hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 13/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Có phải cơ quan Nhà nước không?

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người không biết đơn vị sự nghiệp công lập là gì, có phải là cơ quan Nhà nước không và gồm những đơn vị nào. Để giải đáp những câu hỏi này, hãy cùng chúng tôi làm rõ qua bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Có phải cơ quan Nhà nước không?
  • Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập khác gì nhau?
  • Các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam gồm những đơn vị nào?
  • Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập là ai?
  • Đơn vị sự nghiệp công lập có phải nộp thuế không?

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người không biết đơn vị sự nghiệp công lập là gì, có phải là cơ quan Nhà nước không và gồm những đơn vị nào. Để giải đáp những câu hỏi này, hãy cùng chúng tôi làm rõ qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Cho tôi hỏi đơn vị sự nghiệp công lập là gì, có phải là cơ quan nhà nước không? Theo quy định hiện nay thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức hay công chứng?

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Có phải cơ quan Nhà nước không?

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010

“Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.”

Ngoài ra, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài. Đây là các cơ quan thuộc Bộ, ngang Bộ hoặc thuộc cơ quan của Chính phủ, được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, có con dấu và tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và được đặt tại nước ngoài.

Từ các quy định trên, có thể nhận định rằng đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan Nhà nước.

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập khác gì nhau?

Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập khác nhau như sau:

Tiêu chí

Đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

Khái niệm

Là tổ chức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân và cung cấp dịch vụ công để phục vụ cho quản lý Nhà nước.

Là tổ chức sự nghiệp không thuộc Nhà nước, do các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân thành lập, có tư cách pháp nhân và cung cấp các dịch vụ công, cơ cấu hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

Đặc điểm

- Thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị hoặc tổ chức chính trị xã hội.

- Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ ngân sách.

- Hoạt động theo chế độ thủ trưởng và có Hội đồng quản lý.

Không thuộc cơ quan Nhà nước, được thành lập và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Người làm việc

- Viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

- Được tuyển dụng theo vị trí việc làm và theo quy trình được quy định, làm việc theo hợp đồng làm việc.

- Người lao động, mức lương được hưởng theo thoả thuận trong hợp đồng lao động.

- Tuyển dụng theo nhu cầu và làm việc theo hợp đồng lao động.

 

Các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam gồm những đơn vị nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức 2010, các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam gồm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ.

- Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ.

Các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam gồm những đơn vị nào?Các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam gồm những đơn vị nào?

Đồng thời, theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (ngoại trừ đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng).

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng thành lập (mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập).

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện.

Ví dụ: 

- Trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp.

- Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hà Nội.

- Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội…

Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập là ai?

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức.

Tại Điều 2 Luật Viên chức 2010, quy định về viên chức: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Đồng thời, trước đây theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức 2008 công chức là người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, kể từ 01/7/2020 - khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức 2019 có hiệu lực thì đã bỏ quy định này.

Do đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là viên chức.

Đơn vị sự nghiệp công lập có phải nộp thuế không?

Theo điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập là đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Như vậy, chỉ những đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập thì mới phải nộp thuế.

Đơn vị sự nghiệp công lập có được cho thuê đất không?

Theo khoản 3 Điều 54 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính mà sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai 2013 quy định nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất: 

Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính không được cho thuê đất vì là đơn vị được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Khác với đơn vị chưa tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê, do đó, có các quyền và nghĩa vụ chung của chủ sử dụng đất theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 174 Luật Đất đai 2013. 

Tức là, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính có quyền cho thuê lại đất được giao.

Trên đây là những thông tin liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập là gì. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được giải đáp.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X