hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 22/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đồng phạm là gì? Căn cứ xác định đồng phạm trong vụ án hình sự

Xác định đồng phạm trong vụ án hình sự là yếu tố quan trọng trong trong việc thực hiện nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm. Vậy đồng phạm là gì? Căn cứ xác định đồng phạm trong vụ án hình sự hiện nay.

Mục lục bài viết
  • Đồng phạm là gì?
  • Các hình thức đồng phạm hiện nay
  • Đồng phạm giản đơn
  • Đồng phạm phức tạp
  • Các căn cứ xác định đồng phạm trong vụ án hình sự hiện nay

Đồng phạm là gì?

Đồng phạm là gì?

Đồng phạm là một thuật ngữ được quy định trong pháp luật hình sự hiện hành. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, đồng phạm được quy định là trong một vụ án hình sự có từ 02 người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm.

Theo quy định hiện hành thì đồng phạm trong vụ án hình sự không nhất thiết phải là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội cùng với người phạm tội mà đồng phạm còn được xác định ở nhiều vai trò khác nhau. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định đồng phạm bao gồm những người sau:

  • Người tổ chức: trong trường hợp này, đồng phạm với người phạm tội chính là người chủ mưu, là người chỉ huy và cầm đầu việc thực hiện tội phạm;

  • Người thực hành: đây là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội cùng với người phạm tội;

  • Người xúi giục: trong trường hợp này, đồng phạm không phải là người chủ mưu cũng không trực tiếp thực hiện tội phạm mà là người gây kích động, dụ dỗ và thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội;

  • Người giúp sức: trong trường hợp này thì đồng phạm chính là người tạo điều kiện cho người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình. Đồng phạm có thể tại điều kiện về mặt tinh thần hoặc vật chất hoặc cả vật chất lẫn tinh thần cho người phạm tội.

Như vậy, trong một vụ án hình sự có đồng phạm thì đồng phạm được xác định là người có một trong 04 vai trò nêu trên. Tuy nhiên, pháp luật hình sự cũng quy định rõ đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Các hình thức đồng phạm hiện nay

Các hình thức đồng phạm hiện nay

Pháp luật hình sự hiện hành vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về các hình thức của đồng phạm. Hiện nay, đồng phạm được quy định rõ nhất tại Điều 17 Bộ luật Hình sự và điều luật này chỉ quy định về khái niệm đồng phạm và các loại đồng phạm mà không quy định về các hình thức đồng phạm.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, trong công tác thực tiễn ở lĩnh vực hình sự thì hầu hết mọi người đều đồng ý với việc phân chia các hình thức đồng phạm hiện nay thành 02 loại: đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp. Cụ thể như sau:

Đồng phạm giản đơn

Do pháp luật hiện hành không quy định về các hình thức đồng phạm nên việc đưa ra các khái niệm liên quan sẽ được chúng tôi dựa trên những tại liệu, công trình nghiên cứu của những nhà nghiên cứu luật học hiện nay.

Tại Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung) của Trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa ra khái niệm đồng phạm giản đơn như sau: “Đồng phạm giản đơn là hình thức đồng phạm trong đó những người cùng tham gia vào vụ phạm tội đều giữ vai trò là người thực hành”.

Trong bài viết “Hoàn thiện chế định lớn về tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành” của tác giả Lê Cảm được đăng trong Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tập 34, số 1 (2018) lại đưa ra quan niệm hình thức đồng phạm đơn giản chính là việc phạm tội không có sự thông mưu trước và không có sự kết cấu chặt chẽ của những người cùng thực hiện hành vi phạm tội…

Có thể thấy, ở mỗi tác giả khác nhau thì quan điểm về hình thức đồng phạm giản đơn lại có sự khác nhau. Tuy nhiên, khi gộp chung các quan điểm lại có thể rút ra sự thống nhất về cách hiểu hình thức đồng phạm này.

Có thể hiểu cụ thể hơn thì đồng phạm đơn giản được thực hiện khi không có sự tính toán, thông mưu trước giữa những người đồng phạm. Và từ việc không có sự thông mưu trước nên tất cả các đồng phạm đều thực hiện hành vi phạm tội, đều là người thực hành trong vụ án hình sự.

