đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

doi thoai tai noi lam viec la gi

Đối thoại tại nơi làm việc là gì? (Ảnh minh họa)

Tại sao phải đối thoại làm việc?

Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo nguyên tắc:

- Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch.

- Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động.

- Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Khi nào cần đối thoại tại nơi làm việc?

- Theo định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

- Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

- Khi có vụ việc ảnh hưởng đến quan hệ lao động theo qui định.

Ngoài những quy định nêu trên, luật cũng khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại xung quanh các nội dung khác có liên quan đến quyền lợi, lợi ích của hai bên.

Nội dung đối thoại tại nơi làm việc

Theo quy định tại Điều 64 BLLĐ 2019, các nội dung của đối thoại bao gồm:

a) Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

b) Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;

c) Điều kiện làm việc;

d) Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động;

đ) Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động;

e) Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Một số lưu ý khác:

- Chính phủ qui định việc tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Nội dung đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, thời gian, thời điểm đối thoại, quy trình tổ chức đối thoại thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

- Thời điểm tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời điểm tổ chức hội nghị người lao động quy định thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.

Có thể bạn quan tâm

X