Như vậy, có thể hiểu hình thức đồng phạm đơn giản là hình thức đồng phạm không được lên kế hoạch cụ thể từ trước, thiếu sự liên kết, bàn bạc giữa những người đồng phạm với nhau.

Đồng phạm phức tạp

Bên cạnh đồng phạm đơn giản thì đồng phạm phức tạp cũng chính là một hình thức đồng phạm hiện nay.

Trái ngược với hình thức đồng phạm đơn giản, đồng phạm phức tạp được hiểu là đồng phạm có sự phân công, bàn bạc chặt chẽ về vai trò tham gia tội phạm của từng thành viên trong nhóm đồng phạm.

Một vụ án được xác định là nhóm đồng phạm thực hiện theo hình thức đồng phạm phức tạp khi họ có sự phân công, có sự chuẩn bị chu đáo cho hành vi phạm tội của mình.

Đứng trên góc độ thực tế chúng ta có thể thấy hầu hết các vụ án hình sự được thực hiện theo hình thức đồng phạm phức tạp đều có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với những vụ án hình sự thực hiện theo hình thức đồng phạm đơn giản bởi sự tính toán, thông mưu kỹ lưỡng của nhóm tội phạm.

Tuy nhiên, mọi tội phạm xảy ra dù hậu quả để lại lớn hay nhỏ thì đều nguy hiểm cho xã hội nên cần phải xử lý nghiêm minh đối với những người phạm tội theo quy định hiện hành.

Các căn cứ xác định đồng phạm trong vụ án hình sự hiện nay

Việc xem xét một vụ án hình sự có đồng phạm hay không được xác định thông qua các dấu hiệu pháp lý của đồng phạm: dấu hiệu khách quan và dấu hiệu chủ quan. Cụ thể:

Dấu hiệu khách quan của đồng phạm:

  • Có từ 02 người trở lên cùng thực hiện hành vi phạm tội. Những người thực hiện hành vi phạm tội đều là những người có năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành;

  • Đồng phạm có sự liên kết với nhau trong việc thực hiện hành vi phạm tội;

  • Hậu quả mà tội phạm gây ra được zác định là hậu quả chung do tất cả những người đồng phạm trong vụ án gây ra.

​Dấu hiệu chủ quan của đồng phạm:

  • Vụ án hình sự có đồng phạm thường có tính chất nguy hiểm hơn so với vụ án hình sự không có đồng phạm;

  • Vụ án hình sự có đồng phạm thường xảy ra do lỗi cố ý.

Như vậy, khi xác định một vụ án hình sự có đồng phạm hay không thì cơ quan có thẩm quyền thường xem xét các dấu hiệu pháp lý trên.

Tuy nhiên, trong khoa học hình sự thì một số hành vi có liên quan đến tội phạm nhưng không được xác định là đồng phạm do không thoả mãn dấu hiệu của đồng phạm như: Hành vi che giấu tội phạm và hành vi không tố giác tội phạm.

Các hành vi này tuy không được xác định là đồng phạm nhưng được quy định là hai tội độc lập trong Bộ luật Hình sự do có tính chất nguy hiểm lớn cho xã hội.

Toà án quyết định hình phạt trong trường hợp có đồng phạm như thế nào?

Toà án quyết định hình phạt trong trường hợp có đồng phạm như thế nào?

Theo nguyên tắc thì đồng phạm được xác định là trường hợp có từ 02 người trở lên cùng thực hiện hành vi phạm tội nên đều cùng phải chịu trách nhiệm hình sự chung về một tội mà họ đã thực hiện.

Bên cạnh đó, mỗi đồng phạm trong vụ án hình sự đều phải độc lập trong việc chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình, người đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về nội dung vượt quá của người đồng phạm khác trong vụ án hình sự.

Tại Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng đã quy định về nguyên tắc xét xử vụ án hình sự có đồng phạm.

Theo quy định này thì Toà án có thể xem xét đến tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng đồng phạm để quyết định hình phạm cho những người đồng phạm.

Người đồng phạm nào có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự nào thì sẽ được áp dụng tình tiết đó trong việc xem xét để quyết định hình phạt của Toà án.

Trên đây là giải đáp về đồng phạm là gì và các vấn đề liên quan. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài:  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X